Đặc khu ở Việt Nam: Biến việc đi sau thành lợi thế

Từ những năm 80, Việt Nam đã đặt vấn đề xây dựng đặc khu hành chính kinh tế với mục tiêu hiện đại và tự do hóa nền kinh tế. Đến nay, mặc dù các khu kinh tế mở duyên hải, khu công nghệ cao hay khu công nghiệp, chế xuất đã góp phần tích cực chuyển đổi kinh tế nhanh chóng của Việt Nam, các khu này vẫn thiếu sự đột phá về thể chế, và mô hình kinh tế, cùng như một qui hoạch vượt trội, chưa tạo sự lan tỏa.

Nền kinh tế nước ta đang có dấu hiệu phát triển chậm lại, năng lực cạnh tranh thấp. Việc khai thác các tiềm năng, lợi thế tự nhiên và nguồn lực của đất nước đã dần tới hạn, môi trường đầu tư cũng đang mất dần tính hấp dẫn do bị cạnh tranh quốc tế mạnh mẽ.

Xây dựng mô hình đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt tại thời điểm này, với các cơ chế, chính sách về hành chính và kinh tế đột phá, cạnh tranh quốc tế, sẽ tạo mô hình động lực phát triển mới, có tác động lan tỏa tích cực ra các vùng và cả nước. Đó cũng là nơi thử nghiệm các mô hình mới, về kinh tế, quy hoạch vượt trội để nhân rộng ra cả nước.


Phát triển cơ sở hạ tầng là một yếu tố quan trọng quyết định thành côngtrong quá trình xây dựng đặc khu(Cảng hàng không Quảng Ninh trong tương lai)

Phát triển cơ sở hạ tầng là một yếu tố quan trọng quyết định thành côngtrong quá trình xây dựng đặc khu(Cảng hàng không Quảng Ninh trong tương lai)

Học được gì từ thế giới và xu hướng phát triển mới

Dù tên gọi khác nhau, mức độ tự do hóa mở cửa đối ngoại khác nhau, các đặc khu hành chính, kinh tế trên thế giới đều có một số đặc điểm chung, bao gồm cơ sở hạ tầng hiện đại - ít nhất là trong phạm vi địa lý khoanh vùng, cơ chế, thể chế và quản lý đặc thù, các chính sách ưu đãi đầu tư đặc biệt và thủ tục hành chính tinh gọn.

Các đặc khu kinh tế trên thế giới thường được lập ra trước nhất là nơi để thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) và là phòng thí nghiệm cho các chính sách mới, sau là nơi hỗ trợ cho các chiến lược cải cách kinh tế rộng hơn, giải quyết các bài toán mang tầm quốc gia như tăng trưởng bền vững và thất nghiệp quy mô lớn.

Một cách ngắn gọn, kinh nghiệm của thế giới qua nhiều thập kỷ phát triển có thấy sự thất bại hay thành công phụ thuộc vào bốn yếu tố chính. Một là chính sách ưu đãi riêng biệt và trao quyền tự trị. Hai là sự hỗ trợ tích cực của chính phủ về cơ sở hạ tầng và kiến trúc thượng tầng. Ba là sự tập trung phát triển kỹ thuật, công nghệ, kết nối với các ngành nghề địa phương. Cuối cùng là khả năng xây dựng và nuôi dưỡng môi trường văn hóa sáng tạo.

Đối với nhiều nước ASEAN và các nước có thu nhập thấp, cơ hội để tăng trưởng hiện nay nằm trong các lĩnh vực về dịch vụ, đặc biệt là công nghệ thông tin và truyền thông, hoạt động kinh doanh và hoạt động tri thức. Việc này đòi hỏi sự tập trung mạnh mẽ vào việc đổi mới, sáng tạo, tập trung phát triển những kỹ năng có liên quan đến nền kinh tế tri thức.

Đặc trưng Việt Nam: Sẵn sàng để cất cánh

Trên phương diện quốc gia, Việt Nam có rất nhiều thuận lợi. Trong đó phải kể đến khả năng thích ứng toàn cầu hóa, xu thế hội nhập, xu thế hưởng thụ trên thế giới, vị trí thuận lợi trong khu vực châu Á với nhiều tiềm năng kinh tế. Sự ổn định về chính trị, song hành với chiến lược đối ngoại đa phương hóa, đa dạng hóa, và địa lý chiến lược xung yếu án ngữ biển Đông với hơn 3000 km bờ biển nhiều cảng nước sâu, vịnh đẹp là những thế mạnh. Hơn nữa Việt Nam có lợi thế đặc biệt quan trọng của người đi sau, với khả năng kế thừa và phát triển các bài học kinh nghiệm của thế giới.


Đặc khu Vân Đồn trong tương lai sẽ là cực tăng trưởng chủ đạo thúc đẩy kinh tế cả vùng

Đặc khu Vân Đồn trong tương lai sẽ là cực tăng trưởng chủ đạo thúc đẩy kinh tế cả vùng

Bên cạnh những thuận lợi đó, Việt Nam cũng còn đối mặt với nhiều khó khăn. Tuy nhiên, đó lại có thể là cơ hội cho các đặc khu của Việt Nam cất cánh.


