Đà Nẵng: Đồ cúng ông Táo đắt hàng, bán luôn tay từ 4 giờ sáng đến tối muộn
(Dân trí) - Từ 4 giờ sáng ngày 16/1 (tức 22 tháng Chạp), các chợ lớn tại Đà Nẵng đã tấp nập người mua đồ cúng tiễn ông Táo về trời. Những quầy hàng bán vàng mã, cá chép, hoa quả, xôi chè,…luôn đông nghịt người mua.
Cô Hoa (tiểu thương chợ Đống Đa) cho biết: xôi chè, đường bát, tượng thờ ông Táo,… là những mặt hàng bán “chạy” nhất hôm nay. Nhiều khách sỉ và lẻ còn đến tận nhà để đặt hàng với số lượng lớn.
“Ngày đưa ông Táo nên chợ sẽ tan muộn hơn để phục vụ nhu cầu mua sắm của những gia đình bận rộn. Hai mẹ con cô Hoa phải bán luôn tay từ 4 giờ sáng đến tối muộn, nhưng cô thấy vui và phấn khởi vì bán được nhiều”, cô Hoa nói.
Tại các điểm bán cá chép, việc mua bán cũng nhộn nhịp không kém. Theo tập tục xưa, các gia đình thả cá chép trong ngày 23 tháng Chạp để cá vượt vũ môn và hóa rồng đưa ông Táo chầu trời.
Theo chị Phùng Thị Hương (tiểu thương tại chợ Đống Đa), cá chép là phương tiện duy nhất đưa ông Táo về trời nên người xưa mua nhiều để phóng sinh. Tuy nhiên, ngày nay người ta chủ yếu cúng cá chép giấy nên cá bán dịp này cũng giảm số lượng so với mọi năm.
Chú Trần Công Tiến (trú Hòa Khánh Nam, Liên Chiểu, Đà Nẵng) chia sẻ: “Tết ông Công ông Táo là văn hóa truyền thống của dân tộc ta. Khi về trời có ba vị thần: Thổ Công (trông coi việc bếp), Thổ Kỳ (trông coi việc chợ búa), Thổ Địa (trông coi việc nhà cửa) sẽ “báo cáo” với Ngọc Hoàng những việc của gia đình trong năm đó. Tùy vào điều kiện kinh tế của mỗi nhà mà mâm cúng có thể thịnh soạn hơn.”
Theo một tiểu thương chợ Cồn cho biết, mặc dù vàng mã được chị nhập nhiều từ trước, nhưng tới trưa phải lấy hàng thêm vì khách mua rất đông. Đặc biệt, chiều tối là lúc cao điểm tại chợ, muốn bán kịp hàng phải có thêm người nhà phụ.
Tuy mới 22 âm lịch, nhưng ở các chợ đã nhộn nhịp kẻ mua người bán. Khắp các lối đi, quầy hàng đông nghịt người ra vào tạo nên không khí những ngày cuối năm rộn ràng, hối hả.
Thanh Diệu – Tuyết Nhung