1. Dòng sự kiện:
  2. Hàng giá rẻ Trung Quốc đổ bộ
  3. Tư vấn tài chính cá nhân

“Cuối đường hầm” của đại gia Dương Ngọc Minh; Quyết định của Cường đôla “nhấn chìm” cổ phiếu?

(Dân trí) - Cả cổ phiếu QCG của Quốc Cường Gia Lai và HVG của Thủy sản Hùng Vương phiên này cùng giảm sàn. Tuy nhiên, trong khi việc thiếu gia Nguyễn Quốc Cường rời công ty để lại nhiều băn khoăn cho cổ đông thì công ty của đại gia Dương Ngọc Minh dường như đã thấy cửa sáng sau đợt tái cơ cấu mạnh.

Mặc dù biên độ tăng giá đã bị thu hẹp so với cuối phiên sáng song VN-Index vẫn kết thúc phiên giao dịch 27/11 với mức tăng 2,09 điểm tương ứng 0,23% lên 923,12 điểm bất chấp có tới 167 mã giảm so với 126 mã tăng.

Trên sàn HNX, với 75 mã giảm giá so với 72 mã tăng, chỉ số sàn này chấp nhận mức giảm 0,79 điểm tương ứng 0,76% còn 103,19 điểm.

Thanh khoản chưa cho thấy sự cải thiện khi vẫn chỉ có 152,63 triệu cổ phiếu được chuyển nhượng tương ứng 3.673,2 tỷ đồng trên HSX và 29,13 triệu cổ phiếu tương ứng 403,2 tỷ đồng trên HNX.

VNM, VHM, VIC, SAB… tiếp tục là những mã có tác động tích cực, nếu không nói là quyết định, đến mức tăng của VN-Index. Trong đó, VNM tăng 3.400 đồng đã đóng góp 1,85 điểm, VHM tăng 1.300 đồng đóng góp 1,36 điểm và VIC tăng 1.000 đồng đóng góp xấp xỉ 1 điểm cho chỉ số chính.

Chiều ngược lại, việc cổ phiếu các “ông lớn” ngân hàng đồng loạt đỏ sàn đã ảnh hưởng tiêu cực lên VN-Index. Trong phiên này, trên toàn thị trường có tới 10 mã ngân hàng giảm giá, trong khi số mã tăng chỉ là 3 mã và có 4 mã đứng tham chiếu. Một số mã có mức giảm mạnh là VPB (giảm 4,57%), BID giảm 3,23%, CTG (giảm 3,16%), TPB (giảm 2,92%), VCB (giảm 2,82%), HDB (giảm 2,33%)…

Sau quyết định rời công ty của thiếu gia Nguyễn Quốc Cường, cổ phiếu QCG sụt giảm mạnh
Sau quyết định rời công ty của thiếu gia Nguyễn Quốc Cường, cổ phiếu QCG sụt giảm mạnh

Cổ phiếu QCG của Quốc Cường Gia Lai trong phiên này tiếp tục rớt giá thảm. Mã này đang có chuỗi giao dịch bất lợi kể từ khi công ty này thông qua đơn từ nhiệm của ông Nguyễn Quốc Cường – con trai Chủ tịch HĐQT Nguyễn Thị Như Loan khỏi tất cả các vị trí quan trọng như Thành viên HĐQT, Phó Tổng giám đốc, người phát ngôn.

Với mức giảm sàn 6,96% trong phiên hôm nay, QCG đã lùi về mức giá 5.210 đồng/cổ phiếu, sụt giảm tới 24,49% so với phiên 15/11 – thời điểm trước khi đơn từ nhiệm của ông Nguyễn Quốc Cường được phê duyệt.

Tuy nhiên, việc có hơn 110 nghìn cổ phiếu dư mua giá sàn vào cuối phiên hôm nay cho thấy cầu bắt đáy đã xuất hiện tại QCG trong bối cảnh thanh khoản đạt khá cao với trên 2,93 triệu cổ phiếu được khớp lệnh.

Cùng tình trạng giảm sàn phiên hôm nay còn có HVG của Công ty Cổ phần Hùng Vương. Đây cũng là phiên giảm thứ 3 liên tiếp của mã này, đưa thị giá HVG lùi về 4.680 đồng/cổ phiếu. Tuy vậy, thanh khoản của HVG phiên này lại được cải thiện đáng kể, gấp hơn 4 lần phiên trước, đạt hơn 1 triệu cổ phiếu.

Trong quý III vừa rồi, với việc tái cơ cấu mạnh mẽ, HVG thu về 243 tỷ đồng doanh thu tài chính, tăng gấp 14 lần cùng kỳ. Chi phí tài chính giảm hơn 77%, chi phí bán hàng giảm 59% và chi phí quản lý giảm tới 96%. Cộng với khoản lợi nhuận khác tăng gấp 117 lần lên 136,5 tỷ đồng, HVG ghi nhận lãi ròng gần 366 tỷ đồng trong quý III.

Ngoài ra, theo kết quả thuế chống bán phá giá với cá tra Việt Nam ở thị trường Mỹ trong giai đoạn xem xét hành chính lần thứ 14 (POR14) thì mức thuế chống bán phá giá đối với HVG là 0.

Trở lại với thị trường chứng khoán, theo đánh giá của Chứng khoán Bảo Việt (BVSC), sau những dấu hiệu suy yếu về cuối phiên hôm nay, thị trường có thể sẽ chịu áp lực điều chỉnh trong nửa đầu phiên kế tiếp. Chỉ số có thể giảm về vùng 915-918 điểm trước khi được kỳ vọng hồi phục trở lại về cuối phiên.

Mai Chi

“Cuối đường hầm” của đại gia Dương Ngọc Minh; Quyết định của Cường đôla “nhấn chìm” cổ phiếu? - 2

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm