1. Dòng sự kiện:
  2. Hàng giá rẻ Trung Quốc đổ bộ

"Cuồng" hàng hiệu, "phô" giàu có

Mới tốt nghiệp ĐH chưa bao lâu, cô Lý đã mạnh tay chi hàng nghìn nhân dân tệ (NDT) để tậu các món hàng hiệu xa xỉ, thay đổi hình tượng "chân chất" một thời để phù hợp với vị trí hiện tại trong một công ty quảng cáo...

Mới bước chân vào cửa hàng LV tại Thẩm Dương, cô nàng bị hớp hồn bởi chiếc túi xách sành điệu có giá 5.350 NDT (tương đương 17.120.000 đồng). Ưng ý với món đồ có thể nâng tầm thương hiệu cho bản thân, cô này còn dự định sau khi nhận tháng lương đầu tiên sẽ quay lại tậu thêm vài món khác…
 
"Cuồng" hàng hiệu, "phô" giàu có - 1

Các kiều nữ chen chân mua hàng hiệu (Ảnh minh họa).
 
Nở rộ tín đồ cuồng hàng hiệu

Không chỉ cô Lý mà hàng nghìn các quý bà, quý cô Trung Quốc đang ồ ạt đua theo kiểu chơi đồ sang, xài đồ xịn nhập ngoại. Hàng loạt những túi xách, thắt lưng, ví da, khăn quàng cổ, quần áo, giày dép, đồng hồ….của LV, Chanel, Dior, Burberry, Celine…

Con phố Canton Road ở Hong Kong rất nổi tiếng với những cửa hàng chuyên bán đồ hiệu. Cảnh tượng hàng trăm người đứng nối đuôi nhau để vào mua một món đồ mới nhập không còn là chuyện hiếm.
"Chúng tôi đang đợi đợt hàng mới", Celeste Law, một sinh viên nói, khi đang đứng cạnh cô bạn gái Karina Luh bên ngoài một cửa hiệu Chanel trên con phố Canton Road, Hong Kong. Hai cô sinh viên 20 tuổi này đều đang súng sính trên tay những món phụ kiện xa xỉ. Celeste có một chiếc túi xách Louis Vuitton Monogram, trong khi Karina dùng túi của Chanel. Họ cho biết đã tiết kiệm tiền đi làm thêm hơn một năm để mua được những thứ đồ yêu thích đó.

"Những chiếc túi sành điệu sẽ khiến tôi tự tin hơn nhiều”, Celeste nói.

Zuki Ho, một phụ nữ sính hàng hiệu thuộc giới trung lưu Trung Quốc cũng cho biết, cô sở hữu 15 chiếc túi thuộc hàng xa xỉ. Người phụ nữ này từng không tiếc tay chi 40.000 đô la Hong Kong (khoảng 5.135 USD), số tiền gấp đôi lương tháng của Zuki, cho một chiếc túi xách hàng hiệu sáng láng.

Zuki thường “phát cuồng” vì những chiếc túi xách tay sang trọng, vì "Tôi thích cách người ta nhìn tôi trên phố, khi tôi mang bên mình chiếc túi xách đấy; tôi cũng chẳng bao giờ mua hàng nhái, sẽ thật tệ nếu ai đó phát hiện ra bạn đang dùng hàng nhái", Zuki nhấn mạnh.

Giáo sư Li Fei, Giám đốc Marketing thuộc đại học Thanh Hoa, Trung Quốc chỉ ra rằng, địa vị xã hội và sĩ diện bản thân là những động cơ mua sắm mạnh nhất của người tiêu dùng Trung Quốc. Một điểm đặc biệt nữa là tầng lớp tiêu dùng hàng xa xỉ ở Trung Quốc phần lớn tập trung ở độ tuổi từ 20 đến 40, trẻ hơn so với ở Mỹ và châu Âu, thường là trên 40 tuổi.

Ngoài ra còn phải kể đến tầng lớp "tiểu hoàng đế” hay các “ông trời con”, những cậu ấm cô chiêu sinh ra sau năm 1980. Sở thích của họ là hàng hiệu và tiêu tiền. Nhóm này luôn được đáp ứng bởi một hậu phương hùng hậu là bố mẹ, ông bà luôn sẵn sàng hy sinh tất cả cho quý tử độc nhất.

Càng đắt càng được săn đón

Những cơn "cuồng" hàng hiệu của dân tình thời gian qua khiến các nhãn hàng đồng loạt tăng giá chóng mặt từ 5% - 10% trên thị trường Trung Quốc.

Đơn cử như chuỗi cửa hàng LV tại Thẩm Dương, dù tăng giá ầm ầm trong suốt ba tháng qua, nhưng lượng khách hàng vẫn đông nghìn nghịt.

Một nhân viên bán hàng cho biết: “Các sản phẩm LV bắt đầu tăng giá từ ngày 1/3, nhưng không hề ảnh hưởng tới doanh số bán hàng của chúng tôi. Hai tuần đầu tháng 6 lượng hàng bán ra lớn gấp nhiều lần so với tháng 5. Mua bán chỉ cần diễn ra chưa đầy một phút, khách hàng nhanh chóng nhận được một túi xách sành điệu và chuyển khoản cho cửa hàng”.

Được biết tại thị trường Thẩm Dương, với doanh thu trung bình 360 triệu NDT (tương đương 1.152 tỷ đồng)/năm, nhãn hàng LV luôn đứng top đầu các sản phẩm được săn đón. Các khách hàng VIP tới từ An Sơn, Bản Khê, Liêu Dương, Thiết Lĩnh, Phủ Thuận thường lái xe sang tới tụ tập mua đồ “đông như kiến cỏ”.

Trong một tốp 10 người đang chen lấn mua đồ tại một cửa hiệu LV Thẩm Dương, có 6 người cho biêt sẵn sàng chấp nhận giá cao, hai người khác thì biểu lộ tâm lý đành lòng chạy theo giá cả: “Nếu không tăng giá thì làm sao nâng tầm được độ sang của món đồ”, một người lý giải.

Với dân sành, chuyện tăng giá của hàng hiệu được xem như “cơm bữa”. Ví như một chiếc túi hiệu Dior giá từ 6 năm trước là 14.000 NDT (tương đương 44,8 triệu đồng), thì hiện đã tăng lên thành 25.000 NDT (tương đương 80 triệu đồng).

Cô Tôn, một tín đồ hàng hiệu cho biết: “Chuyện tăng giá không thành vấn đề. Mỗi chiếc túi xách của tôi cũng đáng giá hàng chục nghìn NDT, nên tăng từ 500 - 1.000 NDT không đáng kể. Thậm chí tôi còn muốn các hãng tăng thêm giá, như vậy các món đồ tôi tậu càng giá trị”.

Chuyên gia nghiên cứu Zhang Sining, Học viện Khoa học xã hội Liêu Ninh lý giải: “Hàng hiệu không đơn giản là một thứ hàng hóa giao dịch thông thường. Giá càng cao, độ sành điệu và xa xỉ của món hàng càng lớn. Nên khách hàng thường có tâm lý dễ chấp nhận mức tăng liên tục của các nhãn hàng. Rất ít đồ hiệu cách một năm hoặc vài tháng mới có đợt giảm giá, và chiến dịch hiếm hoi này không phải là thanh lý hàng tồn đọng, mà chỉ là động tác khéo léo nhằm tạo thêm niềm tin cho thị trường”.

Chuyên gia tâm lý Zhang Junming, Hiệp hội nghiên cứu tâm lý học Liêu Ninh thì cho rằng: “Các nhãn hàng rất hiểu tâm lý sính đồ quý hiếm của người tiêu dùng. Chỉ cần sản xuất với số lượng có hạn, ngay lập tức giá trị sản phẩm được thổi phồng và tạo thành cơn sốt được săn đón. Việc tăng giá liên tục cũng phần nào nhằm đáp ứng tâm lý phô trương, thích đọ độ giàu có của một số người”.

Theo Cát Miên
Đất Việt

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm