Đà Nẵng đau đáu với cơn khát nhân lực ngành du lịch

Sự bùng nổ đầu tư những “siêu” dự án quy mô, đẳng cấp nghỉ dưỡng, giải trí với chất lượng vượt trội thời gian gần đây là điều kiện thuận lợi để ngành du lịch Đà Nẵng tăng tốc khẳng định mình trong quá trình hội nhập. Nhưng cùng với đó, nó đã bộc lộ nhiều “lỗ hổng”, trong đó có vấn đề nhân lực.

Vẫn là bài toán nan giải

Đã khá lâu rồi, trải qua các thời kỳ lãnh đạo, ngành du lịch Đà Nẵng vẫn đau đáu một lo ngại rằng thành phố đáng sống này mới chỉ được xem là điểm trung chuyển do nằm trên con đường di sản miền Trung.

Nguyên do không hẳn nằm ở sức thu hút lớn của các địa điểm lân cận như phố cổ Hội An, cố đô Huế, Phong Nha - Kẻ Bàng,... mà phần nhiều là do độ “vênh” giữa đào tạo và hành nghề du lịch, dẫn đến chất lượng dịch vụ du lịch ở Đà Nẵng không thật sự đồng đều và ổn định. Mỗi năm, Đà Nẵng luôn cần thêm hàng nghìn lao động chất lượng làm việc cho ngành du lịch nhưng cầu thì luôn sẵn, cung thì vẫn... từ từ.

Ông Huỳnh Tấn Vinh, Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Đà Nẵng cho biết, hiện các trường đào tạo nghề về du lịch tại Đà Nẵng chỉ cung cấp mỗi năm chưa tới 1.000 người (bằng 1/5 nhu cầu thực). Điều này dẫn đến đội ngũ nhân lực du lịch vừa thiếu, vừa yếu và vừa vừa về chuyên môn.

Trong khi đó, theo ông Nguyễn Xuân Bình, Phó giám đốc Sở Du lịch Đà Nẵng: Riêng trong năm 2016, số lượng phòng của khách sạn Đà Nẵng đã tăng lên 22.000 phòng, cộng thêm khoảng 4.000 phòng theo loại hình condotel nữa là khoảng 26.000 phòng. Nhu cầu lao động hiện nay mới chỉ đáp ứng được khoảng 2/3 số lượng.

Đà Nẵng đau đáu với cơn khát nhân lực ngành du lịch - 1

Ông Nguyễn Xuân Bình – Phó Giám đốc Sở du lịch Đà Nẵng phát biểu tại buổi lễ

Lo ngại càng tăng lên là theo tính toán đến năm 2020, số lượng phòng sẽ “bật” lên 26.000 phòng, năm 2030 là 62.000 phòng, như vậy nhân lực sẽ cần đến 6500-70.000 người, nguồn cung ở đâu ra? Đây là vấn đề hết sức bức xúc không chỉ của Đà Nẵng, khu vực miền Trung mà cả nước.

Thiếu nhân lực khiến các cơ sở kinh doanh dịch vụ ở Đà Nẵng tìm mọi cách lôi kéo, hút chất xám về đơn vị mình. “Việc này tạo nên mức lương ảo trong ngành du lịch, tạo sức ép chi phí cho hoạt động kinh doanh. Tuy nhiên, điều quan trọng hơn là, chính sự lôi kéo đó đã khiến người lao động “đứng núi này trông núi nọ”, không yên tâm gắn bó với doanh nghiệp. “Việc “chạy chỗ” liên tục này không những vừa mất sức mà chuyên môn cũng... thời vụ nên không chuyên sâu, không được nâng cao và đạt độ chuẩn”- ông Bình nhận định.

“Người” tiên phong gỡ nút thắt

Nguồn nhân lực thiếu và yếu chính là thách thức không nhỏ của ngành du lịch Đà Nẵng, trong cuộc chiến giành thị phần. Cũng theo hiệp hội du lịch Đà Nẵng, ngoài việc khủng hoảng thiếu đội ngũ hướng dẫn viên du lịch, thì đội ngũ đầu bếp, phục vụ buồng phòng, nhân viên bàn, lễ tân cũng đang còn khan hiếm.

Tỷ lệ lao động được đào tạo đúng chuyên môn về du lịch còn thấp, chiếm 40,6% số lao động toàn ngành. Có 90% lực lượng lao động du lịch được đào tạo ngoại ngữ, nhưng chủ yếu trình độ A, B, đặc biệt thiếu trầm trọng đội ngũ biết ngôn ngữ Nhật, Đức, Nga...

Hơn thế nữa, phần lớn khi tuyển dụng mới, các doanh nghiệp đều phải đào tạo lại. Đây là bất cập có lý do từ sự hạn chế hợp tác giữa các cơ sở đào tạo và doanh nghiệp, nhằm hướng nghiệp cho sinh viên. Sự thiếu hợp tác, đồng nhất trong đào tạo nguồn nhân lực không chỉ gây khó khăn trong tuyển dụng, hoạt động mà còn gây lãng phí cho xã hội.

