Cuộc cách mạng về giá cước mang tên VoIP
(Dân trí) - Dịch vụ VoIP tại Việt Nam hiện chiếm đến 60% thị phần điện thoại đường dài trong nước và quốc tế. Theo 1 số chuyên gia CNTT con số này có thể sẽ tăng mạnh trong những năm tới cùng với sự nhận thức rõ hơn của người tiêu dùng về công nghệ VoIP.
VoIP tại Việt Nam hiện ra sao?
VoIP đang được biết đến chủ yếu qua dịch vụ gọi điện thoại đường dài giá rẻ của một số nhà cung cấp chủ yếu như: 178 của Viettel, 171 của VNPT, và 177 của Saigon Postel. Trong số các dịch vụ VoIP này, 178 của Viettel là dịch vụ được cung cấp đầu tiên tại Việt Nam ngày 15/10/2000.
Khi mới xuất hiện, dịch vụ này được biết với cái tên “178 - Mã số tiết kiệm của bạn” vì khi gọi điện thoại đường dài quốc tế hoặc trong nước qua dịch vụ 178 của Viettel, khách hàng sẽ tiết kiệm được khoảng 45% so với các gọi điện thoại đường dài thông thường.
80% lãnh đạo các hãng lớn tại Mỹ, Châu Âu, Châu Á, Châu Phi và Trung Đông đều chọn VoIP (gọi điện thoại dựa trên giao thức IP) để thay thế điện thoại truyền thống. Chỉ có 6% là cảm thấy lưỡng lự khi muốn chuyển đổi.
Đây là nghiên cứu mới nhất của Hãng nghiên cứu Intergrated Research (Mỹ) khi thực hiện 1.323 cuộc phỏng vấn các nhà lãnh đạo của các tập đoàn hàng đầu trên thế giới. |
Sau khi VOIP xuất hiện, cước chỉ còn tính theo 3 vùng với mức cước giảm trên 60%. Còn đối với gọi quốc tế, mức cước còn giảm khủng khiếp hơn. Nếu như trước đây giá cước quốc tế được chia thành 7 vùng với mức cao nhất là 2,9 USD/phút thì giờ đây khách hàng chỉ còn phải trả 0.048 USD/6 giây (không kể vùng) cho dịch vụ VoIP 178.
Như vậy, mức giá gọi quốc tế đã giảm 6 lần, đây là chưa kể đến mức giảm cước do cách tính cước mới, ưu việt hơn đem lại: 6 giây + 6 giây. Nếu như trước đây, khách hàng phải mất tối thiểu hàng chục ngìn cho một cuộc gọi thì nay với dịch vụ VoIP, khách hành chỉ phải trả khoảng vài nghìn đồng một cuộc gọi (tối thiểu là 768 đồng cho 1 một cuộc gọi nếu sử dụng dịch vụ 178) và chỉ cần bấm 178 trước cách gọi thông thường.
Khi mới ra đời, dịch vụ VoIP còn có nhiều điểm hạn chế so với dịch vụ gọi điện thoại đường dài truyền thông như thời gian kết nối lâu, cuộc gọi có khả năng bị đứt giữa chừng, tiếng thoại có độ trễ, kết nối lúc được lúc không. Tuy nhiên, sau hơn 5 năm kể từ ngày chính thức được cung cấp tại Việt Nam, dịch vụ gọi VoIP đã có những bước tiến lớn về chất lượng.
Ông Lê Đăng Dũng, Phó Tổng giám đốc Tổng công ty Viễn thông Quân đội cho biết: “Cùng với sự phát triển rất mạnh của công nghệ VoIP, các cuộc gọi của VoIP nói chung đã có chất lượng giống hệt như gọi truyền thống. Tuy nhiên, gọi VoIP lại có giá rẻ hơn rất nhiều. VoIP sẽ là sự lựa chọn khôn ngoan và là lựa chọn tất yếu trong tương lai”.
Câu chuyện về giá cước
Kể từ khi bắt đầu có dịch vụ VoIP tại Việt Nam, dịch vụ này được mọt số nhà cung cấp tính cước theo phương thức 1+1 tức là các cuộc gọi chưa đến 1 phút thì tính bằng 1 phút. Chỉ có duy nhất Viettel đã làm cuộc cách mạng tính cước theo block 6 giây cho tất cả các dịch vụ của mình trong đó có 178.
Theo tính toán của các chuyên gia, với phương thức tính cước block 6 giây khi sử dụng dịch vụ 178 để liên lạc đường dài trong nước và quốc tế khách hàng sẽ giảm được tới 15% chi phí so với việc tính cước của các nhà cung cấp VoIP khác và giảm khoảng 40% so với dịch vụ gọi truyền thống. Với cách tính cước như vậy, khách hàng chỉ phải trả đúng những gì mà họ sử dụng.
Năm 2004 được đánh giá là năm VoIP phát triển và ứng dụng rất mạnh tại nhiều công ty lớn. Nguyên nhân chính là nó giúp các công ty giảm chi phí điều hành.
Theo dự báo trong tương lai khi những nhà cung cấp VoIP tại Việt Nam áp dụng cách tính cước 6 giây như Viettel thì thị trường này sẽ có sự cạnh tranh vô cùng sôi động và dĩ nhiên người tiêu dùng sẽ có nhiều sự lựa chọn phù hợp.
Với những đặc điểm ưu việt như vậy, chắc chắn VoIP tại Việt Nam sẽ không mất thời gian quá lâu để chiếm một vị trí thống trị tuyệt đối trong dịch vụ điện thoại đường dài trong nước và quốc tế.
Thanh Ngọc - Minh Tuấn