Cuộc ra quân chưa từng có của doanh nghiệp Việt

Gần 30 doanh nhân Việt kiều, những con người đã từng "chinh chiến" nhiều năm nơi đất khách quê người, đã tề tựu về khán phòng của Câu lạc bộ Doanh nhân Việt kiều (OV Club) một chiều cuối tháng 5/2005 để cùng bàn cách hợp sức đầu tư ngay trên chính quê hương mình.

Cụ thể đó là kế hoạch thành lập 15 công ty cổ phần liên kết tại các địa phương, một chương trình đầu tư - kinh doanh lớn nhất từ trước tới nay của các doanh nghiệp Việt kiều.

Ông Nguyễn Trọng Nguyễn, nhân vật số 1 trong nhóm soạn thảo kế hoạch liên kết đã trình bày 2 quyển tài liệu về việc thành lập 15 công ty cổ phần OV tại các vùng trong cả nước mà nhóm soạn thảo đã chăm chút suốt 3 tháng trời.

"Các doanh nghiệp này sẽ đảm đương vai trò đầu tàu tại địa phương, nhằm huy động nguồn lực của doanh nhân Việt kiều tại địa phương đó. Đồng thời nó cũng đóng vai trò định hướng cho doanh nhân Việt kiều  khi quyết định đầu tư", ông Nguyễn nói về mục đích của kế hoạch này. 

Câu lạc bộ Doanh nhân Việt kiều (OV Club) thành lập năm 2000, hiện có 380 thành viên là các doanh nhân Việt kiều đang làm ăn sinh sống tại Việt Nam.

Có 2 doanh nghiệp dịch vụ thuộc hệ thống OV là Công ty Tư vấn OV Consult và Ngân hàng Việt kiều. Trong đó OV Consult sẽ gồm các nhà tư vấn chuyên nghiệp quốc tế và Việt kiều, thực hiện việc tư vấn cho các dự án đầu tư về: tổ chức, pháp lý, quan hệ, ngoại giao, tài chính, kế toán, tiếp thị, quảng cáo, huấn luyện đào tạo... Còn Ngân hàng Việt kiều sẽ có vai trò quản lý kiều hối, quỹ tín dụng bất động sản, quỹ hưu trí, dịch vụ ngân hàng tư nhân cao cấp...

 “Theo kinh nghiệm của tôi, làm ăn ở nước ngoài thành công dễ hơn ở Việt Nam, song tất cả Việt kiều về đây đều có chung tấm lòng đóng góp cho kinh tế đất nước, vấn đề là họ chưa định hướng được đầu tư và thiếu đầu tàu hướng dẫn", ông Nguyễn Ngọc Mỹ, Chủ nhiệm OV Club, người đã có 12 năm lăn lộn với các dự án đầu tư tại Việt Nam chia sẻ.

Ông Mỹ cũng cho biết với tư cách Giám đốc Công ty Việt Hải Đăng, ông sẽ bỏ ra 1 tỉ đồng (tương đương 10%) góp vốn cho mỗi công ty OV khi thành lập.

Giám đốc Công ty Thiết bị trường học Dân Trí, ông Hồ Quang Đặng kể: "Tôi có 2 người bạn ở Mỹ, đều bán gần hết tài sản ở nước ngoài để về Việt Nam làm ăn. Một người lập trang trại nuôi tôm sú ở Khánh Hòa. Tôm chết, anh ta phá sản. Người còn lại về Rạch Giá mua đất trồng... dừa. Nước mặn, dừa chết anh ta chuyển sang trồng cam. Rồi cam cũng không sống được làm cho cơ ngơi cũng chết theo luôn".

Và ông Đặng kết luận: "Muốn làm ăn tốt ở quê nhà, tâm huyết không chưa đủ mà cần phải có kinh nghiệm, phải có người đưa đường chỉ lối". Thêm nữa, ông Đặng nói: "Hiện nay, các công ty nước ngoài mà đặt lượng hàng lớn là tôi sợ. Một ngàn bộ bàn ghế thì Dân Trí lo nổi chứ 100.000 bộ thì Dân Trí chào thua. Nhưng nếu có Công ty cổ phần OV thì mọi việc không có gì đáng lo cả. Mọi người sẽ cùng bỏ vốn ra làm".

Bỏ vốn cùng làm ăn - đó là điều mong mỏi của phần lớn doanh nhân Việt kiều. "Qua chuyến đi xuyên Việt vừa rồi, hầu hết các địa phương đều ủng hộ nên việc thành lập sớm chuỗi doanh nghiệp OV sẽ tiến hành nhanh. Trong tháng 6/2005, OV Club sẽ họp bàn chi tiết và xúc tiến đăng ký thành lập", ông Nguyễn Ngọc Mỹ cho biết.

Theo Thanh niên