1. Dòng sự kiện:
  2. Hàng giá rẻ Trung Quốc đổ bộ

Đại gia ngân hàng tiền tỷ, không dám hồi môn cho con

Không ít người mua cổ phiếu ngân hàng ở mức giá 70 - 80 ngàn đồng nhưng gần chục năm qua, họ hầu như không nhận được cổ tức bằng tiền mặt và giá cổ phiếu giờ 10 phần chỉ còn lại 1.

Giật mình với "vua"

Giật mình với thông tin Công ty TNHH Mua bán nợ Việt Nam (DATC) vừa thông báo bán đấu giá cổ phần một số ngân hàng với giá vài ba ngàn đồng, ông Vũ Hiều lên trên mạng tham khảo giá mớ cổ phiếu ngân hàng mà mình đã mua cách đây gần 10 năm nay.

Đã vài năm nay ông không còn để ý tới mớ cổ phiếu của mình. Ngân hàng được cho là vẫn hoạt động bình thường nhưng lợi nhuận không cao và nhiều năm không chia cổ tức cho các cổ đông. Vì là cổ phiếu chưa niêm yết, nên việc nắm bắt giá cả khá khó và bán cũng không hề dễ dàng, do vậy ông Hiều cứ để đó, không chú ý tới nữa.

Đã có lúc ông đùa, cùng lắm để làm của hồi môn cho con cái.

Tuy nhiên, mức giá chào bán của DATC quá thấp đối với một số cổ phiếu ngân hàng đã khiến ông tò mò muốn xem giá cổ phiếu mình cầm ở trên thị trường tự do giờ khoảng bao nhiêu tiền cho một cổ phần.

Đại gia ngân hàng tiền tỷ, không dám hồi môn cho con - 1

 

Trên một trang mạng giao dịch cổ phiếu OTC, ông Hiều tiếp tục giật mình khi thấy giá cổ phiếu NH ông đang nắm giữ được chào bán quanh mức 6.000 đồng/cp so với mức giá 80.000 đồng/cp mà ông mua cách đây 10 năm.

“Mua cổ phiếu chờ gần 10 năm, giờ giá chỉ còn chưa tới 1 phần mười. Cổ tức cũng chả mấy khi nhận được, ngoài một vài lần chia tách cổ phiếu nhưng không được nhận tiền mặt”, ông Hiều than thở.

Hồi giữa tháng 10, DATC thông báo bán đấu giá cổ phần Ngân hàng Phương Đông (OCB) và Ngân hàng Sài Gòn (SCB). Với giá khởi điểm tương ứng 4.900 đồng/cp và 4.100 đồng/cp, thấp hơn nhiều so với mệnh giá 10.000 đồng/cp, cũng như mức giá vài chục ngàn đồng mà nhiều đại gia lớn đã mua các năm trước đó.

Ông Hiều thực sự ngạc nhiên khi thấy cổ phiếu của một ngân hàng cổ phần khác có quy mô tầm trung nhưng lợi nhuận thuộc tốp đầu, ngang ngửa với các “ông lớn” có nguồn gốc quốc doanh có giá giao bán trên thị trường OTC chỉ từ 9.000 - 9.500 đồng/cp. Cổ phiếu này trước đó ông cũng đã từng nghe giao dịch trên thị trường lên tới 5 - 7 “chấm”.

Điều đáng ngạc nhiên ở đây là, ngân hàng này có lợi nhuận cực khủng, cả ngàn tỷ đồng chỉ trong 6 tháng đầu năm. Ngân hàng liên tục phát triển về quy mô, tăng trưởng tín dụng cũng rất ấn tượng và đang nổi lên là một trong những thương hiệu ngân hàng phát triển ấn tượng nhất trong vài ba năm đúng thời kỳ hệ thống ngân hàng lao đao, tập trung tái cơ cấu.

Điểm mặt các cổ phiếu ngân hàng khác, ông Hiều liên tục giật mình khi thấy BVBank 5.000 đồng/cp, VABank 4.000 đồng/cp, LVB 5.700 - 6.000 đồng/cp...

