"Cuộc chiến tài sản" của các chủ nợ

Vụ án hai vợ chồng chủ DN tư nhân Quỳnh Dương tại Thái Nguyên phạm tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản và tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản hơn 100 tỷ đồng đã kết thúc phần hình sự.

Tội danh đã rõ ràng và cả hai đang phải chịu hình phạt nghiêm khắc. Tuy nhiên, khối tài sản mà hai vợ chồng trên còn lại sẽ được thi hành án ra sao để đảm bảo quyền lợi cho 27 bị hại ra sao vẫn đang bế tắc.
 

Các cơ quan tổ tụng của Thái Nguyên đã đưa ra những quyết định trái ngược nhau khiến các bị hại bất bình vì không đảm bảo được quyền lợi. Hàng chục miếng đất và những chiếc xe đắt tiền được xác định là tài sản do hai vợ chồng Dương - Anh phạm tội mà có đã nhánh chóng được chuyển giao cho một vài người. Hơn 20 người trong tổng số 28 bị hại hiện vẫn tay trắng, trong số đó có người bị hai vợ chồng chủ DN tư nhân Quỳnh Hương thiếu nợ tới 20 - 30 tỷ đồng.

Trở lại vụ án

DN tư nhân Quỳnh Dương được thành lập từ tháng 5/2004, do ông Võ Khánh Dương làm giám đốc và vợ là Nguyễn Thị Quỳnh Anh làm thủ quỹ, lĩnh vực kinh doanh là “ảnh viện áo cưới”. Theo cáo trạng số 03 của Viện kiểm sát tỉnh Thái Nguyên, ngày 26/1/2011, hai vợ chồng Dương - Anh đã dùng hình thức vay lãi cao của nhiều người để đầu tư kinh doanh tại nhiều nơi như Thái Nguyên, Hà Nội, TP HCM. Với số tiền vay được, hai vợ chồng Dương - Anh đã tiến hành chi phí khá lớn cho quảng cáo thương hiệu “áo cưới Quỳnh Anh”, tài trợ cho hoạt động xã hội và làm từ thiện…
 
Còn phần lớn số tiền được dùng vào việc mua ô tô đắt tiền, mua đất làm nhà, trả lãi xuất tiền vay… Đến cuối năm 2007 và đầu 2008, nhận thấy DN kinh doanh thua lỗ, không có khả năng tiếp tục kinh doanh, hai vợ chồng Dương - Anh đã đẩy mạnh việc vay lãi xuất cao của nhiều người (27 người). Với hình thức vay của người nọ trả cho người kia lãi xuất có lúc lên đến 16,5%/tháng, tổng số tiền mà hai vợ chồng Dương - Anh vay được lên đến hơn 183 tỷ đồng. Đến thời điểm bị khởi tố, điều tra, vợ chồng Dương - Anh mới trả được gần 74 tỷ đồng tiền gốc và lãi. Số tiền còn nợ lại của 27 bị hại là gần 110 tỷ đồng.

Cuộc chiến tài sản của các chủ nợ

Tại bản án hình sự sơ thẩm số 34 ngày 24/11/2011 của Tòa án nhân dân tỉnh Thái Nguyên đã tuyên phạt, Võ Khánh Dương tù chung thân, Nguyễn Thị Quỳnh Anh 30 năm tù giam với hai tội danh lừa đảo chiếm đoạt tài sản và tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản.

Những quyết định trái ngược

Phần hình sự của vụ án thì không có gì đáng phải bàn vì cả tòa sơ thẩm và phúc thẩm đều cùng xác định một mức án với hai vợ chồng Dương - Anh. Tuy nhiên, điểm đặc biệt của vụ án là việc giải quyết phần tài sản do phạm tội mà có còn lại của hai vợ chồng Dương - Anh.

Ông Lương Hùng Long - một bị hại của vụ án cho biết, khi bị khởi tố, cơ quan cảnh sát điều tra tỉnh Thái Nguyên đã tiến hành kê biên hàng chục mảnh đất và hai chiếc xe ô tô đắt tiền, cùng nhiều tài sản giá trị khác. Tổng số tài sản bị kê biên có giá trị khoảng 50 tỷ đồng. Tuy nhiên, ngày 21/1/2011, Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Thái Nguyên đã ban hành 3 quyết định hủy bỏ lệnh kê biên số tài sản trên. Do đó, đến khi vụ án được đưa ra xét xử thì tài sản đã bị tẩu tán hết không còn bất kì tài sản nào để bồi thường cho các bị hại.

Tại phiên tòa phúc thẩm ngày 25/5/2012 của Tòa phúc thẩm Tòa án nhân dân Tối Cao, hội đồng xét xử đã nhận định, “sau khi vụ án được khởi tố, Cơ quan cảnh sát điều tra tỉnh Thái Nguyên áp dụng biện pháp kê biên tài sản đối với các bị cáo Dương, Quỳnh Anh là có căn cứ pháp luật. Việc kê biên tài sản của các bị cáo nhằm đảm bảo trách nhiệm bồi thường thiệt hại của các bị cáo đối với tất cả những người bị hại.

Việc Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Thái Nguyên chỉ căn cứ vào việc các bị cáo và một số người bị hại tự thỏa thuận xử lí tài sản để hủy bỏ lệnh kê biên tài sản của bị cáo là không đúng quy định tại khoản 4, Điều 146 Bộ luật tổ tụng hình sự, vì việc kê biên tài sản trong trường hợp này là cần thiết. Hội đồng xét xử thấy cần tiếp tục phải kê biên các tài sản của bị cáo. Tòa phúc thẩm đã tuyên hủy phần dân sự của bản án sơ thẩm để điều tra, xét xử lại”.

