Cuộc đua hiếm có, đại gia ngoại bị tỷ phú Việt gạt "ra rìa"

Điểm nóng tuần qua là hàng loạt thông tin liên quan tới các hãng hàng không đang trong quá trình thành lập. Đứng sau các hãng này đều là các ông lớn như tỷ phú Vingroup, Thiên Minh, Vietravel...

Một điều hiếm có, thị trường hàng không Việt đang là sự thắng thế của các tỷ phú Việt, các ông lớn nước ngoài dù thèm muốn nhưng đều chưa thành công. 

Cuộc đua trên trời

Cựu Phó tổng Vietnam Airlines, ông Phan Xuân Đức, đã chính thức đầu quân làm CEO hãng Vinpearl Air. Với hơn 30 năm kinh nghiệm trong ngành hàng không, ông Đức là một trong những cơ trưởng máy bay Boeing kỳ cựu và là Phó Tổng Giám đốc Hãng hàng không quốc gia. Ông nghỉ hưu cuối năm 2017 và đã tham gia dự án hàng không của Vingroup từ những ngày đầu.

Vinpearl Air của tỷ phú USD Phạm Nhật Vượng vừa được Cục Hàng không Việt Nam đánh giá đủ điều kiện thành lập hãng hàng không. Cơ quan này cũng lưu ý Vinpearl Air về quy mô đội bay 36 chiếc vào năm 2025 có khả năng sẽ vượt quá nhu cầu của thị trường và khuyến nghị Vinpearl Air nên duy trì quy mô 30 máy bay vào năm 2025 là phù hợp.

Hiện tại, Vinpearl Air do bà Nguyễn Thanh Hương (sinh năm 1972) làm người đại diện pháp luật, đồng thời giữ chức Chủ tịch HĐQT. Doanh nghiệp này có 3 cổ đông gồm Công ty Phát triển du lịch VinAsia góp vốn 45%, ông Hoàng Quốc Thủy góp vốn 30% và ông Phạm Khắc Phương góp vốn 25%.

Cuộc đua hiếm có, đại gia ngoại bị tỷ phú Việt gạt ra rìa - 1

Các tỷ phú chiếm lĩnh thị trường hàng không

Một hãng hàng không khác được đánh giá đủ điều kiện thành lập là Vietravel Airlines. Ông Nguyễn Quốc Kỳ, Tổng giám đốc Vietravel cho biết, với tổng mức đầu tư 700 tỷ đồng, Vietravel Airlines dự kiến cất cánh vào quý II năm 2020.

Chọn cảng hàng không quốc tế Phú Bài (tỉnh Thừa Thiên - Huế) làm sân bay căn cứ, doanh nghiệp định hướng khai thác các đường bay phục vụ khách du lịch theo hình thức thuê chuyến (charter).

Đây là hình thức còn mới ở Việt Nam nhưng không xa lạ với các hãng lữ hành lớn trên thế giới. Contour Flight, TNT Vacations, Funjet Vacations, ESO Travel,... đều sở hữu đội bay riêng để phục vụ cho hành khách của mình.

Vietravel Airlines đặt mục tiêu cung cấp khoảng 55% số ghế để đáp ứng khoảng 35-40% nhu cầu của khách du lịch bằng đường hàng không tại công ty mẹ Vietravel.

Cuộc đua hiếm có, đại gia ngoại bị tỷ phú Việt gạt ra rìa - 2

Nhiều gương mặt mới xuất hiện

Ngoài ra, Tập đoàn Thiên Minh của ông Trần Trọng Kiên cũng xin lập hãng hàng không Cánh Diều. Ngày 21/8, một số bộ, ngành đã nhận văn bản đề nghị lấy ý kiến về dự án đầu tư hãng hàng không Cánh Diều (Kite Air) từ Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Quảng Nam.

Đây là dự án của Công ty cổ phần hàng không Thiên Minh, được thực hiện tại Cảng hàng không Chu Lai, huyện Núi Thành, tỉnh Quảng Nam. Tổng mức đầu tư 1.000 tỷ đồng, tương đương 43 triệu USD, trong đó 100% vốn góp của Thiên Minh.

Kite Air dự kiến chuẩn bị xin giấy phép kinh doanh vận tải hàng không trong tháng này. Đến quý I năm sau, nếu được thông qua, hãng sẽ khai thác chuyến bay thương mại đầu tiên.

Đến năm 2024, đội bay của Kite Air dự kiến có quy mô 30 chiếc, trong đó 15 máy bay ATR-72 và 15 máy bay A320/A321 hoặc tương đương. Kế hoạch phát triển đội bay này được chia thành 5 giai đoạn trong 5 năm.

