Đại dịch, 2 nền kinh tế bị "tổn thương" nhất châu Á: Nhật và Singapore

(Dân trí) - Tại châu Á, Nhật Bản và Singapore có thể phải “chiến đấu" nhiều nhất trong đại dịch Covid-19.

Cả hai nền kinh tế này vốn đã yếu đi trước khi dịch bệnh bùng phát và nay việc đóng cửa khiến tình trạng trầm trọng hơn.

Đại dịch, 2 nền kinh tế bị tổn thương nhất châu Á: Nhật và Singapore - 1

Nhật Bản đã rơi vào suy thoái kinh tế và tăng trưởng kinh tế trong quý đầu tiên của Singapore cũng rất yếu

Dữ liệu chính thức mới nhất tại Nhật Bản cho thấy, nền kinh tế của đất nước này đã giảm 6,3% so với năm trước trong vòng 3 tháng qua tính từ tháng 12.

Trong khi đó, các ước tính sơ bộ tại Singapore cũng cho thấy, nền kinh tế tại đây đã giảm 2,2% trong quý đầu tiên của năm nay.

Cochrane đã nói với CNBC rằng: “Nhật Bản đã rơi vào sự suy thoái kinh tế và tăng trưởng kinh tế trong quý đầu tiên của Singapore cũng rất yếu. Tôi nghĩ rằng quý này sẽ còn khó khăn hơn đối với Singapore khi đất nước đang ở trong tình trạng đóng băng.”

Sau đó, rất có thể việc đóng băng nền kinh tế xã hội ở Nhật Bản sẽ thực sự trở nên chặt chẽ hơn hiện nay nếu sự lây nhiễm của virus corona lan rộng.

Các trường hợp nhiễm Covid mới gia tăng đột biến

Nhật Bản và Singapore là 2 quốc gia có những trường hợp bị nhiễm Covid-19 bên ngoài lãnh thổ Trung Quốc sớm nhất tại châu Á. Tại nơi đây, các báo cáo đã cho thấy có hơn 13.000 ca nhiễm Covid-19, theo dữ liệu được tổng hợp bởi Đại học Johns Hopkins.

Nhưng không giống như tình hình Trung Quốc hiện nay, khi sự bùng phát Covid-19 đã nằm trong tầm kiểm soát, Nhật Bản và Singapore đã xuất hiện sự gia tăng các trường hợp nhiễm Covid-19 mới.

Để đối phó với sự bùng phát ngày càng tồi tệ, chính phủ Singapore đã thực hiện các biện pháp ngăn chặn Covid-19 triệt để hơn - và gần đây đã mở rộng các biện pháp đóng băng một phần bao gồm đóng cửa trường học và những nơi làm việc không cần thiết.

Tại Nhật Bản, chính phủ nước này đã tuyên bố tình trạng khẩn cấp trên toàn quốc để kêu gọi mọi người ở nhà, nhưng vẫn cho phép một số doanh nghiệp vẫn mở cửa.

Nhật Bản và Singapore sẽ phải đối mặt với những điều kiện kinh tế tồi tệ như vậy là một trong những lý do tại sao châu Á - Thái Bình Dương sẽ có một quý thứ hai vô cùng khó khăn.

Theo ông Cochrane: “Sự đóng cửa các nền kinh tế Đông Nam Á cộng thêm xu hướng xuất khẩu rất yếu ở Bắc Á sẽ mang đến một quý tồi tệ tiếp theo trong năm nay và gây khó khăn cho toàn bộ khu vực châu Á Thái Bình Dương”.

Những nhận xét của ông Cochrane được đưa ra khi Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) cảnh báo rằng: “Lần đầu tiên sau 60 năm, châu Á - một trong những khu vực phát triển nhanh trên thế giới - sẽ không có được bất kỳ một sự tăng trưởng nào trong năm nay vì đại dịch virus corona.”

Thùy Dung

Theo CNBC