“Trong bối cảnh cảnh cộng đồng kinh tế ASEAN ngày một định hình rõ nét hơn, sự dịch chuyển và trao đổi nguồn lao động của một thị trường tuyển dụng có độ mở rộng giữa các quốc gia trong cộng đồng; và với một ngành kinh tế có tính đặc thù cao, thì điều đó đã-đang và sẽ là tất yếu.

Thêm vào đó, các tập đoàn, công ty hàng đầu thế giới về quản lý và đầu tư khách sạn, dịch vụ đều đã có mặt tại Đà Nẵng. Họ đưa ra yêu cầu rất cao về lao động làm việc trong ngành. Thách thức với nguồn nhân lực du lịch Đà Nẵng, vì thế đang ngày một lớn dần” - Phó Giám đốc Sở Du lịch Đà Nẵng nhấn mạnh thêm.

Trước thách thức đó, Tập đoàn Empire đã tiên phong hợp tác với các trường Đại học, Cao đẳng trên địa bàn Đà Nẵng nhằm gỡ “nút thắt” giải bài toán nguồn nhân sự dư thừa cũng như nâng cao chất lượng đầu ra cho ngành du lịch Đà Nẵng.

Đà Nẵng đau đáu với cơn khát nhân lực ngành du lịch - 2

Lễ ký kết giữa Tập đoàn Empire và 5 trường đại học - cao đẳng tại Đà Nẵng

Điều đó được cụ thể hóa bằng lễ ký kết với 5 trường đại học, cao đẳng có kinh nghiệm, bề dày và chất lượng đào tạo sinh viên các ngành quản trị du lịch: Đại học Kinh tế, Đông Á, Duy Tân, Cao đẳng Pegasus và Cao đẳng Việt Úc để đào tạo nguồn nhân lực du lịch một cách bài bản và dài hơi.

Sự kiện quan trọng nhưng ông Trịnh Việt Hưng, Phó Tổng giám đốc Tập đoàn Empire khiêm tốn cho rằng: “Empire Group chỉ mang đến cho sinh viên môi trường học tập thiết thực, được thực hành những kỹ năng, kiến thức từ giảng đường và quan trọng có định hướng rõ ràng cho con đường phát triển nghề nghiệp sau khi ra trường”.

Vậy nhưng, với ông Đào Hữu Hòa - Phó hiệu trưởng trường Đại học Kinh tế Đà Nẵng thì lại khác: “Với nhà trường, có thể rất giỏi về lý thuyết nhưng về thực hành, nhà trường không thể bằng cộng đồng các doanh nghiệp. Nếu không có sự chung tay góp sức của cộng đồng doanh nghiệp, đặc biệt, trong lĩnh vực đào tạo nhân lực cho ngành du lịch rất khó đáp ứng được yêu cầu phát triển ngày càng cao, ngày càng hội nhập hiện nay”.

Đà Nẵng đau đáu với cơn khát nhân lực ngành du lịch - 3

Ông Đào Hữu Hòa - Phó Hiệu trưởng Đại học Đà Nẵng phát biểu tại buổi lễ

Bởi theo ông Hòa, không phải các giảng viên nào tham gia giảng dạy ngành du lịch cũng có điều kiện trải nghiệm ở những siêu dự án, resort đẳng cấp để nắm bắt kịp sự phát triển nhanh chóng của ngành du lịch... Vì vậy, những kiến thức dạy cho sinh viên cũng chỉ được đọc trên sách vở. “Hoạt động hợp tác, phối hợp như thế này giữa Tập đoàn Empire với các cơ sở đào tạo là cực kỳ ý nghĩa và đáng trân trọng”- Phó hiệu trưởng Đào Hữu Hòa nhận định.

Trong khi đó, với ông Nguyễn Hòa – Phó Chủ tịch UBND Quận Ngũ Hành Sơn (TP Đà Nẵng) thì lại nhen nhón lên những hy vọng về giải quyết dân sinh trên địa bàn quận: “1.250 hecta đất rừng của quận Ngũ Hành Sơn đã nhường chỗ thay bằng các dự án resort, những công trình hiện đại. Điều đó đặt ra vấn đề việc làm cho người dân địa phương.

Nếu được sự quan tâm, hỗ trợ của Tập đoàn Empire và các trường trong TP Đà Nẵng, chúng tôi sẽ chọn lọc những em học sinh sinh viên trong gia đình đã thu hồi đất nông nghiệp, trong độ tuổi lao động, để nâng cao kiến thức đáp ứng nhu cầu công việc tại dự án, cũng là xây dựng quê hương mình”.

Tiếp nối thành công sự kiện hợp tác với các trường Đại học, Cao đẳng Tp. Đà Nẵng, vào Chủ nhật, ngày 21/5 tới, Tập đoàn Empire sẽ tổ chức Ngày hội việc làm “Tự tin vào nghề - Tương lai tỏa sáng” dành cho người lao động trên cả nước và các sinh viên chuẩn bị tốt nghiệp để đáp ứng nhu cầu tuyển dụng lượng lớn nhân sự cho giai đoạn I dự án Cocobay.