Cuộc thoái lui âm thầm và đau đớn

Rơi vào vũng bùn đầu tư ngoài ngành, nhiều tập đoàn và các “ông lớn” phải âm thầm rút khỏi cuộc chơi không kèn trống. Thua lỗ là tất yếu nhưng hậu quả có lẽ không phải chỉ có thế.

Âm thầm rút lui

 

Sở Giao dịch chứng khoán TP.HCM (HOSE) cho biết vừa nhận được hồ sơ chấm dứt tư cách thành viên giao dịch tại HOSE của CTCP Chứng khoán Delta (DTSC).

 

Thông tin này gần như không có ảnh hưởng gì tới TTCK bởi DTSC vẫn đang trong thời gian bị UBCK đình chỉ hoạt động (từ 29/10/2012 đến 29/4/2013) và cách đây vài tháng cũng có 5-6 CTCK khác cũng xin chấm dứt tự nguyện tư cách thành viên 2 sở.

 

Điều mà nhiều người bàn tán có chăng chỉ ở chỗ Delta trước đây vốn là CTCP Chứng khoán Cao su (Rubse). Doanh nghiệp này vốn có cổ đông lớn (51%) là Tập đoàn Cao su Việt Nam (VRG) - một tập đoàn khá nổi tiếng về đầu tư ngoài ngành và đang phải thoái vốn ở rất nhiều công ty.

 

Việc Delta chấm dứt tư cách thành viên của các sở giao dịch chứng khoán cũng có nghĩa DN này hướng tới việc rút khỏi TTCK. Và nó không khác nào các cổ đông của CTCK này đã chấp nhận bỏ cuộc.

 

Delta rút khỏi thị trường trong bối cảnh CTCK này gần đây cũng đã bị Trung tâm lưu ký chứng khoán (VDS) đình chỉ hoạt động đăng ký, lưu ký, bù trừ và thanh toán giao dịch chứng khoán và bị cảnh cáo do 3 lần do bị VSD nhắc nhở bằng văn bản trong tháng 3/2013 do không thực hiện xác nhận danh sách người sở hữu chứng khoán lưu ký thực hiện quyền.

 

Ngoài ra, Delta năm vừa qua tiếp tục thua lỗ trên 50 tỷ đồng. Đây là năm thứ 5 liên tiếp CTCK bị lỗ, và vốn chủ sở hữu hiện ở mức âm 10,29 tỷ đồng.
 
Cuộc thoái lui âm thầm và đau đớn

 

Một CTCK khác cũng bị các tập đoàn và ông lớn âm thầm bỏ rơi là CTCP Chứng khoán Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VIG). CTCK này ban đầu ra mắt cũng khá hoành tráng với sự góp mặt của nhiều tập đoàn và tổng công ty. Tuy nhiên, tới cuối 2011, trong số các ông lớn chỉ còn lại có Tập đoàn Hóa chất với tỷ lệ nắm giữ hơn 6% (hơn 2 triệu cổ phiếu). Các đại gia khác như Ngân hàng SCB, TCT Lương thực Miền Bắc, TCT Xây dựng Công trình giao thống 4... đã không còn thấy trong danh sách cổ đông.

 

Cũng trong tuần này, Công ty Chứng khoán Liên Việt (LVS) quyết định chuyển giao toàn bộ khách hàng cho Công ty Chứng khoán Tân Việt (TVSI) trong bối cảnh CTCK này sẽ ngừng giao dịch tại hai sở HNX và HOSE. Việc rút tư cách thành viên hai sở sẽ khiến LVS sẽ mất đi một nguồn thu khá lớn, nhất là trong bối cảnh doanh thu tự doanh không ổn định. Nó cũng đồng nghĩa với việc LVS sẽ hoạt động dưới dạng một công ty đầu tư chứng khoán và có thể rút lui hoàn toàn khỏi thị trường bất cứ lúc nào.

