Đại gia giấu mặt: Những nghi án thôn tính
Liên tiếp các thông tin về các vụ thâu tóm DN được đồn thổi, đi kèm với những thông tin nghi ngờ đó luôn là những cái tên ông chủ, đại gia với vị thế của một kẻ điều hành cuộc chơi đầy uy lực và nhiều quan hệ.
Mặc dù vậy, đây vẫn là một chủ đề nóng hổi trên thị trường. Đa số các nhà đầu tư không nghi ngờ gì về khả năng một vụ sáp nhập (không phải mua lại) như vậy hoặc là một vụ thâu tóm tương tự trường hợp Ngân hàng Sacombank (STB) trước đó.
Trên thị trường tài chính, tin đồn về một vụ thâu tóm HBB đã lan rộng trong cả tháng qua. Đây cũng là khoảng thời gian, cổ phiếu HBB trở thành một hiện tượng trên TTCK với khối lượng giao dịch tăng đột biến gấp hàng chục lần lên 20-40 triệu đơn vị được chuyển nhượng/ngày. Tính riêng trong 10 phiên liên tiếp cuối tháng 2 và đầu tháng 3/2012 (tính tới 2/3), lượng giao dịch cổ phiếu của ngân hàng này chiếm tới 35% vốn cổ phần của họ. Giá cổ phiếu này sau một thời gian bị ép xuống (một phần do thua lỗ trong quý IV/2011) đã liên tục tăng trần từ mức hơn 4.000 đồng lên 7.400 đồng/cp.
Đứng đầu SHB là bầu Hiển thì ai cũng đã rõ, nhưng đang sau đó lại là một nhóm đầu tư mới mà người ta rất quan tâm đến vai trò của một đại gia vốn muốn thành lập ngân hàng từ lâu nhưng giờ mới có cơ hội đã mua gom cổ phần của HBB. Nhà đầu tư này đang có có liên quan tới SHB.
Trong thông cáo phủ nhận thông tin sáp nhập với SHB, Habubank cũng cho biết thêm: "Habubank luôn chào đón cơ hội được hợp tác với các nhà đầu tư tham gia xây dựng và phát triển ngân hàng, phù hợp với các quy định của pháp luật".
Đây cũng là chủ trương của NHNN. Thống đốc Nguyễn Văn Bình gần đây khẳng định việc các nhà băng tăng vốn, sở hữu chéo, mua bán, sáp nhập... là bình thường trong quá trình tái cơ cấu. Và ông Bình cho biết thêm, việc tái cơ cấu trong năm nay sẽ ưu tiên sử dụng nội lực, dù có nhiều tổ chức nước ngoài rất quan tâm vấn đề này.
Trước đây vài tháng, tin đồn Ngân hàng Sacombank bị một nhóm cổ đông mà đại diện là Eximbank thâu tóm cũng đã xuất hiện. Cả Sacombank và NHNN đã phủ nhận và cho rằng "những luồng thông tin này là chưa có cơ sở và không chính thức".
Vụ việc cho tới nay chưa thực sự ngã ngũ. Nhóm cổ đông đứng đằng sau Eximbank chưa hoàn toàn được nhận diện nhưng câu chuyện cũng đã gần tới hồi kết khi mà có nhiều thông tin cho biết Sacombank và Eximbank đã đạt được thỏa thuận về phân chia ghế trong HĐQT sắp được bầu lại tại ĐHCĐ 2012. Tất nhiên, đi liền sau vụ ầm ĩ này là những cái tên như ông Trần Bê, Lê Hùng Dũng....
Gần đây TTCK lại khá xôn xao về nghi án thâu tóm Công ty chứng khoán Sacombank (SBS). Thông tin bắt đầu rộ lên trong tuần đầu tiên của tháng 3/2012 sau khi cổ phiếu này tăng trần 12 phiên liên tiếp. Giải trình về việc giá cổ phiếu tăng trần liên tục, SBS cho biết: mức tăng giá này nằm trong xu hướng chung của thị trường.
Ngoài ra, mặc dù năm 2011, kết quả kinh doanh không khả quan do ảnh hưởng chung của TTCK và nền kinh tế Việt Nam nhưng SBS vẫn là công ty chứng khoán lớn, thị phần nằm trong top 5 toàn thị trường. Và, giá cổ phiếu của SBS đã xuống mức quá thấp.
Mặc dù vậy, không ít nhà đầu tư vẫn đặt nghi vấn bởi trước đó hơn 48 triệu cổ phiếu Ngân hàng Sacombank thoái vốn khỏi SBS đã được hai nhà đầu tư không có tên tuổi trên TTCK mua hết. Cho dù thua lỗ khủng khiếp 610 tỷ đồng trong năm 2011 nhưng SBS vẫn được đánh giá là một trong những CTCK lớn.
Vấn đề được đặt ra là liệu có một người thứ 3 đứng đằng sau vụ mua bán này không.?
Gần đây, trong nội bộ SBS dường như đang có một sự tái cấu trúc mạnh mẽ. Trong 2 đầu năm 2012, SBS đã đóng cửa chi nhánh Sài Gòn, đóng chi nhánh Đà Nẵng, thành lập chi nhánh Hà Nội và thôi nhiệm 3 nhân sự cao cấp. Và gần đây nhất, SBS thông báo đã phát hành thành công 800 tỷ đồng trái phiếu chuyển đổi phát hành riêng lẻ, thời hạn 3 năm cho một tổ chức trong nước là CTCP Dịch vụ Giá trị Mới.
Một trường hợp khác là GMD của CTCP Đại lý liên hiệp vận chuyển. Trong các phiên gần đây, cổ phiếu GMD tăng liên tục do có tin đồn về việc một công ty bên ngoài muốn thâu tóm và đối tượng đi thâu tóm được cho là "chuyên gia thâu tóm" Bình Thiên An (BTA), cổ đông sở hữu 6 - 7% cổ phần của GMD. Được biết, trước đây, BTA đã từng ngỏ ý muốn mua hết cổ phần phát hành riêng lẻ của GMD nhưng sau đó chỉ mua được 1,2 triệu cổ phiếu.
Ở một lĩnh vực khác, trên thị trường OTC, đang có một nghi vấn cho rằng có một đối tượng nào đó có thể đã bỏ ra cả vài ngàn tỷ mua gần 40% cổ phần Tổng CTCP Bia - Rượu - Nước giải khát Sài Gòn (Sabeco). Thông tin chuyển nhượng, tất nhiên, là chưa có.
Nghi vấn xuất hiện sau khi Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp của Sabeco cho thấy Bộ Công thương chỉ còn nắm 51% (327 triệu cp), thay vì 89,59% (574 triệu cp) trước đó. Nếu tính theo giá giao dịch cổ phần Sabeco trên thị trường ở mức hơn 30.000 đồng/cp, thì giá trị khoản chênh nêu trên cũng lên tới gần 8.000 tỷ đồng; còn nếu bán theo giá IPO, thì con số này lên tới gần 17.000 tỷ đồng.
Đi kèm với động thái thông báo tỷ lệ NN nắm giữ mới, Sabeco cũng chuyển vai trò người đại diện theo pháp luật của Sabeco từ Chủ tịch HĐQT sang Tổng giám đốc.
Đa số các sự việc chưa ngã ngũ, nhưng có thể thấy, có một nhóm người đã hưởng lợi lớn khi mua gom cổ phiếu trước đó. Nếu bán ra ngay, họ đã thu về hàng trăm tỷ, thậm chí hàng ngàn tỷ. Còn nhìn về lâu dài, cái lợi còn lớn hơn.