1. Dòng sự kiện:
  2. Tư vấn tài chính cá nhân
  3. VNDirect bị tấn công

Đại biểu Quốc hội: “Có phải chúng ta tiêu hết tiền của 6 năm về sau không?"

(Dân trí) - Phân tích về cơ cấu tỷ lệ nợ công 65% GDP, đại biểu Nguyễn Đức Kiên đã đặt câu hỏi như vậy và nhấn mạnh yếu tố nuôi dưỡng nguồn thu cho ngân sách.

Sáng nay 31/10, Quốc hội tiếp tục thảo luận tại Hội trường về tình hình kinh tế - xã hội năm 2014 và nhiệm vụ năm 2015.

Đại biểu Nguyễn Đức Kiên thảo luận tại nghị trường Quốc hội.
Đại biểu Nguyễn Đức Kiên thảo luận tại nghị trường Quốc hội.

Đọc những thông tin kinh tế - tài chính mới nhất trên FICA:
 
Đại biểu Nguyễn Đức Kiên (Sóc Trăng) cho rằng: Sau nhiều năm chúng ta phê bình nhau về tính dự báo trung hạn trong báo cáo không đạt yêu cầu, thì 2014 là năm đầu tiên chúng ta dự báo 14 chỉ tiêu thì đạt 13 chỉ tiêu. Điều này cho thấy tính dự báo, khả năng dự báo của Chính phủ đã được nâng lên.

Cùng với đó, công tác giải phóng mặt bằng cũng đạt được những thành tích nhất định, làm cho vốn giải ngân ODA và vốn trái phiếu tăng lên. Năm 2014, Chính phủ đã phát hành lượng trái phiếu lớn để đảo nợ. Qua báo cáo của Bộ Tài chính và qua trình bày của Bộ trưởng Tài chính chiều 30/10, đảo nợ đã giúp kéo dài thời gian làm giảm áp lực trả nợ trong những năm tiếp theo. Đây là một thành công mà đại biểu không thấy trong báo cáo.

Ba năm vừa qua đã đảm bảo giá trị tiền đồng, tạo niềm tin cho nhà đầu tư và giúp ổn định thị trường tiền tệ.

Theo đại biểu Kiên, về cơ bản, kế hoạch năm 2015 đã đi vào đường ray, do đó khoảng cách điều chỉnh chính sách để đạt ra những động lực lớn sẽ khó và các chỉ tiêu tăng trưởng sẽ giữ ở tốc độ ổn định. Vì thế, ông Kiên kiến nghị, “không nên đề ra chính sách có tính đột phá hay làm hài lòng các đối tượng khác vì chúng ta đã có rất nhiều chính sách nhưng chưa đủ thời gian để chính sách đi vào cuộc sống”.

Bên cạnh đó, đại biểu Nguyễn Đức Kiên cũng kiến nghị rằng chúng ta cần phải phân tích thêm về vấn đề tăng sản xuất. Báo cáo của Chính phủ chưa phân tích rõ tại sao các báo cáo của ADB, IMF, World Bank hạ chỉ tiêu của thế giới nhưng riêng Việt Nam vẫn giữ chỉ tiêu tăng trưởng 5,8%. Vậy yếu tố nào trong cơ cấu kinh tế, điều hành kinh tế năm 2014 giúp Việt Nam vượt qua khó khăn mà cả thế giới đang khắc phục để đạt được chỉ tiêu?

Lấy ví dụ số liệu về dầu thô, ông Kiên cho hay, nếu nhìn vào số liệu sản xuất dầu thô, năm 2013 sản xuất 15,25 triệu tấn (tương đương 120.428 tỷ); năm 2014 cũng sản xuất được như vậy nhưng chỉ thu về 107.000 tỷ đồng, tức là cùng một sản lượng xuất khẩu sản xuất dầu như nhau nhưng không thu được về như thế.