Là quốc gia đi sau nên Việt Nam cần có các chính sách, cơ chế ngắn hạn thu hút nguồn lực phục vụ phát triển ngay

Là quốc gia đi sau nên Việt Nam cần có các chính sách, cơ chế ngắn hạn thu hút nguồn lực phục vụ phát triển ngay

Thứ nhất, sự thiếu hụt về cơ sở hạ tầng tại các đặc khu dự kiến chính là cơ hội đưa ra những quy hoạch cơ sở hạ tầng kinh tế xã hội tổng quan, vượt trội để xây dựng theo cách hoàn toàn thống nhất, đồng bộ, và với tầm nhìn dài hạn trong thời gian tới. Việc nhanh chóng phát triển kết nối hạ tầng hiện đại, bao gồm cả điện năng, nước sạch, đường giao thông và hệ thống công nghệ thông tin, là tiền đề tạo ra “độ mở” cần thiết để phát triển, đảm bảo mối liên kết với các doanh nghiệp sản xuất cung cấp nguyên vật liệu, cũng như dễ dàng tiếp cận thị trường thế giới, tiếp cận vốn đầu tư.

Thứ hai, các chiến lược liên kết vùng miền có thể được phát triển, lấy đặc khu làm cực tăng trưởng chủ đạo để tạo sự kết nối, lan toả với các tỉnh thành lân cận. Đối với các đặc khu, cạnh tranh không thể là cạnh tranh trong nước, cạnh tranh với các tỉnh thành khác. Cạnh tranh phải là cạnh tranh với thế giới. Các đặc khu phải được xây dựng trên tinh thần liên kết chiến lược, đồng hành với các địa phương khác, trở thành ví dụ phát triển cho các địa phương lân cận và cùng thúc đẩy kinh tế cả vùng.

Thứ ba, công đoạn thiết lập cơ chế, thể chế hiện nay tuy còn nhiều vướng mắc nhưng đích đến hoàn toàn có thể đem lại sự vượt trội về tính kiến tạo cho các hoạt động đầu tư, kinh tế. Sân chơi tạo ra là sân chơi mới, sân chơi quốc tế. Như vậy, các cơ chế chính sách sẽ áp dụng phải ít nhất là ngang bằng hoặc vượt trội so với các đô thị, đặc khu trên thế giới. Để đạt được điều này, cách tiếp cận phải là lấy Hiến pháp làm trần cho các cơ chế chính sách sắp tới đưa ra.

Thứ tư, quy hoạch kinh tế xã hội có thể thoát được “lối mòn” hiện tại và đón đầu xu thế thế giới trong phạm vi phát triển bền vững, quy hoạch mở, theo hướng thông minh, có tính đến kết nối, với hệ thống năng lượng, giao thông tối ưu. Trong các đặc khu, chúng ta cần xây dựng các phân khu chức năng phân tán đa cực (polycentric), chức năng các cực bổ sung chặt chẽ cho nhau, tạo thành vòng tuần hoàn, tối ưu cho kinh tế.

Quy hoạch kinh tế xã hội phải theo hướng nhà nước giữ vai trò điều tiết, thị trường đóng vai trò chủ yếu. Với kinh nghiệm quản lý kinh tế chuyên nghiệp và quản lí rủi ro tốt, có khả năng cung cấp cơ sở hạ tầng tốt, mang lại kết quả kinh tế tốt hơn, khối doanh nghiệp tư phân phải là động lực chính trong vận hành và phát triển đặc khu. Sự tham gia của nguồn vốn và quản trị tư nhân sẽ kéo theo thay đổi cơ bản về dịch vụ và và tiện nghi đi kèm như trường học, bệnh viện, trung tâm y tế. Vai trò của nhà nước nói chung, và việc quản lý hành chính nói riêng, cần được dựa trên nguyên tắc phục hồi vốn đầu tư, cộng với định hướng thị trường và lấy sự hài lòng của công dân làm kim chỉ nam. Các nguyên tắc này hay được đề cập theo mô hình “lãnh đạo công, quản trị tư”.

Cuối cùng, trong khi Việt Nam nói chung vẫn đang phải đối mặt với nhiều thách thức về nguồn lực và yếu tố con người, các đặc khu đã và đang hướng tới các hoạt động tri thức, lấy nền tảng là kinh tế tri thức. Các đặc khu sẽ chính là các sân chơi nổi bật với cơ chế chính sách tốt để lực lượng tri thức và lao động kỹ năng cao trên thế giới và của Việt Nam thi thố và phát triển được hết mình. Trong điều kiện hiện tại, chính phủ cũng cần phải cùng lúc có các chính sách, cơ chế ngắn hạn thu hút nguồn lực phục vụ phát triển ngay (cơ chế bằng phát minh sáng chế, hợp đồng tư vấn), và song song với các chính sách chiến lược dài hạn cung cấp nguồn nhân lực cho đặc khu (nâng cao hệ thống giáo dục, chính sách cho các giáo sư nhà khoa học đầu ngành).

Việt Nam hiện nay đang đi sau so với thế giới và khu vực trong việc tiếp cận đặc khu. Biến việc đi sau thành lợi thế là vấn đề sống còn của đặc khu và của cả nền kinh tế. Khi xuất phát điểm thấp, mục tiêu kinh tế xã hội cần chia theo giai đoạn và mang tính thực tế cao.

TS. Đoàn Đình Hồng

MBA Đại học Quản trị kinh doanh Paris

Quản lý dự án, công ty FUGRO Pháp

Trưởng dự án, AVSE Global

Hội Khoa học và Chuyên gia Việt Nam (AVSE Global)

TS. Nguyễn Xuân Hải

Giảng viên Kinh tế, Đại học Trung hoa của Hồng Công

Trưởng nhóm, Nhóm Chính sách Kinh tế, Hội Khoa học và Chuyên gia Việt Nam (EPG-AVSE Global)