Như vậy, có 3 đơn vị đang làm thủ tục xin lập hãng hàng không, gồm Vingroup với Vinpearl Air, Vietravel với Vietravel Airlines và Thiên Minh với Kite Air.

Ông lớn gặp khó

Thị trường hàng không Việt Nam thay đổi lớn khi có sự góp mặt của hãng hàng không VietJet Air của bà Nguyễn Thị Phương Thảo. Chỉ sau vài năm, hãng hàng không này đã vượt mặt ông lớn Vietnam Airlines chiếm thị phần vận chuyển hành khách lớn nhất. Thị trường càng trở nên sôi động hơn sau khi Bamboo Airways của ông Trịnh Văn Quyết xuất hiện hồi đầu năm nay.

Sự xuất hiện của nhiều hãng hàng không mới khiến "ông lớn" Nhà nước Vietnam Airlines gặp nhiều khó khăn. Hãng này vừa phải điều chỉnh kế hoạch kinh doanh năm 2019 đã được đại hội cổ đông thường niên 2019 thông qua cách đây vài tháng.

Theo đó, Vietnam Airlines đã quyết định giảm kế hoạch doanh thu hợp nhất 2019 hơn 7,1 ngàn tỷ đồng, về mức hơn 104 ngàn tỷ đồng. Hãng cũng điều chỉnh kế hoạch doanh thu năm giảm trong bối cảnh doanh thu 6 tháng đầu năm vẫn tăng khoảng 4,5% so với cùng kỳ năm trước.

Cuộc đua hiếm có, đại gia ngoại bị tỷ phú Việt gạt ra rìa - 3

Đốt tiền sau những giấc mơ bay

Về lợi nhuận, Vietnam Airlines chưa đề cập nhưng trong 6 tháng đầu năm, lãi trước thuế giảm 5,3% so với cùng kỳ và chỉ đạt 47,5% chi tiêu đề ra cho cả năm. Tuy nhiên, nếu điều chỉnh theo chênh lệch tỷ giá theo các qui định hiện hành, HVN có thể ghi nhận lợi nhuận tăng thêm.

Tuy nhiên, Vietnam Airlines cũng có lợi thế của người đi trước và có lợi thế độc quyền tự nhiên với khối lượng tài sản khấu hao đã lâu và chi phí trung bình giảm. Nhưng điều đó cũng không có nghĩa là các hãng hàng không mới không có cơ hội. Vốn dài, tiềm lực tài chính mạnh và công nghệ quản trị tốt hơn,... sẽ hỗ trợ các doanh nghiệp đi sau.

Thị trường hàng không dự báo sẽ đông đúc hơn đồng nghĩa với tình trạng quá tải tại các sân bay lớn có thể xảy ra. Bên cạnh đó, trong cuộc cạnh tranh khốc liệt, nhiều đại gia không đủ tiềm lực sẽ phải rời bỏ cuộc chơi.

Trước đó, ngày 6/1/2015, hãng hàng không Air Mekong của đại gia Đoàn Quốc Việt chính thức bị khai tử sau gần 2 năm xin tạm ngừng khai thác để tái cơ cấu đội tàu bay. Air Mekong được Bộ Giao thông Vận tải cấp phép kinh doanh dịch vụ vận tải hàng không ngày 30/10/2008, đặt sân bay căn cứ ở huyện đảo Phú Quốc, tỉnh Kiên Giang.

Indochina Airlines của đại gia Hà Dũng là hãng hàng không tư nhân thứ 2 ở Việt Nam được cấp phép (sau Vietjet Air) nhưng lại là hãng tư nhân đầu tiên cất cánh. Năm 2009, hãng hàng không này ngừng bay vì thua lỗ và sau đó phá sản, bị thu hồi giấy phép hoạt động kinh doanh vận chuyển hàng không.

Trong khi đó, AirAsia, một đại gia ngoại đã chấm dứt liên doanh với Thiên Minh và Hải Âu, đánh dấu lần thứ 4 thất bại trong việc gia nhập thị trường Việt Nam. Trước đó, đại diện AirAsia khẳng định hãng vẫn đang cùng Thiên Minh Group chuẩn bị để đưa liên doanh AirAsia Việt Nam cất cánh trong thời gian sớm nhất, dự kiến là quý II/2019.

Một hiện diện nước ngoài trên bầu trời Việt Nam là Qantas (Úc) góp vốn trong Jetstar Pacific Airlines nhưng hãng này nhiều năm liền thua lỗ, thị phần sụt giảm và chưa thấy rõ hướng đi.

Theo Duy Anh

VietnamNet