Cũng theo ông Kiên, trong kế hoạch 5 năm, có 11 chỉ tiêu về tiêu tiền thì đạt nhưng tổng chỉ tiêu sản xuất để làm ra tiền không đạt. “Phải phân tích trong bối cảnh nền kinh tế đang khó như thế mà chúng ta cứ đưa ra những chỉ tiêu để tiêu tiền để đảm bảo những thức khác thì, liệu chúng ta có nuôi được nguồn thu cho ngân sách Nhà nước không? Hay chúng ta lại thấy, một trong những nguyên nhân làm nợ công tăng lên, phát hành trái phiếu tăng lên”, ông Kiên đặt câu hỏi.

Theo phân tích của ông Kiên, báo cáo của Bộ trưởng Tài chính là bắt đầu từ năm 2011 chúng ta phải phát hành trái phiếu để đảo nợ. Trong đó, tỉ lệ nợ công 65% là trong chiến lược nợ công của Thủ tướng Chính phủ quy định đến năm 2020 chứ không phải đến 2015 đạt 64% tỉ lệ. “Như vậy có phải chúng ta tiêu hết của 6 năm về sau không”?, đại biểu Kiên thắc mắc.

Thảo thuận trước Quốc hội, đại biểu Đỗ Thị Hoàng (tỉnh Quảng Ninh) cho rằng, nợ công không phải vấn đề riêng của Việt Nam hay các nước đang phát triển. Năm ngoái, Mỹ cũng đối mặt với vấn đề nợ công nghiêm trọng. Nợ công không phải lúc nào cũng dẫn đến kết quả xấu. Tuy nhiên, nợ công của chúng ta đã vượt quá 84 tỷ USD, nếu tính bình quân đầu người là trên 900 USD. Trong khi nguồn thu ngân sách chủ yếu dựa trên tài nguyên khoáng sản xuất khẩu.

Vì vậy, Chính phủ phải rà soát các yếu tố ảnh hưởng đến nợ công, kiểm soát chặt để cho chiến lược trả nợ rõ ràng. Ngoài ra, đại biểu đề xuất một số giải pháp như: quyết liệt tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, quản lý chặt chẽ hơn việc chi tiêu công ưu tiên nguồn lực cho các ngành trọng yếu, hạ tầng cơ sở; đổi mới chi tiêu công; xác định trách nhiệm không chỉ của riêng ai đối với các giải pháp thắt chặt nợ công, mỗi người phải tự tiết kiệm theo nguyên tắc “xếp gạch xây ngày mai”.

Còn theo đại biểu Nguyễn Cao Phúc (Quảng Ngãi), nợ công những năm qua đã tăng khá nhanh đi cùng nghĩa vụ trả nợ tăng nhanh, một phần nguyên nhân là do hiệu quả quản lý vốn vay không chặt chẽ. Khi khủng hoảng kinh tế xảy ra, thu ngân sách sụt giảm nhưng cũng vẫn phải dùng nguồn lực để hỗ trợ doanh nghiệp và đảm bảo an sinh xã hội.

“Đối với quốc gia có xuất phát điểm thấp, hạ tầng kém như nước ta thì khi khủng hoảng, nợ công tăng nhanh là điều dễ hiểu, nhưng cần có giải pháp xử lý hiệu quả”, đại biểu nhấn mạnh.

Do đó, theo đại biểu, cần tập trung thống nhất 1 đầu mối quản lý nợ công, quy định rõ chức năng thẩm định sử dụng vốn vay, cân nhắc kỹ hiệu quả dự án trước khi đầu tư, phân kỳ dự án để giải ngân, kiên quyết loại bỏ dự án không hiệu quả, tinh giản bộ máy. Bên cạnh đó phải đẩy mạnh cổ phần hóa, tái đầu tư để trả nợ; Cần cơ cấu lại thời hạn vốn vay trong nước và kiểm soát chặt chẽ lạm phát, thâm hụt tài khoản vãng lai.

Nguyễn Hiền
 

Hà Nội: Tận mục bến xe khách ngầm trên “đất vàng”