Không dám làm của hồi môn

Xu hướng giá cổ phiếu ngân hàng giảm đã bắt đầu từ vài năm nay, chịu ảnh hưởng tình hình ảm đạm chung trên TTCK, sự đóng băng của thị trường bất động sản và những trục trặc trên thị trường tài chính, nhất là hệ thống ngân hàng.

Đại gia ngân hàng tiền tỷ, không dám hồi môn cho con - 2

 

Trước đó, ngân hàng là một lĩnh vực rất hấp dẫn đối với giới đầu tư. Cổ phiếu tăng giá chóng mặt nhờ lợi nhuận cao từ một thời kỳ cả thập kỷ tăng trưởng tín dụng nóng, lãi suất cao. Bên cạnh đó, sự thèm muốn nắm giữ vai trò chi phối tại ngân hàng của các đại gia đã khiến cho giá cổ phiếu tăng không ngừng nghỉ.

Cách đây 5 - 7 năm, cổ phiếu ngân hàng được mệnh giá là cổ phiếu vua, vừa thích hợp cho đầu tư ngắn hạn, tìm kiếm lợi nhuận nhanh chóng (từ cả cổ tức lẫn sự gia tăng chóng mặt về giá) lẫn dài hạn, cho các mục đích riêng của các cổ đông lớn.

Tuy nhiên, trong vài năm gần đây, cổ phiếu ngành này đã sa sút nhanh chóng. Và cho tới thời điểm này, đối với nhiều NĐT, nhiều cổ phiếu ngân hàng thậm chí còn không đáng để làm của hồi môn bởi lợi tức thấp, cổ tức toàn bằng giấy trong khi giá xuống thảm hại, chưa biết ngày nào lên.

Tại ĐHCĐ Ngân hàng TMCP Xuất nhập khẩu Việt Nam (Eximbank) hồi cuối tháng 7, cổ đông ngân hàng này bày tỏ sự bức xúc về vấn đề không chia cổ cổ tức, lợi nhuận thấp, chi phí tăng vọt… trong 3 tiếng đồng hồ.

Trước đó vài tháng, cổ đông một ngân hàng thuộc nhóm G12 có trụ sở ở miền Bắc cũng đã bức xúc cho rằng, họ góp vốn vào ngân hàng bằng tiền thì phải có cổ tức bằng tiền, chứ không phải cổ phiếu. Ba năm liền không nhận cổ tức, cổ đông góp vốn mà không được gì thì lãnh đạo có nói hay mấy cũng không bằng…

Một số ngân hàng hoạt động tốt, lợi nhuận rất cao nhưng cũng triền miên cho cổ đông nhận cổ tức bằng cổ phiếu. Đây là vấn đề mà không ít NĐT bỏ tiền ra làm cổ đông không chấp nhận được bởi NH làm ăn tốt nhưng lợi nhuận đem dồn hết cho “tương lai”, để NH lớn ra, mạnh lên… nhưng trên thực tế giá cổ phiếu trên thị trường lại chưa bằng mệnh giá, thấp hơn nhiều so với các năm trước.

Tăng trích lập dự phòng, giữ lại lợi nhuận để có nguồn vốn đầu tư, kinh doanh phục vụ “mục tiêu phát triển lâu dài” thực sự là nỗi ám ảnh đối với các NĐT bỏ tiền tỷ ra đầu tư vào lĩnh vực NH mà giờ đây giá trị còn lại chỉ tính bằng trăm triệu.

Bên cạnh đó, những cú ngã ngựa của các ông trùm ngân hàng như Hà Văn Thắm, Nguyễn Đức Kiên, rồi sự rút lui trong yên lặng của các doanh nhân tiếng tăm như Đặng Văn Thành, Đặng Thành Tâm và gần đây là sự yên phận của ông Trầm Bê, nhà bà Tư Hường… cho thấy một thực tế buồn tẻ của các cổ phiếu một thời trên ngôi cao này.

Theo M. Hà
Vietnamnet

 

Đại gia ngân hàng tiền tỷ, không dám hồi môn cho con - 3

 

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm