Cuối năm hàng Trung Quốc đổ bộ, Việt Nam thâm hụt thương mại hơn 31 tỷ USD
(Dân trí) - Theo báo cáo của Tổng cục Hải quan, tính hết tháng 11/2019, kim ngạch thương mại Việt Nam với Trung Quốc thâm hụt 31 tỷ USD, tăng 9 tỷ USD so với cùng kỳ năm trước. Mặt hàng xuất của Việt Nam bị giảm sang Trung Quốc trong khi đó lượng nhập lại gia tăng, trong đó nhiều mặt hàng giá trị lớn.
Cụ thể, kim ngạch nhập khẩu mặt hàng gỗ năm 2019 từ Trung Quốc tăng khá mạnh từ mức 395 triệu USD lên mức 573 triệu USD, tăng hơn 173 triệu USD.
Đáng nói nhất, hai mặt hàng như vi tính, sản phẩm điện tử, linh kiện điện tử tăng kim ngạch lớn 3,7 tỷ USD so với cùng kỳ năm trước, cán mốc 11,1 tỷ USD.
Mặt hàng máy móc, thiết bị và linh kiện của Trung Quốc nhập về Việt Nam đạt 13,3 tỷ USD, tăng hơn 2,8 tỷ USD so với cùng kỳ năm trước.
Kim ngạch nhập khẩu các mặt hàng như sản phẩm sắt thép cũng tăng kim ngạch gần 400 triệu USD, vải các loại cũng đạt 7 tỷ USD, tăng hơn 500 triệu USD so với cùng kỳ năm trước, nguyên liệu dệt may, da giày cũng đạt 2,2 tỷ USD, tăng hơn 200 triệu USD so với cùng kỳ năm trước…
Tổng kim ngạch nhập khẩu mặt hàng từ Trung Quốc trong 11 tháng 2019 đạt 68,5 tỷ USD, trong khi xuất khẩu của Việt Nam chỉ đạt 37,2 tỷ USD, thâm hụt 31 tỷ USD. Cùng kỳ năm trước, Việt Nam nhập hơn 59,6 tỷ USD hàng Trung Quốc, xuất khẩu đạt 37,2 tỷ USD, thâm hụt thương mại 22 tỷ USD.
Dự kiến, trong tháng 12/2019 và đầu tháng 1/2020, nhu cầu hàng hoá nhập khẩu từ Trung Quốc về Việt Nam có thể tăng cao, đặc biệt là hàng tiêu dùng, chính vì thế có thể Việt Nam sẽ thâm hụt thương mại với Trung Quốc lớn hơn.
Năm 2018 và 2019, do ảnh hưởng chiến tranh thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc nên hàng Trung Quốc đổ về Việt Nam nhiều hơn so với các năm trước. Số lượng và kim ngạch tăng lên đồng nghĩa với thâm hụt cán cân thương mại giữa Việt Nam với Trung Quốc tăng lên.
Tuy nhiên, điều đáng lo hơn chính là việc hàng hoá Trung Quốc được doanh nghiệp, cá nhân nhập khẩu về Việt Nam nhưng không ghi rõ xuất xứ, hoặc hàng nguyên liệu, bán thành phẩm nhập về Việt Nam để gia công giản đơn, sau đó xuất khẩu sang thị trường thứ 3 để hưởng lợi.
Trong năm 2018 và 2019, Hải quan Việt Nam đã phát hiện khá nhiều vụ việc hàng hoá, doanh nghiệp Trung Quốc và cả Việt Nam có hành động “tẩy” xuất xứ như vụ doanh nghiệp FDI 100% vốn của người Trung Quốc nhập hơn 4 tỷ USD nhôm từ Trung Quốc sang Việt Nam để chuẩn bị xuất sang Mỹ, rất may số lượng nhôm gian dối này bị hải quan hai nước Việt - Mỹ phát hiện, ngăn chặn.
Vụ việc thứ 2 là doanh nghiệp Asanzo bị Hải quan Việt Nam khẳng định làm giả con dấu, hồ sơ, nhập hàng Trung Quốc giả hàng Việt để tiêu thụ tại thị trường Việt Nam. Cùng với đó là các vụ gian lận xuất xứ hàng hoá tiêu dùng như hàng may mặc của Khaisilk, Seven.AM…
Về giá cả các hàng hoá nhập khẩu, do Trung Quốc phá giá Nhân dân tệ nhiều đợt trong năm 2019, do đó hầu hết mặt hàng của nước này vào Việt Nam có giá rẻ hơn so với năm trước đây. Minh chứng là mặt hàng sắt thép nhập khẩu từ Trung Quốc trong 11 tháng năm 2019 có giá chỉ 14,5 triệu đồng/tấn, thấp hơn khá nhiều so với mức giá bình quân cùng kỳ năm 2018 là 6,5 triệu đồng/tấn.
Mức giá rẻ là lợi thế cho các mặt hàng sắt thép của Trung Quốc và khiến các doanh nghiệp sắt thép trong nước rất khó khăn, thậm chí phải giảm giá để giữ thị phần. Đây là trường hợp nhập khẩu chính ngạch và cạnh tranh riêng về giá, chưa nói đến số lượng sắt thép nhập không chính ngạch, nhập lậu sẽ có giá rẻ hơn nữa bởi thời gian vừa qua Việt Nam đã áp thuế nhập cao đối với một số loại sắt thép, nhôm từ Trung Quốc.
Trong quan hệ thương mại với Trung Quốc thời gian qua, có thể thấy rõ xu hướng xuất khẩu của Việt Nam ngày càng bị thắt chặt và khó khăn hơn do Trung Quốc tăng cường kiểm soát chất lượng, xuất xứ và an toàn thực phẩm đối với các sản phẩm xuất khẩu chính của Việt Nam là hoa quả, thực phẩm tươi sống.
Trong khi đó, về phía Việt Nam, hàng rào phi thuế chưa thực sự phát huy hiệu quả khi khá nhiều loại hàng thành phẩm, bán thành phẩm vẫn qua mặt cơ quan chức năng để "tẩy" nguồn gốc, xuất xứ, gây lo ngại lớn cho khả năng phòng vệ của nền kinh tế.
An Linh