Quyết định hủy bỏ kê biên tài sản của Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Thái Nguyên đã khiến nhiều tài sản có giá trị bị tẩu tán.

Tuy nhiên, ngày 31/5/2013, Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Thái Nguyên có công văn số 149 gửi Tòa án tỉnh Thái Nguyên. Theo Viện kiểm sát, toàn bộ tài sản hủy bỏ kê biên trong vụ án trả cho một số đối tượng, đến nay các đối tượng này đều đã làm thủ tục chuyển nhượng sang tên. Nên việc tiếp tục kê biên những tài sản trên không thuộc thẩm quyền giải quyết của Viện Kiểm sát cũng như cơ quan điều tra.

Tòa án nhân dân tỉnh Thái Nguyên đã thể hiện quan điểm khác hẳn với Viện kiếm sát. Tại phần nhận định của phiên tòa sơ thẩm ngày 27/6/2013 của Tòa án nhân dân tỉnh Thái Nguyên xet xử lại sơ thẩm phần dân sự của vụ án, Hội đồng xét xử thấy rằng, Tòa án đã ba lần trả hồ sơ cho Viện kiểm sát yêu cầu thay đổi quyết định hủy bỏ lệnh kê biên, nhưng Viện kiểm sát không thực hiện được, nên phiên toàn cần phải được tiến hành để kết thúc vụ án.

Thực tế, tại các phiên tòa và nhiều bút lục của vụ án, hai bị cáo Dương, Anh cũng tố cáo bị một số cán bộ các cơ quan tố tụng bắt ép "gán” tài sản cho người khác với giá trị thấp hơn giá thị trường nhưng không được tòa làm rõ. LS Nguyễn Đức Toàn - người bào chữa cho hai bị cáo cũng nhận định, khi hai bị cáo bị khởi tố, bắt tạm giam, cơ quan điều tra đã có quyết định kê biên toàn bộ tài sản của hai bị cáo, thì lý do gì mà Viện kiểm sát lại chấp nhận cho các bị cáo thông đồng với một số bị hại để tẩu tán tài sản?

Các bị hại tiếp tục kháng cáo phần dân sự lên tòa án cấp trên. Tuy nhiên, với những quan điểm và quyết định trái ngược nhau của các cơ quan tố tụng tỉnh Thái Nguyên, vụ việc dường như đang đi vào bế tắc. Phiên tòa phúc thẩm phần dân sự sẽ được tiến hành trong thời gian tới.

Cơ quan tố tụng làm phức tạp thêm vụ án - LS Nguyễn Ngọc Khương - Văn phòng luật sư Doanh Thương (TP Hà Nội)

Bản thân vụ án không có gì phức tạp. Tuy nhiên, chính các cơ quan tố tụng đã làm cho vụ án phức tạp và bất thường. Cả đại diện Viện kiểm sát nhân dân Tối cao và Tòa án nhân dân Tối cao đều xác định việc hủy bỏ ba lệnh kê biên của Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Thái nguyên là vị phạm Điều 76 và khoản 4 Điều 146 Bộ luật Tố tụng hình sự. Tòa Phúc thẩm đã tuyên hủy phần dân sự là để cơ quan tố tụng tỉnh Thái Nguyên phải kê biên toàn bộ số tài sản nói trên.

Tuy vậy, Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Thái Nguyên lại trả lời “toàn bộ các tài sản được hủy bỏ kê biên trong vụ án, đến nay các đối tượng được trả lại tài sản đã làm thủ tục chuyển nhượng sang tên”. Việc trả lời như vậy là cố tình né tránh trách nhiệm của Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Thái Nguyên về việc làm trái của mình trước đó.

Từ việc khu đất tổ hợp ảnh viện áo cưới có giá trị 25 – 30 tỷ đồng đã bị ép bán với giá 8,3 tỷ đến việc chuyển nhượng, sang tên các tài sản của hai vợ chồng Dương – Anh cho một số người đều vi phạm nghiêm trọng về mặt thủ tục. Nhiều hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất nhưng lại để trống không ghi giá chuyển nhượng. Các hợp đồng chuyển nhượng cũng không được chứng thực của các cơ quan có thẩm quyền theo đúng quy định của pháp luật.

Những hợp đồng mua bán và chuyển nhượng như vậy về mặt pháp luật là vô hiệu. Hơn nữa việc xử lý phần dân sự của vụ án tính đến thời điểm này vẫn không có gì khó khăn. Viện trưởng VKSND tỉnh Thái Nguyên chỉ cần ra quyết định hủy bỏ 3 quyết định hủy bỏ lệnh kê biên tài sản ngày 21/1/2011 không có căn cứ pháp luật do ông Dương Quang Hợp- Phó viện trưởng VKSND tỉnh Thái Nguyên ký. Đồng thời, Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Thái Nguyên hoàn toàn có thể kê biên lại toàn bộ các khối tài sản mà các bị cáo đã “tẩu tán” vì đây là vật chứng của vụ án.

Bên cạnh đó, nhưng hành vi cố ý làm trái của một số cá nhân đại diện cho cơ quan tổ tụng trong vụ án cũng cần được làm rõ. Và cần phải khởi tố tội “ra quyết định trái pháp luật” theo điều 296 Bộ luật Hình sự đối với cá nhân người ra quyết định sai trái gây ảnh hướng đến quá trình tố tụng.

Theo Diễn đàn Doanh nghiệp