1. Dòng sự kiện:
  2. Kết quả kinh doanh

Cuộc tháo chạy khỏi "hàng nóng" của các ông bầu

Là những đại gia lắm tiền nhiều của nhưng cuối cùng bầu Đức, bầu Hiển, bầu Thụy cũng phải tháo chạy khỏi “hàng nóng”.

Chứng khoán, bất động sản, ngân hàng, vàng được xem là những ngành nghề kinh doanh nóng nhất trong nhiều năm qua. Với lợi thế nhiều tiền, các đại gia, trong đó có nhiều ông bầu lừng danh đất Việt như bầu Đức (Đoàn Nguyên Đức), bầu Hiển (Đỗ Quang Hiển) và bầu Thụy (Nguyễn Đức Thụy) không thể bỏ qua “hàng nóng” đầy béo bở này.

Kết quả là bầu Đức khá thành công với bất động sản, bầu Hiển nổi danh cùng ngân hàng, trong đó có cả chứng khoán. Còn bầu Thụy chưa kịp hái trái ngọt của chứng khoán thì đã nhận quả đắng. Chính vì vậy, việc bầu Thụy tuyên bố “tháo chạy” khỏi chứng khoán sau một thời gian ngắn “kết duyên” gây xôn xao dư luận nhất.

Cách đây hơn một tháng, Sở giao dịch chứng khoán Hà Nội vừa thông báo bầu Thụy đăng ký bán toàn bộ 24,45 triệu cổ phiếu chứng khoán Xuân Thành. Lượng cổ phiếu này tương ứng 81,5% vốn VIX. Điều đó có nghĩa Bầu Thụy muốn thoái toàn bộ 81,5% vốn. Với thị giá hiện tại của VIX quanh 8.000 đồng/cp, bầu Thụy sẽ thu về khoảng 200 tỷ đồng.

Việc bầu Thụy “ly hôn” và “kết hôn” đều khiến dư luận xôn xao. Năm 2011, bầu Thụy khiến báo chí tốn khá nhiều giấy mực khi tuyên bố mua lại Công ty chứng khoán Vincom (VIX). Ban đầu, bầu Thụy chỉ mua 7,14 triệu cổ phiếu VIX và nắm giữ 23,8% vốn.

Bầu Đức, bầu Thụy, bầu Hiển thoái vốn khỏi các ngành nghề kinh doanh nóng 
Bầu Đức, bầu Thụy, bầu Hiển thoái vốn khỏi các ngành nghề kinh doanh "nóng" 
Sau khi đại hội cổ đông năm 2011 thông qua phương án đổi tên công ty thành chứng khoán Xuân Thành, bầu Thụy tiếp tục gây sốc khi đăng ký mua thêm 17,31% vốn của VIX để nâng tỷ lệ nắm giữ lên 81,5% vốn.

Tuy nhiên, chứng khoán không mang lại trái ngọt cho bầu Thụy. Năm 2012, chứng khoán Xuân Thành báo lỗ 51 tỷ đồng, trong khi năm 2011 có lãi 6,5 tỷ đồng. Tới quý 1/2013, VIX đã có lãi nhưng vẫn không thể níu chân ông bầu lắm tiền này.

Trong quý 4/2012, bầu Thụy đã bán sạch danh mục cổ phiếu niêm yết và chỉ còn giữ lại 380 nghìn cổ phiếu OTC. Và nay đến lượt các ông bầu này bán nốt cổ phiếu của mình nắm giữ để rút lui khỏi chứng khoán sau hai năm theo đuổi.
Ít ồn ào hơn, bầu Hiển cũng tuyên bố giã từ chứng khoán. Trong Đại hội cổ đông của ngân hàng SHB diễn ra hồi đầu tháng 4 năm nay, bầu Hiển tiết lộ đã 2 năm nay ông không tham gia giao dịch cổ phiếu và ông không có duyên với thị trường này.

Nguyên nhân mà ông đưa ra chính là ông khá “đen” với chứng khoán. Bên cạnh đó, một nguyên nhân quan trọng khác khiến bầu Hiển quay lưng với chứng khoán chính là: "Tôi không cần mua, chỉ cần xui ai mua vào thôi nó cũng xuống, thứ hai ở vị trí của tôi nếu mua vào cổ phiếu sẽ khiến cổ đông không hiểu lại nghĩ mình làm giá nên tôi rất ngại "món" này".

Bên cạnh đó, ông Hiển cũng chia sẻ nếu ông tham gia giao dịch chứng khoán, sẽ không còn khách quan độc lập nữa, ảnh hưởng đến hoạt động của SHB. Hơn nữa, dù có muốn tiếp tục theo đuổi chứng khoán, bầu Hiển cũng khó thành công vì ông không có thời gian quan tâm đến cổ phiếu. Một ngày làm việc của ông thường kéo dài tới 11h-12h đêm.

Cuộc rút lui khỏi chứng khoán của bầu Hiển khá lặng lẽ và ít ảnh hưởng tới thị trường. Chính vì vậy, việc ông có tiếp tục “chơi” chứng khoán nữa hay không cũng không khiến dư luận quá quan tâm.

Trong khi đó, không phải đến thời gian này bầu Đức mới nhắc tới việc rút khỏi “hàng nóng”. Tuy nhiên, không rút giật cục như bầu Thụy, bầu Đức từng bước ra khỏi bất động sản. Cách đây nhiều năm, bầu Đức đã tuyên bố tỷ lệ bất động sản giảm mạnh trong cơ cấu đầu tư của Hoàng Anh Gia Lai.

Năm nay, động thái rút chân khỏi bất động sản của bầu Đức càng rõ nét hơn.  Đầu tiên là việc rời khỏi ghế Chủ tịch HAGL Land. Bên cạnh đó, việc bầu Đức giảm giá 50% cho hai dự án của Tập đoàn cũng chứng tỏ mong muốn “thanh lý” bất động sản của bầu Đức.

Bầu Đức cùng Hoàng Anh Gia Lai (HAG) chuyển hướng kinh doanh, dồn sức cho mía đường, cao su. Cụ thể, trong năm 2013, HAG dự kiến đầu tư 200 tỷ đồng vào dự án trồng và chăm sóc 9.000 ha cao su tại tỉnh Rattanakiri, Campuchia và 300 tỷ đồng cho dự án trồng và chăm sóc 25.000 ha cao su và cọ dầu tại tỉnh Attyapeu, Lào.

Báo cáo tài chính quý 3/2012 của HAG cho thấy rõ việc dòng tiền của công ty bầu Đức chảy sang mía đường, nhiệt điện, cao su là rất lớn. Trong khi đó, tại các khoản đầu tư dài hạn, chi phí đất đai để phát triển các dự án của HAG đã giảm 116,65 tỷ đồng.

Có thể thấy, cuộc tháo chạy khỏi “hàng nóng” của bầu Hiển và bầu Đức khá thành công. Trong khi đó, bầu Thụy lại không được may mắn như vậy.

Trong tháng 4, Sở giao dịch chứng khoán Hà Nội công bố bầu Thụy đã không bán được toàn bộ 24,5 triệu cổ phiếu đang sở hữu như đăng ký trước đó vào ngày 12/3. Số lượng cổ phiếu mà bầu Thụy chuyển nhượng được chỉ là 2,2 triệu đơn vị. Nguyên nhân không thực hiện giao dịch hết số cổ phiếu đăng ký không được vị này công bố.
Như vậy, hiện tại, bầu Thụy vẫn nắm tới 74,17% vốn của chứng khoán Xuân Thành, và vẫn là cổ đông lớn nhất của công ty này với giá trị cổ phiếu tương đương 188 tỷ đồng.
Theo Thanh Hà
VTC