Đặc sản huyền thoại xứ Mường ra thị trường
“Gạo nếp Gà gáy”, sản vật truyền thống của người dân tộc Mường ở huyện Yên Lập, Phú Thọ đang được phục tráng và phát triển chuỗi sản xuất. Mới ra thị trường nhưng đã rất đắt khách.
Về xã Mỹ Lung, huyện Yên Lập bây giờ nhà nào cũng trồng lúa nếp Gà Gáy, một đặc sản của địa phương. Đó là loại gạo có truyền thống hàng trăm năm, được trồng thời gian dài, hạt gạo to, trắng. Thời gian đồ xôi ngắn. Xôi nếp thơm, dẻo, ăn không bị ngấy.
Khác với những giống lúa nếp khác, nếp Gà gáy được trồng từ tháng 5 đến tháng 10. Người dân trong xã căn cứ vào màu sắc biến đổi của lá cây cỏ từ màu xanh chuyển màu đỏ ở trên rừng là lúc vào thời vụ gieo lúa hoặc khi cây sổ đang rụng lá thì được đem mạ nếp Gà gáy đi gieo. Đặc biệt, nếp Gà gáy chỉ ngon và đạt năng suất cao khi trồng ở đất pha cát, nước từ khe suối chảy ra. Thóc giống nếp Gà gáy được bảo quản nửa năm trước khi vào vụ mới.
Ông Đặng Ngọc Uy (khu 8, xã Mỹ Lung) cho biết, Tương truyền, lúa nếp Gà gáy có hàng nghìn năm nay. Truyện kể rằng, ngày xưa có một cô gái đến tuổi lấy chồng, trước khi đi làm dâu, người mẹ đưa cho cô con gái chiếc túi, trong đó có những hạt thóc vàng mẩy hạt mà bấy lâu nay cô chưa thấy bao giờ.
Về nhà chồng, cô cẩn thận cất vào góc nhà. Hai ngày sau, mẹ chồng dặn cô dâu nhớ dậy sớm giã gạo nấu xôi để mẹ cúng thần Nông làm lễ xuống đồng. Nhưng hai vợ chồng mới say tình đã ngủ quên lời mẹ dặn. Mãi đến khi gà gáy sáng cô con dâu mới bừng tỉnh giấc, vội vàng mang gạo nếp ra vo và cho vào nồi xôi. Lạ lùng thay, nồi xôi vẫn dẻo và thơm ngon, cô con dâu thở phào nhẹ nhõm. Trong lúc vội vàng, nàng đã lấy nhầm túi thóc mà mẹ nàng đã đưa cho. Những hạt vương vãi còn lại, nàng đem nhân giống và cho đến nay xôi nếp “Gà gáy” đã được nhiều người biết đến.
Gắn liền với đặc sản này, tập tục ăn cơm mới vẫn được người Mường ở đây giữ cho đến bây giờ. Tương truyền trước đây, chỉ những gia đình khá giả, trung lưu mới trồng lúa nếp Gà gáy. Khi đến mùa thu hoạch, sau khi gặt, đập lúa phơi thóc xong thì người dân phải làm lễ ăn cơm mới. Lễ ăn cơm mới tùy theo mỗi gia đình, nhà đơn giản thì đồ xôi bằng gạo mới thắp hương cúng tổ tiên. Nhà đông con cháu thì làm vài mâm cơm mời họ hàng đến báo một mùa thu hoạch thành công.
Ông Uy cho hay, nhà ông trồng lúa nếp Gà gáy hơn chục năm nay, dù có trải qua những giai đoạn thăng trầm nhưng ông không bỏ. “Nhà tôi quen ăn gạo này mất rồi, ăn gạo nếp khác thấy nhạt miệng lắm. Rồi bà con họ hàng ở nơi khác năm nào chờ mùa thu hoạch cũng mua để ăn cả năm. Chẳng ai bỏ được loại xôi đồ từ gạo Gà gáy. Thế nhưng tôi chỉ trồng khoảng 5 sào gạo nếp Gà gáy thôi”, ông Uy tâm sự.
