Đã cấp 39 triệu giấy chứng nhận sử dụng đất lần đầu

(Dân trí) - Tỉ lệ này đạt gần 90% diện tích đất cần phải cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng lần đầu. Tuy nhiên, tại một số địa phương không tránh khỏi tình trạng cán bộ làm sổ đỏ lạm quyền, gây nhũng nhiễu và trục lợi.

Tại chương trình Dân hỏi - Bộ trưởng trả lời tối qua (1/12), Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Nguyễn Minh Quang đã trả lời về vấn đề cấp giấy chứng nhận sử dụng đất.

Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Nguyễn Minh Quang.

Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Nguyễn Minh Quang.

Đến thời điểm này, tiến trình cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất lần đầu theo Nghị quyết 30 của Quốc hội đã đến giai đoạn nào thưa Bộ trưởng?
 
Tính đến nay cả nước đã cấp được 39 triệu giấy chứng nhận sử dụng đất lần đầu và đạt tỉ lệ gần 90% diện tích đất cần phải cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng lần đầu. Thời gian qua có nhiều địa phương mặc dù gặp khó khăn về nguồn nhận lực và tài chính nhưng cũng đã vượt lên so với kết quả của 2 năm trước đây.
Đọc những thông tin kinh tế - tài chính mới nhất trên FICA:
 
 
Hiện nay trong tổng số 63 tỉnh thành thì có 39 tỉnh đã đạt chỉ tiêu trên 85%, có tỉnh đã trên 90%. Một số điển hình là TPHCM, Quảng Ninh, Bắc Giang, Nghệ An, Bà Rịa - Vũng Tàu.
 
Vừa qua tôi có gặp đồng chí Bí thư tỉnh ủy Tuyên Quang, đồng chí đã nói về cách làm rất hay và rất sáng tạo của tỉnh như sử dụng lực lượng thanh niên, học sinh để đo đạc diện tích thay cho đo máy trong điều kiện kinh phí hạn hẹp. 
 
Sáng nay tôi cũng mới nhận được thông tin Hà Nội vừa qua đã dành nguồn kinh phí khoảng 180 tỷ đồng để phục vụ cho việc cấp giấy này, cố gắng kết thúc sớm trong thời gian tới. 
 
Có được kết quả trên đó chính là nhờ sau khi có Nghị quyết 30 của Quốc hội, Chính phủ đã có những chỉ đạo rất quyết liệt. Vừa qua Thủ tướng Chính phủ đã có Chỉ thị 1474 và chỉ thị 05 để đôn đốc các Bộ và địa phương phải tập trung công tác này. Trong quá trình chỉ đạo thực hiện, Phó Thủ tướng đã thường xuyên làm việc với Bộ Tài nguyên & Môi trường, các Bộ để giải quyết những khó khăn, vướng mắc và đặc biệt là làm việc với 22 tỉnh đang gặp khó khăn nhất.
 
Ngoài ra, mặc dù trong điều kiện kinh phí, ngân sách hạn hẹp song Chính phủ cũng đã dành trên 1.000 tỷ đồng cho các tỉnh đang khó khăn nhất để làm công tác đo, vẽ hồ sơ địa chính.  Về phía các Bộ, Bộ TNMT cũng đã cố gắng làm hết sức mình; Bộ Tài chính, Bộ Xây dựng, Bộ Tư pháp, Văn phòng Chính phủ và các Bộ liên quan cũng cũng đã rất cố gắng.
 
Tuy nhiên, tôi thấy vẫn còn có 3 tỉnh còn chậm. Hôm nay tôi không muốn nói đến chuyện này, có lẽ để tổng kết. Nhưng, 3 tỉnh này vẫn còn có cơ hội để tiếp tục vươn lên bứt phá: Yên Bái, Vĩnh Phúc, Quảng Ngãi. Lãnh đạo các tỉnh cần có chỉ đạo quyết liệt hơn nữa và tôi tin là sẽ hoàn thành nhiệm vụ trong thời gian tới.
 
Có rất nhiều phản ánh về việc cấp giấy chứng nhận về quyền sử dụng đất lần đầu vẫn còn nhiều vướng mắc. Trích đoạn một công dân ở Hải Phòng có viết, "Khu dân cư chúng tôi ở số 440 Phố Chùa Hàng, Phường Dư Hàng Kênh, quận Lệ Chân, có nguồn gốc đất nông nghiệp nhưng hiện dân cư đã sinh sống sầm uất, ổn định hàng chục năm nay, có đường lớn mở vào. Cách đây mấy năm có chỉ đạo của phường, các hộ dân đã nộp hồ sơ xin cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất lần đầu nhưng vẫn không thấy hồi âm và có tin đồn là có dự án nên không được làm sổ đỏ. Tuy nhiên, hàng xóm ngay cạnh nhà tôi bỏ ra hơn 100 triệu đồng đã làm được". Liệu có hay không trường hợp các cán bộ chức năng trục lợi từ chính sách và có thể khiến cho chủ trương lớn của nhà nước bị ách tắc?
 
Về trường hợp này, tôi sẽ giao cơ quan chức năng của Bộ làm việc với địa phương để kiểm tra, giải quyết và xử lý. Tôi cho rằng, trường hợp cán bộ giải quyết các thủ tục chậm để rồi nhũng nhiễu, trục lợi trong cấp giấy chứng nhận đật này là có ở một số nơi. Đây là chuyện không thể tránh khỏi nhưng cũng không phải là phổ biến và xảy ra nhiều. 
 
Kết quả mà tôi đã nêu trên đã cho thấy, trong công tác cấp giấy chứng nhận, các cán bộ thực hiện cũng đã rất cố gắng. Còn câu chuyện phản ánh trên, tôi cho rằng, cần phải sớm khắc phục.
 
Có công dân phản ánh, giữa năm 2012, cán bộ địa chính của xã An Hữu (Cái Bè, Tiền Giang) đã tiến hành đo đạc lại toàn bộ đất đai trong ấp nhằm mục đích cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho các hộ dân. Nhưng hơn một năm nay vẫn chưa thấy sổ đỏ, khi hỏi thì được UBND xã trả lời chờ đến năm sau, mà cũng chưa biết đến năm nào. Điều này đã gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống nhân dân vì không thể mua bán trao đổi cho tặng đất được, và đặc biệt còn xảy ra những trường hợp tranh chấp đất cục bộ. Thưa bộ trưởng, ai sẽ là người chịu trách nhiệm chính trong những trường hợp như thế này và sẽ chịu trách nhiệm như thế nào?
 
Trường hợp này tôi đã nghe các cơ quan chức năng báo cáo. Có 2 nguyên nhân dẫn đến tình trạng này, một là ở xã An Hữu trước đây họ cũng đã làm cấp giấy chứng nhận rồi, nhưng quá trình cấp giấy dựa trên số liệu đo vẽ chưa chính xác 
 
Vừa rồi, theo chỉ đạo, xã đã thực hiện đo đạc lại hồ sở địa chính và tiến hành cấp giấy lại. Tuy nhiên, ở quy mô xã với số lượng dân khá đông nên sẽ cần một thời gian nhất định.
 
Lý do thứ hai liên quan đến thời hạn sử dụng đất nông nghiệp. Tôi nhớ theo Luật 2003 thì đến 15/10/2013, thời hạn sử dụng đất nông nghiệp được cấp đã hết. Nên tôi cho rằng, xã đang chờ ý kiến của Quốc hội về sử dụng đất nông nghiệp, Chính phủ cũng đã có nghị định về vấn đề này. 
 
Về lý do khách quan là hiện nay UBND huyện Cái Bè đang tiếp tục kiểm tra, làm thủ tục cấp giấy đối với người dân trong xã. Tôi tin chậm nhất cũng không quá 2014. 
 
Trong chương trình Dân hỏi - Bộ trưởng trả lời hồi tháng 6 vừa qua, Bộ trưởng đã tỏ ra rất kiên quyết với những địa phương chậm trễ trong việc cấp giấy chứng nhận quyền sử du đất lần đầu. Nay, thời gian không còn nhiều (2013 phải hoàn thành), Bộ trưởng có giải pháp gì hay không để hỗ trợ cũng như thúc đẩy tỉ lệ cấp giấy chứng nhận tại 24 địa phương chưa đạt mức 85% theo Nghị quyết Quốc hội?
 
Tôi cho là cần phải tập trung vào một số việc. Thứ nhất là tiếp tục bám sát chỉ thị 05 của Thủ tướng Chính phủ và đảm bảo được tiến độ thực hiện từ này đến hết 2013. Tiếp đến là tăng cường lực lượng cho các địa phương, nguồn nhân lực và phải dành kinh phí cho đo vẽ hồ sơ địa chính. 

Vấn đề thứ 3 là các cơ quan chuyên môn, trong đó có trách nhiệm của các Bộ, cần phải xử lý phần điều chỉnh tiền thu được từ giấy chứng nhận quyền sử dụng đất hoặc lệ phí trước bạ giấy chứng nhận lần đầu. Đồng thời, phải giải quyết tình trạng giấy đã cấp rồi nhưng hộ dân không nhận do điều kiện kinh tế khó khăn. 
 
Tôi muốn nói với các địa phương, sau năm 2013, chúng ta đánh dấu một mốc rất quan trọng, sau đó vẫn phải tiếp tục làm nốt, còn nhiều việc phải làm, nhất là sau khi cấp giấy rồi, hồ sơ phải đưa vào lưu trữ và quản lý theo một hệ thống nhất định.
 
Xin cảm ơn Bộ trưởng!

Bích Diệp ghi
 
VTV được giao vốn như doanh nghiệp Nhà nước