Cuộc chiến... mì gói

Điều dễ nhận thấy ở thị trường mì ăn liền là quảng cáo đóng vai trò quyết định chứ không phải hương vị hay chất lượng. Vì vậy, cuộc chiến giữa những thương hiệu mì ăn liền thường bắt đầu từ các nội dung quảng cáo.

Acecook VN vừa gửi đơn lên Cục Quản lý cạnh tranh khiếu nại mẩu quảng cáo của Công ty cổ phần hàng tiêu dùng Masan đưa thông tin gây nhầm lẫn về chất lượng mì ăn liền và yêu cầu ngừng truyền thông. Theo Acecook, mẩu quảng cáo này có dấu hiệu của hành vi cạnh tranh không lành mạnh.

 

Phản ứng với hành động của Acecook VN, Công ty cổ phần Masan cũng gửi đơn khiếu nại Acecook lên Cục Quản lý cạnh tranh về hành vi “gây rối hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp khác”. Tất cả bắt đầu từ mẩu quảng cáo mì Tiến Vua bò cải chua đang được phát rộng rãi trên truyền hình, báo chí gần đây.

 

Acecook: quảng cáo gây nhầm lẫn

 

Thông điệp quảng cáo mì Tiến Vua bò cải chua của Công ty cổ phần Masan có nội dung: khi cho nước sôi vào vắt mì, nếu nước trong tô chuyển sang màu vàng đục, chứng tỏ sản phẩm có sử dụng phẩm màu. Với cách so sánh hai hình ảnh vắt mì vàng sậm và vàng nhạt, quảng cáo đã gây ấn tượng mạnh cho người tiêu dùng “mì màu vàng sậm là có sử dụng phẩm màu”.

 

Mẩu quảng cáo trên nhanh chóng nhận được nhiều sự quan tâm của người tiêu dùng bởi mì ăn liền là một sản phẩm gắn với cuộc sống đại đa số người dân VN. Nhiều người tiêu dùng đã băn khoăn: vậy nhiều loại mì đang lưu hành trên thị trường lẫn mì mình từng sử dụng là không an toàn?
 
Cuộc chiến... mì gói - 1
Ở thị trường mì ăn liền, quảng cáo đóng vai trò quyết định chứ không phải hương vị hay chất lượng.

 

Ông Kajiwara Junichi, Tổng giám đốc Công ty Acecook VN, cho rằng quảng cáo đã cung cấp thông tin gây nhầm lẫn cho người tiêu dùng về chất lượng mì, cụ thể mẩu quảng cáo khá lập lờ khi dẫn lời của chuyên gia “nếu nước chuyển sang vàng đục - chứng tỏ sợi mì có nhuộm”.

 

Theo đó, màu sắc của vắt mì sậm hay nhạt, trắng hay không là phụ thuộc thành phần nguyên liệu, thời gian chiên, nhiệt độ chiên, công nghệ. Mà trong đó phẩm màu (nếu có) chỉ là một trong những yếu tố ảnh hưởng đến màu sắc của vắt mì. Vì vậy, nếu có sử dụng phẩm màu thì vắt mì có thể ra màu sậm nhưng không thể suy ngược lại “vắt mì màu sậm là có sử dụng phẩm màu” như thông điệp quảng cáo của Masan.

 

Giám đốc một công ty sản xuất mì ăn liền cho biết khi xem mẩu quảng cáo này bản thân nhiều doanh nghiệp trong cùng lĩnh vực cũng không đồng tình. Những sản phẩm lưu hành trên thị trường đều phải qua kiểm tra vệ sinh an toàn thực phẩm, một khi đạt chuẩn mới cho phép đưa ra thị trường. Ông này cũng cho biết trong sản xuất mì ăn liền, việc sợi mì có màu chỉ nhằm tăng thị giác khi ăn cho người tiêu dùng.

 

Masannói: đúng luật!

