Đại gia mua Rolls-Royce "suất ngoại giao'", trốn chuyển nhượng, tránh nộp thuế
Hơn 150 ô tô, xe máy của các nhân viên, cơ quan ngoại giao, tổ chức quốc tế được hưởng quyền ưu đãi miễn trừ, tạm nhập từ tháng 4/1989 đến tháng 6/2016 vẫn chưa làm thủ tục chuyển nhượng cho các cá nhân, tổ chức tại Việt Nam.
"Suất ngoại giao"
Tổng cục Hải quan vừa công khai danh sách 131 xe ô tô của các cá nhân và 26 xe của các cơ quan ngoại giao cùng một số tổ chức quốc tế được hưởng quyền ưu đãi miễn trừ nhưng đã bán, cho, tặng tại Việt Nam mà chưa thực hiện thủ tục chuyển nhượng theo quy định của pháp luật.
Trong danh sách này góp mặt nhiều xe hạng sang như: Rolls-Royce, Bentley, Maybach, Porscher, Mercedes, BMW, Aston Martin, Lexus,... song cũng có không ít xe bình dân như Nissan Sunny, Toyota Camry, Corola, Yarris, RAV 4, Cressida; Hyundai Santa Fe, Sonata; Mitsubishi Pajero,... và có cả xe máy Honda Dream II, Yamaha 125cc...
Những xe này có ngày cấp giấy tạm nhập khẩu từ tháng 4/1989 đến tháng 6/2016, đến nay chưa làm thủ tục chuyển nhượng cho các cá nhân và các tổ chức tại Việt Nam.
Theo quy định, khi đến công tác tại Việt Nam, các nhân viên ngoại giao và nhân viên một số tổ chức quốc tế được mang theo một xe ô tô, xe gắn máy hai bánh. Hết thời gian công tác, chiếc xe mang theo cũng phải tái xuất, chuyển nhượng hoặc tiêu hủy.
Tuy nhiên, trên thực tế, có tình trạng thay đổi mục đích sử dụng như cho, tặng, hoặc chuyển nhượng cho các cá nhân, tổ chức tại Việt Nam.
Thời gian qua, trên thị trường có hiện tượng, mua bán suất ô tô được hưởng quyền ưu đãi miễn trừ (suất ngoại giao) tạm nhập khẩu, chủ yếu là các loại xe sang, siêu sang.
Khi mua được suất, "cò" sẽ tiến hành làm thủ tục nhập khẩu ô tô vào Việt Nam. Sau đó, những chiếc xe này sẽ được giao cho người mua, nhưng phải đứng tên chủ sở hữu theo chứng minh thư công vụ và đeo biển đối ngoại. Nhiều dân chơi, các đại gia, thậm chí cả doanh nghiệp tư nhân, đã mua và sử dụng những xe sang, siêu sang đeo biển đối ngoại.
Vì là xe tạm nhập tái xuất, không phải đóng thuế, phí, tính ra chi phí khá rẻ, chỉ bằng khoảng 1/3 so với xe nhập chính hãng. Chẳng hạn, một chiếc Rolls-Royce Ghost mới, nếu nhập khẩu từ Mỹ về Việt Nam không phải chịu bất kỳ loại thuế, phí nào; chỉ tính tiền mua xe, chi phí vận chuyển, bảo hiểm và trả tiền mua suất cho nhà ngoại giao, cộng lợi nhuận của "cò",... giá chỉ hơn 10 tỷ đồng. Trong khi đó, chiếc xe này nhập khẩu chính hãng bán tại Việt Nam giá hiện nay là hơn 31 tỷ đồng, chưa kể khách hàng còn phải chịu thêm lệ phí trước bạ 10-12% tùy địa phương và những chi phí khác.
Khó hy vọng
Nhận thấy điều này, các cơ quan chức năng ra những quy định ngày càng siết chặt những quy định.
Theo Thông tư 93/2018/TT-BTC sửa đổi, bổ sung về thủ tục tạm nhập khẩu ô tô của đối tượng được quyền ưu đãi, miễn trừ tại Việt Nam, kể từ ngày 20/11/2018, để được tạm nhập khẩu miễn thuế ô tô và xe gắn máy vào Việt Nam phải được Bộ Ngoại giao cấp tiêu chuẩn tạm nhập khẩu tại sở định mức hàng miễn thuế theo quy định. Đối với trường hợp người kế nhiệm đề nghị tạm nhập khẩu xe ô tô, xe gắn máy, Bộ Ngoại giao chỉ cấp khi người tiền nhiệm, đã hoàn thành thủ tục tái xuất hoặc tiêu hủy ô tô, xe gắn máy, chuyển nhượng theo đúng quy định, trên cơ sở thông báo của cơ quan hải quan.
Bên cạnh đó, quy định mới cũng mở rộng hơn đối tượng mua xe được quyền ưu đãi, miễn trừ, cho các cơ quan, tổ chức, thương nhân, cá nhân tại Việt Nam, trong khi trước kia không được. Nếu ô tô sản xuất quá 5 năm thì vẫn được chuyển nhượng, chứ không theo quy định dành cho ô tô nhập khẩu đã qua sử dụng, phải đảm bảo điều kiện không quá 5 năm, tính từ năm sản xuất đến thời điểm xe về cảng Việt Nam.
Ngày 26/3, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 14/2021 sửa đổi, bổ sung một số điều về việc tạm nhập khẩu, tái xuất khẩu, tiêu hủy, chuyển nhượng đối với xe ô tô, xe hai bánh gắn máy của đối tượng được hưởng quyền ưu đãi, miễn trừ tại Việt Nam.
Theo đó, nếu xe thuộc diện ưu đãi trên, không còn trong biên chế sử dụng của cơ quan tổ chức ngoại giao nước ngoài thì thực hiện thủ tục thu hồi giấy chứng nhận đăng ký, biển số xe. Cơ quan đăng kiểm dừng đăng kiểm đối với số xe chưa làm thủ tục chuyển nhượng theo danh sách được thông báo.
Tuy nhiên, với số xe trong danh sách do cơ quan hải quan thông báo kể trên, khó hy vọng các cá nhân, tổ chức Việt Nam thực hiện chuyển nhượng. Nhiều xe trong số này là xe bình dân, có thời gian tạm nhập đã quá lâu, tới hàng chục năm, có lẽ đến thời điểm này không còn tồn tại nữa mà đã trở thành sắt vụn.
Còn với những xe sang, siêu sang, nếu làm thủ tục chuyển nhượng vào thời điểm này thì chịu chi phí rất cao. Theo quy định nhập khẩu ô tô đã qua sử dụng, với xe từ 9 chỗ ngồi trở xuống, có dung tích xi lanh từ 2.5L trở lên, thuế nhập khẩu sẽ được tính theo giá tính thuế ô tô qua sử dụng, nhân với thuế suất từ 150% đến 200%, cộng thêm thuế tuyệt đối là 15.000 USD/xe. Sau đó, lại chịu thuế tiêu thụ đặc biệt, thuế giá trị gia tăng và lệ phí trước bạ.
Với các mức thuế này, chiếc Rolls-Royce Ghost đời 2010 trong danh sách được cấp phép tạm nhập vào Việt Nam năm 2011, nay làm thủ tục chuyển nhượng sẽ phải nộp một khoản tiền ước tính khoảng 20 tỷ đồng, chưa kể chi phí bỏ ra mua xe ban đầu. Trong khi đó, cũng chiếc xe cũ này, đi được hơn 50.000 km, đang được rao bán trên thị trường chỉ vào khoảng 10 tỷ đồng. Vì vậy, chẳng cá nhân, hay tổ chức nào lại muốn làm thủ tục chuyển nhượng.
Xe không còn giấy đăng ký chứng nhận, không còn biển số, không được đăng kiểm thì giữ để làm đồ trưng bày, hoặc làm bộ giấy tờ giả để thỉnh thoảng lấy ra chạy cho đỡ "cuồng", nếu bị phát hiện thì chấp nhận. Còn một số xe có thể sẽ được "hóa kiếp" đem bán phụ tùng thu hồi vốn. Hy vọng số xe này làm thủ tục chuyển nhượng theo quy định là không nhiều.