Cuộc giằng co chống thương lái Trung Quốc
Bình Thuận phạt 23 người Trung Quốc mua thanh long, Cà Mau mạnh tay xử phạt...
Bình Thuận phạt 23 thương lái Trung Quốc
Nông dân Bình Thuận đang điêu đứng vì giá thanh long rẻ mạt, có người còn mất trắng cả mấy trăm triệu đồng.
Theo ghi nhận của báo Pháp luật TP.HCM, giá thanh long loại to và đẹp hiện được thương lái thu mua nhỏ giọt với giá từ 3.500 đến 4.000 đồng/kg. Riêng loại trái nhỏ giá chỉ 500 đồng/kg nhưng khó bán. Trong khi thời điểm này năm ngoái, giá thanh long không dưới 15.000 đồng/kg.
Trong khi đó, tại biên giới Việt - Trung mặt hàng này chưa phân loại to - nhỏ, tốt xấu vẫn có giá cao ngất lên tới 25.000 đồng/kg (tức là cao gấp 5-6 lần giá mua tại Bình Thuận).
Nguyên nhân một phần do thị trường thanh long đã bị thương lái Trung Quốc chi phối, mua bán.
Khi đã xây dựng được hệ thống thu mua là người Việt, thì gần như họ đã nắm được cả thị trường. Giá cả lên, xuống là do thương lái Trung Quốc điều khiển và ép giá người nông dân.
Ông Lê Tiến Phương, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Thuận, cho rằng tình trạng buôn bán thanh long khó khăn là do nhiều người nước ngoài cư trú, kinh doanh bất hợp pháp trên địa bàn.
“Vì sao họ ở đâu đến lại làm chủ thị trường, nắm hết nguồn nguyên liệu? Những người trồng, sản xuất, mua bán thanh long hợp tác với họ chính là đã làm phương hại đến lợi ích quốc gia, đến lợi ích của nông dân trồng thanh long” - ông Phương nhấn mạnh.
Trong bối cảnh này, vị chủ tịch tỉnh đã lên tiếng kêu gọi những người trồng, sản xuất thanh long không hợp tác với những người buôn bán bất hợp pháp và báo ngay cho chính quyền địa phương để xử lý.
Theo UBND tỉnh Bình Thuận, từ đầu năm đến nay cơ quan chức năng trên địa bàn tỉnh đã ra quyết định xử phạt 23 người Trung Quốc cư trú bất hợp pháp, kinh doanh, thu mua thanh long không được phép của cơ quan có thẩm quyền ở Việt Nam. Qua đó, phạt những người trên với tổng số tiền gần 500 triệu đồng.
Cà Mau mạnh tay
Mặc dù không thu mua thanh long, nông sản như nhiều địa phương khác nhưng tại Cà Mau lại xuất hiện nhiều thương lái Trung Quốc thu mua cua bất hợp pháp.
Trao đổi với báo Đất Việt, ông Phạm Thành Tươi - Chủ tịch UBND Cà Mau cho biết, ông đã ký quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với ông Yang Renan, quốc tịch Trung Quốc vì hành vi vi phạm hành chính kinh doanh thu mua cua mà không được phép của cơ quan có thẩm quyền Việt Nam trong khi nhập cảnh vào Việt Nam của ông Yang Renan là để làm việc với doanh nghiệp Việt Nam.
Hành vi đã vi phạm điểm b, khoản 5, điều 17 Nghị định số 167/2013/NĐ-CP của Chính phủ. Theo đó hình thức xử phạt bằng tiền mặt là 25 triệu đồng.
Vụ việc được phát hiện qua thông tin tố giác của người dân. Hiện tượng người nước ngoài tổ chức thu mua cua tại đây đã diễn ra từ năm 2014.
Thương lái Trung Quốc đang thu mua hàng thủy sản - Ảnh minh họa
Yang Renan bị bắt quả tang đang lựa cua tại một đại lý người Việt nhưng khi phát hiện lực lượng chức năng người này đã chạy trốn vào nhà.
Qua kiểm tra, Yang Renan chỉ xuất trình được bản hộ chiếu phô tô, trình bày rằng hộ chiếu, thị thực của mình đã gửi Cục Quản lý xuất nhập cảnh tại TP HCM để gia hạn.
Việc mua bán cua giữa ông Yang Renan với cơ sở của bà Phạm Thanh Loan đã được thực hiện từ năm 2012 đến nay, ông Yang Renan là người trực tiếp lựa cua, cân ký, giao đóng thùng và thanh toán tiền cho bên bán. Việc mua bán được thực hiện dựa trên thỏa thuận miệng chứ không có hợp đồng bằng văn bản.
Gia Lai ngăn người Trung Quốc trồng dưa
Một sự việc diễn ra tương tự tại Gia Lai cũng đã được chính quyền địa phương, cơ quan chức năng kịp thời ngăn chặn đó là việc người Trung Quốc thuê đất trồng dưa hấu lạ tại huyện Chư Prông, Kong Chro, Ia Pa, Phú Thiện và thị xã Ayun Pa, An Khê.
Các thương nhân Trung Quốc cho biết, đây là giống dưa ghép giữa gốc câu bí đỏ và dưa vàng không có hạt, rất ngọt, không sợ đất cũ, giống dưa này khi bán giá sẽ cao gấp 2-3 lần so với giá dưa hấu truyền thống mà nông dân trồng xưa nay.
Trao đổi với PV báo Đất Việt, Đại tá Phạm Văn Chẩn – Chánh văn phòng Công an tỉnh Gia Lai cho biết, diện tích người Trung Quốc dự tính thuê rất lớn, khoảng 300 ha. Hoạt động này không thông qua chính quyền địa phương theo quy định.
Ông Chẩn cho biết, đã làm việc với 10 trường hợp và đã làm rõ, kết luận, xử lý hành chính 5 trường hợp người Trung Quốc về hành vi "người nước ngoài nhập cảnh có hoạt động khác tại Việt Nam mà không được phép của cơ quan có thẩm quyền" theo quy định của Pháp lệnh về xuất nhập cảnh của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.
Theo Thái An
Đất Việt