 

Hiện nay 80% sản lượng mì ăn liền đang được cung cấp bởi các nhà sản xuất lớn như Công ty thực phẩm Á Châu, Acecook VN, Vifon, Miliket-Colusa... và tất cả sản phẩm đều đáp ứng các tiêu chuẩn an toàn vệ sinh thực phẩm theo luật định. Vì vậy Acecook cho rằng thông điệp quảng áo này đã gây hoang mang, lo sợ quá mức cần thiết cho người tiêu dùng về sử dụng phẩm màu trong ngành mì ăn liền.

 

Trong công văn gửi đến cơ quan báo chí, ông Trương Công Thắng, Tổng giám đốc Công ty cổ phần hàng tiêu dùng Masan, nhấn mạnh sản phẩm mì Tiến Vua có chất lượng hoàn toàn tuân thủ giấy chứng nhận tiêu chuẩn sản phẩm. Nội dung thông điệp quảng cáo mì Tiến Vua cũng đúng với nội dung đã được cơ quan có thẩm quyền duyệt, chấp thuận và chấp hành đúng quy luật pháp luật VN. Đồng thời khẳng định “sản phẩm hoàn toàn không thể làm cho người tiêu dùng bị nhầm lẫn về chất lượng”.

 

Không giải thích về nội dung mẩu quảng cáo, đại diện của Masan chỉ cho rằng việc Acecook cung cấp tài liệu và tự đưa ra kết luận công ty chủ sở hữu nhãn hiệu mì Tiến Vua vi phạm luật cạnh tranh đã làm ảnh hưởng xấu đến uy tín hoạt động của Masan. Do vậy, Masan cũng gửi đơn khiếu nại Acecook lên Cục Quản lý cạnh tranh vì cho rằng Acecook vi phạm pháp luật.

 

Khó chứng minh thiệt hại

 

Trao đổi với PV, đại diện Cục Quản lý cạnh tranh xác nhận đã tiếp nhận hồ sơ của hai doanh nghiệp. Tuy nhiên, nơi này vẫn chưa thụ lý vụ kiện do hồ sơ gửi lên của hai bên còn chưa đầy đủ.

 

Đại diện cục cũng cho biết đến nay vẫn còn quá sớm để kết luận hay đưa ra ý kiến gì nhưng nếu phát hiện có dấu hiệu vi phạm luật cạnh tranh thì cục sẽ xử lý.

 

Trong khi đó, theo các chuyên gia, thị trường mì ăn liền có nhiều đặc biệt hơn so với những sản phẩm thuộc ngành thực phẩm khác. Đây là mặt hàng có độ phủ rất rộng, từ người thu nhập thấp đến cao đều có nhu cầu sử dụng. Điều dễ nhận thấy ở thị trường mì ăn liền là quảng cáo đóng vai trò quyết định chứ không phải hương vị hay chất lượng. Vì vậy, cuộc chiến giữa những thương hiệu mì ăn liền thường bắt đầu từ các nội dung quảng cáo.

 

Theo đại diện Văn phòng luật sư Phạm và liên danh, các mẩu quảng cáo hiện nay dù đón nhận được nhiều luồng ý kiến khác nhau trong giới chuyên môn thì vẫn rất khó bắt lỗi do mức độ gây hại cho người tiêu dùng rất ít hoặc khó chứng minh. Thậm chí đến nay các doanh nghiệp vẫn không xác định được thiệt hại kinh tế mà mẩu quảng cáo đó gây ra.

 

Tuy nhiên, nếu nhìn về hành vi văn hóa ứng xử giữa các doanh nghiệp cùng ngành nghề, rõ ràng mẩu quảng cáo đó đã phần nào tạo nhiều luồng ý kiến không thuận tình.

 

Phải xem lại nếu quảng cáo gây hiểu lầm

 

Ông Nguyễn Xuân Mai, nguyên viện phó Viện Vệ sinh y tế công cộng (Bộ Y tế), cho rằng các mẩu quảng cáo thường dùng thủ thuật hoặc đôi khi nói quá nhằm truyền tải thông điệp của nhà sản xuất đến người tiêu dùng. Tuy nhiên, một mẩu quảng cáo mà nội dung dẫn đến sự hiểu lầm hoặc hiểu sai về kiến thức tiêu dùng, sức khỏe thì cơ quan chức năng cần xem xét.

 

Theo Như Bình

Tuổi trẻ