 

Gần đây, giới đầu tư còn chứng kiến nhiều đại gia bỏ chạy khỏi các CTCK như tại Chứng khoán Hà Thành (nay là Tonkin), Chứng khoán Sacombank...

 

Không chỉ chứng khoán, nhiều tập đoàn và tổng công ty cũng đang âm thầm rút khỏi đầu tư ngoài ngành ở các lĩnh vực khác như: Vinacomin thoái vốn khỏi Bảo hiểm SHB; Vinalines tìm cách rút khỏi Gemadept; Coma rút khỏi Xi măng Đồng Bành; PVX thoái khỏi PVR...

 

Đau đớn đa ngành

 

Trở lại vụ Delta, trên thực tế, Tập đoàn Cao su đã rút khỏi CTCP Chứng khoán Cao Su (Rubse) từ những tháng cuối năm 2012 với việc công ty con của tập đoàn là Tài chính Cao su đã bán toàn bộ 2,04 triệu cổ phần tại Rubse (51%) và không còn là cổ đông lớn từ 12/10/2012.

 

Mặc dù vậy, cho tới khi Delta tuyên bố rút khỏi TTCK thì nhiều nhà đầu tư mới chợt hình dung về kết quả đau đớn của cú thoái vốn bất đắc dĩ của VRG.

 

Theo đề án sắp xếp, đổi mới doanh nghiệp 100% vốn nhà nước thuộc Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam giai đoạn 2012-2015, VRG có tới hơn 40 công ty ngoài ngành. Việc thoái vốn của tập đoàn này xem ra còn nhiều khó khăn bởi những trường hợp thoái vốn không thành công không hề hiếm trên thị trường tài chính Việt Nam.

 

Trong các trường hợp thoái vốn khỏi chứng khoán và BĐS khác, khả năng thua lỗ của các tập đoàn, tổng công ty là khá lớn bởi các thị trường lao dốc trong thời gian vừa qua, giá cổ phiếu rớt vài cho tới vài chục lần, trong khi giá BĐS cũng rớt mất 30-50%.

 

Về cơ bản, rút khỏi đầu tư ngoài ngành là định hướng do Chính phủ đưa ra nhằm tránh tình trạng đầu tư dàn trải, kém hiệu quả... Tuy nhiên, ý kiến của Chính phủ gần đây cũng chỉ rõ rằng, "rút lui" khỏi đầu tư ngoài ngành phải có phương án.

 

Thực tế vốn đầu tư ngoài ngành không hiệu quả sẽ được thu lại để tập trung nguồn lực cho ngành chính. Tuy nhiên, việc thoái vốn sẽ được xử lý bằng các giải pháp linh hoạt, và phải có phương án, lộ trình, không thoái vốn ồ ạt ở tất cả các doanh nghiệp.

 

Có thể thấy, quyết định thoái vốn ở một số trường hợp chứng khoán và BĐS gần đây của các ông lớn là bán dưới giá, là cắt lỗ, thậm chí mất vốn. Đó là những trường hợp dường như là bắt buộc và được thực hiện khá âm thầm.

 

Xu hướng này có thể còn tiếp diễn bởi số lượng các CTCK (có vốn góp của tập đoàn, tổng công ty), doanh nghiệp BĐS... làm ăn thua lỗ, đứng trên bờ vực phá sản là rất lớn.

 

Số liệu được chính các tập đoàn, tổng công ty nhà nước gửi lên Quốc hội hồi cuối 2012 cho thấy, các công ty này đã đầu tư vào một số lĩnh vực như chứng khoán, quỹ đầu tư, bảo hiểm, ngân hàng, BĐS vẫn có chiều hướng gia tăng so với năm trước đó và lên tới khoảng 24.000 tỷ đồng. Sự sa đà của các doanh nghiệp này vào các ngành lĩnh vực không cốt lõi không những gây thua lỗ, bào mòn lợi nhuận của công ty mẹ mà còn làm giảm uy tín trên thương trường.

 

Theo Mạnh Hà

VEF