Đưa đặc sản ra thị trường
Từ xã Mỹ Lung, gạo nếp Gà gáy được nhân rộng ra nhiều xã khác như Mỹ Lương, Lương Sơn, Ngọc Lập… Thế nhưng, đến năm 2005 chỉ có duy nhất xã Mỹ Lung còn trồng gạo nếp Gà gáy với diện tích ít ỏi, khoảng 4 - 5ha, đứng trước nguy cơ mất giống.
Ông Trần Kim Sơn, Phó Chủ tịch UBND xã Mỹ Lung nhớ lại, từ năm 2005 - 2011, dự án phục tráng gạo nếp Gà gáy được thực hiện, diện tích và năng suất nếp Gà gáy tăng lên. Tuy nhiên, sau khi dự án kết thúc diện tích trồng gạo nếp Gà gáy dần bị thay thế bằng giống lúa khác.
Nhớ lại thời kỳ đó, anh Nguyễn Văn Cần, người dân trong xã cho biết, trước đây gia đình tôi chỉ cấy tầm 4 - 5 sào lúa nếp nhưng cũng khó tiêu thụ. Khi dự án của huyện thực hiện, diện tích gieo trồng lúa nếp Gà gáy của gia đình đã tăng lên 7 sào vào năm 2011. Và cũng năm đó, hơn 3 tạ gạo nếp Gà gáy (tính ra hơn 9 triệu đồng) không bán được đành phải để ở nhà ăn và cho người quen.
Ông Sơn cũng cho hay, năm 2011 diện tích trồng lúa nếp của xã là 70ha thì đến năm 2012, diện tích này đã bị giảm xuống còn 40ha.
“Lúa nếp Gà gáy khi trồng thân cây cao ngang đầu người, mùi hương thơm nên rất dễ bị sâu bệnh. Đặc biệt là nếu thời tiết xấu, mưa bão vào dịp lúa chín, cây đổ thì coi như mất mùa. Vì vậy, nhiều gia đình trong xã nếu thấy thời tiết xấu sẽ không trồng lúa nếp. Trong khi đó, so với gạo nếp thông thường, giá gạo nếp Gà gáy lại cao trên 30.000 đồng/kg nên khó tiêu thụ”, ông Sơn nhấn mạnh.
Để duy trì đặc sản gạo truyền thống của Yên Lập, một tổ chức phi chính phủ nước ngoài đã thực hiện dự án nhằm bảo tồn và phát triển gạo nếp Gà gáy, đưa sản phẩm quý ra thị trường.
Dự án thực hiện tại 4 xã của huyện Yên Lập. Anh Đinh Xuân Quang, Chủ nhiệm Hợp tác xã gạo nếp Gà gáy cho biết, ngay sau khi thành lập cuối năm 2012, Hợp tác xã đã tiến hành tiếp thị gạo nếp Gà Gáy và tiêu thụ được 3 tấn gạo nếp Gà gáy. Chính vì thế, đến năm 2013 gạo nếp Gà gáy không còn tồn kho, đựng trong bồ như năm 2011 - 2012.
“Hiện tại, Hợp tác xã có 132 xã viên. Nhóm giống sẽ có nhiệm vụ bảo tồn giữ nguồn gen quý, không bị lẫn tạp và cung ứng đủ giống cho các hộ gia đình. Cũng theo chương trình dự án, chúng tôi đã quy hoạch cánh đồng riêng để trồng gạo nếp trong mùa vụ năm nay. Vụ lúa năm nay, bà con trong hợp tác xã đã được học phương pháp kỹ thuật sản xuất thân thiện với môi trường, áp dụng các công nghệ phù hợp như sử dụng ít phân bón, nước tưới… mà vẫn tạo ra sản phẩm chất lượng cao”, ông Quang bộc bạch.