1. Dòng sự kiện:
  2. Hàng giá rẻ Trung Quốc đổ bộ

Đã có “kịch bản” đối phó với lạm phát tăng cao

(Dân trí) - Bộ trưởng Tài chính Vũ Văn Ninh cho biết, Chính phủ đã có “kịch bản” đối phó khả năng lạm phát tăng cao, với các phương án khác nhau và đã được bàn trong phiên họp chiều 28/2. Cũng theo ông, việc tăng giá điện sẽ được bàn tới, nhưng thời điểm là... cuối năm.

Rất nhiều vấn đề liên quan đến các bộ Tài chính, Kế hoạch - Đầu tư, NN&PTNT đã được các phóng viên đặt ra trong buổi họp báo của Văn phòng Chính phủ chiều 28/2.

CPI khó thấp hơn tăng trưởng

Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Cao Đức Sinh cho biết, không bất ngờ với việc lạm phát tăng cao. Theo ông giá tết bao giờ cũng cao hơn các tháng bình thường nên CPI tăng 3,5% là không quá khó hiểu. Hạn hán, lụt lội sau đó là đợt rét lịch sử vừa qua đã khiến giá lương thực thực phẩm tăng cao, đội chỉ số CPI lên.

Về vấn đề có đảm bảo thực hiện được mục tiêu CPI thấp hơn tăng trưởng hay không, Bộ trưởng Tài chính Vũ Văn Ninh cho rằng, mục tiêu của Quốc hội chưa điều chỉnh nên phải căn cứ vào đó để thực hiện.

Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện do tình hình kinh tế thế giới có nhiều biến động nên không tránh khỏi tác động, nhưng chống đỡ thế nào để ảnh hưởng ở mức thấp là do điều hành.

Theo ông Ninh, mục tiêu lúc này là đảm bảo tăng trưởng, kiềm chế lạm phát, không để đảo lộn kinh tế vĩ mô, không để xảy ra sốt giá ào ạt. Còn việc đảm bảo lạm phát thấp hơn tăng trưởng là rất khó thực hiện.

Ông Ninh cũng cho rằng, chính sách tiền tệ của chúng ta thời gian qua không có sai lầm. Tuy nhiên, theo ông việc dự báo của chúng ta trên nhiều lĩnh vực chưa tốt. Cụ thể việc dự đoán nguồn vốn đầu tư nước ngoài đổ vào, việc giá dầu thế giới tăng trên 100 USD/thùng cũng như dự đoán về tăng trưởng tín dụng, tăng tổng phương tiện thanh toán chưa chính xác.

Theo ông Ninh, tới đây việc điều hành của Chính phủ sẽ được thực hiện kiên quyết, nhịp nhàng và hiệu quả. Các cơ quan chức năng sẽ thực hiện kiểm soát tổng phương tiện thanh toán, kiểm soát dư nợ tín dụng, nhất là dư nợ tín dụng của những nơi không hiệu quả.

Đối với cho vay chứng khoán, ông Ninh cho biết, Thủ tướng đồng ý cho vay trong phạm vi ngân hàng qui định hiện nay. Hiện nguồn cho vay chứng khoán theo người đứng đầu Bộ Tài chính vẫn còn dư 9.000 tỉ đồng.

Liên quan đến vấn đề điều chỉnh giá điện, ông Ninh cho biết hiện liên bộ chưa bàn. Vừa qua mới chỉ là phương án đưa lên còn để trả lời giá điện là bao nhiêu phải có tính toán thẩm tra phương án, khảo sát, khảo sát, tính đầu vào và đầu ra. “Tinh thần là sẽ bàn đến chuyện này nhưng thời điểm nào thì theo tôi có lẽ phải cuối năm”, ông Ninh cho biết.

Về giá xăng dầu, ông Ninh một lần nữa nhắc lại quan điểm nhà nước không thả nối giá, chỉ thay đổi phương thức quản lí. Việc điều chỉnh tới đây sẽ được thực hiện trong những quãng thời gian dài hạn, trên cơ sở xây dựng quĩ dự phòng cũng như việc xây dựng mức giá trần cho các doanh nghiệp đăng kí.

Trả lời câu hỏi, Chính phủ đã có kịch bản đối phó với khả năng lạm phát tăng cao hay không, ông Nình cho biết, hiện đã có kịch bản, với các phương án khác nhau và đã được bàn tới trong phiên họp chiều 28.

Ông Nguyễn Xuân Phúc, Bộ trưởng, chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ cho biết, Bộ Tài chính cùng Chính phủ sẽ rà soát lại việc chi tiêu của các cơ quan nhằm tiết kiệm công quĩ. Các công trình đầu tư kém hiệu quả cũng được xem xét, có phương án xử lí để chống lạm phát.

Nắng lên sẽ… nhiều rau

Về tác động của đợt rét vừa qua tới người nghèo, Bộ trưởng NN&PTNT Cao Đức Phát cho biết, hiện chưa có điều tra cụ thể. Tới đây, Bộ sẽ phối hợp với các cơ quan chức năng để đánh giá kĩ hơn ảnh hưởng tới những hộ nghèo, đặc biệt là việc gây ra tái nghèo. Theo con số mới cập nhập, hiện đã có 120.000 trâu bò - “đầu cơ nghiệp” của nhà nông bị chết.

Theo ông Phát, đợt rét vừa qua đã có thể coi là thiên tai vì đã gây ra thiệt hại nặng. Tuy nhiên, theo ông không cần thiết phải thêm chức năng phòng chống rét vào UB phòng chống bão lụt, thiên tai vì đượt rét như vừa qua là hiếm có.

Ông Phát cũng trấn an về vấn đề rau xanh với người tiêu dùng khi thành phố Hà Nội đang xem xét dự án trồng rau sạch với đầu tư 500 tỉ đồng. Nguồn đầu tư này nhằm giúp người dân về cơ sở hạ tầng, qui trình kĩ thuật để trồng rau.

Tuy nhiên, nếu dự án được thực hiện, Hà Nội vẫn chỉ đáp ứng được 70% rau nên Bộ NN&PTNT đang chỉ đạo, phối hợp để có những vùng rau sạch xung quanh Hà Nội cũng như trên khắp cả nước.

Người đứng đầu Bộ NN&PTNT cũng lí giải, việc nhiệt độ duy trì dưới 13 độ C (nhiệt độ không tăng trưởng) liên tục trên mười ngày cách đây chưa lâu đã khiến Hà Nội bị thiếu rau trầm trọng, trong khi đây là thứ rất khó vận chuyển. “Nắng lên, rau sẽ tăng trưởng, tình hình sẽ khác”, ông Phát nhận định.

Cấn Cường

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm