1. Dòng sự kiện:
  2. Hàng giá rẻ Trung Quốc đổ bộ

Đà Nẵng không có “vùng cấm” trong việc công bố thông tin doanh nghiệp nợ thuế

(Dân trí) - Ông Trần Văn Miên, Cục trưởng Cục thuế Đà Nẵng khẳng định: “Ở Đà Nẵng không có “vùng cấm” trong việc công bố thông tin doanh nghiệp nợ thuế. Việc công bố là bình thường, không phải “ông nào lớn” thì bao che".

Theo báo cáo của Cục thuế Đà Nẵng, năm 2015, tổng thu ngân sách nhà nước trên địa bàn đạt 12.199 tỉ đồng, đạt 129,6% dự toán địa phương và bằng 133,3% so với năm 2014. Nếu không kể thu tiền sử dụng đất, tiền thu hồi vốn tại doanh nghiệp, thuế bảo vệ môi trường thì tổng thu đạt 9.302 tỉ đồng, đạt 116,1% dự toán và bằng 126,6% so với năm 2014.

 

Ông Trần Văn Miên (trái) – Cục trưởng Cục thuế Đà Nẵng – tại buổi gặp mặt và trao đổi với các “cộng tác viên” ngành thuế
Ông Trần Văn Miên (trái) – Cục trưởng Cục thuế Đà Nẵng – tại buổi gặp mặt và trao đổi với các “cộng tác viên” ngành thuế

 

Cục thuế Đà Nẵng cho biết, có 13/15 lĩnh vực thu đạt và vượt dự toán, còn 2/14 lĩnh vực thu chưa hoàn thành dự toán là thu từ doanh nghiệp Nhà nước đạt 91%, thu tiền thuê và bán nhà thuộc sở hữu Nhà nước chỉ đạt 35,6%.

Lãnh đạo Cục thuế Đà Nẵng cho rằng, sở dĩ có được kết quả trên là do kinh tế Đà Nẵng năm 2015 được giữ mức tăng trưởng khá và duy trì sự ổn định, một số lĩnh vực phát triển tích cực, tình hình chuyển nhượng và kinh doanh bất động sản sôi động, nhiều dự án phát sinh mua bán từ đó phát sinh thuế.

Ông Trần Văn Miên - Cục trưởng Cục thuế Đà Nẵng - cho biết, giữa năm 2015, số nợ thuế trên địa bàn Đà Nẵng lên đến 942 tỉ đồng, trong đó chậm nộp gần 300 tỉ đồng. Ông Miên cũng thông tin đến cuối năm 2015, tỉ lệ nợ thuế của các đơn vị trên địa bàn Đà Nẵng chỉ có 4,99% (thấp hơn so với quy định); trong khi đó tỉ lệ nợ thuế trên cả nước khoảng trên 10%.

Trả lời câu hỏi của các “cộng tác viên” của ngành thuế về việc công bố thông tin các doanh nghiệp nợ thuế như một số địa phương đã làm, ông Miên khẳng định: “Ở Đà Nẵng không có “vùng cấm” trong việc công bố thông tin doanh nghiệp nợ thuế. Việc công bố là bình thường, không phải “ông nào lớn” thì bao che (không công khai thông tin nợ thuế - PV). Hiện các doanh nghiệp nợ thuế trên địa bàn có trên website của Cục thuế Đà Nẵng”.

Người đứng đầu ngành thuế Đà Nẵng cũng chia sẻ với người dân và du khách khi đến Đà Nẵng mua sắm hay ăn uống thì nên “đòi” hóa đơn. Đây là một trong những việc giúp ngành thuế chống thất thu hiệu quả.

Khi mua hàng hay ăn uống, khi khách hàng yêu cầu xuất hóa đơn nhưng nếu đơn vị nào từ chối thì gọi điện báo ngay đến Cục thuế Đà Nẵng để đơn vị kiểm tra và xử lý. Lãnh đạo Cục thuế Đà Nẵng cũng chia sẻ tâm lý thông thường khi mời bạn bè đi ăn uống chỉ có mấy trăm ngàn, nhiều khi người mời yêu cầu nhà hàng xuất hóa đơn thì bị cho là “bủn xỉn, keo kiệt”...

Tuy nhiên, việc xuất hóa đơn là bình thường. Nếu đơn vị nào “đòi” thêm 10% tiền hóa đơn thì du khách hay người dân hãy phản ánh ngay vì số tiền bán cho khách của các nhà hàng, khách sạn... đã bao gồm thuế VAT rồi.

Trong năm 2016 này, ngành thuế Đà Nẵng được Bộ Tài chính giao thu 11.900 tỉ đồng, trong đó đã bao gồm 1.400 tỉ đồng tiền sử dụng đất. Tuy nhiên, ngành thuế được TP Đà Nẵng giao thêm 600 tỉ đồng tiền sử dụng đất và 71 tỉ đồng thu thêm từ các ngành khác.

Công Bính

 

Đà Nẵng không có “vùng cấm” trong việc công bố thông tin doanh nghiệp nợ thuế - 2

 

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm