Cùng doanh nghiệp vượt qua đại dịch
(Dân trí) - Phải nói rằng, tác động của dịch Covid-19 tới hoạt động của các doanh nghiệp nói riêng và các thành phần kinh tế khác nói chung là rất lớn.
Do vậy, thực hiện chỉ đạo của Chính phủ trong việc hỗ trợ các doanh nghiệp và người dân của ngành ngân hàng là rất quan trọng. Và Vietcombank đã có một chương trình tổng thể hạ lãi suất cho các đối tác của mình là khách hàng doanh nghiệp và khách hàng cá nhân.
Để thấy được sự hỗ trợ và vào cuộc của Vietcombank, xin giới thiệu cùng bạn đọc những cuộc trao đổi ngắn với một số đối tác.
Ông Lê Minh Chuẩn - Chủ tịch Hội đồng thành viên Vinacomin: Sự vào cuộc kịp thời
Ngay từ đầu dịch covid, Vietcombank đã chủ động cùng với Tập đoàn Than – Khoáng sản Việt Nam (Vinacomin) trao đổi và thống nhất nhằm đi đến hỗ trợ cụ thể với ba điều khoản hợp tác hỗ trợ: Một là, tăng hạn mức tín dụng cho Tập đoàn từ con số 3,000 tỷ theo kế hoạch lên 9,000 tỷ. Hai là, giảm lãi suất vay của Tập đoàn tại Vietcombank theo tinh thần của Thủ tướng và Thống đốc NHNN, đó được xem là sự hỗ trợ của các tổ chức ngân hàng đối với thành phần kinh tế. Ba là, hai bên đã thống nhất Vietcombank sẽ tìm những nguồn tài chính có lãi suất tốt để hỗ trợ, giúp Tập đoàn thực hiện những dự án lớn, trọng điểm để phát triển.
Và phải nói, đây là sự vào cuộc kịp thời và chủ động của Vietcombank. Sự chia sẻ và chung sức của Vietcombank đối với các thành phần kinh tế và đối với bạn hàng truyền thống là rất ý nghĩa để vượt qua khó khăn và tác động của dịch, nhất là đối với dự án đầu tư có nguồn gốc, sự tham gia của các yếu tố nước ngoài, tiếp đến là vấn đề nhập khẩu thiết bị, vật tư từ nước ngoài. Đặc biệt, với Vinacomin, còn là vấn đề nhập khẩu than từ nước ngoài về phục vụ cho an ninh năng lượng quốc gia. Nhờ có sự hợp tác của Vietcombank nói riêng và các tổ chức tài chính khác đã giúp Tập đoàn vượt qua được khó khăn để gần 10,000 người lao động được ổn định, yên tâm làm việc.
Mặt khác, việc giảm lãi suất của Vietcombank còn giúp Vinacomin giảm được chi phí trong giá thành sản xuất để từ đó tăng sức cạnh tranh của sản phẩm trên thương trường, đồng thời giảm thiểu chi phí tài chính hỗ trợ hiệu quả cho sản xuất kinh doanh của ngành.
Ông Dương Trí Thành -Tổng Giám đốc Vietnam Airlines: VNA sẵn sàng cho các kịch bản
Có thể nói đại dịch gây ảnh hưởng nặng nề trực tiếp đến ngành giao thông vận tải, đặc biệt là hàng không, khi mà cả thế giới từng nước một hạn chế đi lại và di chuyển gần như về không, gần như dừng lại toàn bộ ngành. Mặc dù VNA đã chủ động cắt giảm chi phí phát sinh do hoạt động sản xuất kinh doanh, chi phí gián tiếp như đội ngũ lao động phi công tiếp viên, hiện cũng dừng bay từ 90-95%, toàn bộ lực lượng quản lý gián tiếp giảm tới 80%, và thậm chí không hưởng lương, tuy nhiên thâm hụt cân đối giữa thu và chi rất lớn, riêng quý 1 lỗ hạch toán lên đến 1.800 đến 2.000 tỷ đồng.
Từ thời điểm dịch bệnh bùng phát ngày 23/01 đến cuối tháng 3/2020, Vietcombank đã cho vay mới hơn 41.200 tỷ đồng để khách hàng duy trì sản xuất kinh doanh và cân đối dòng tiền. Tổng dư nợ của các khách hàng gặp khó khăn tạm thời được giữ nguyên nhóm nợ từ đầu năm đến nay hơn 8.200 tỷ đồng, đồng thời ngân hàng cũng tiếp tục xem xét các trường hợp trong tổng số hơn 50.000 tỉ đồng dư nợ cho vay bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19.
Tiếp đến ngày 1/4/2020, Vietcombank triển khai gói tín dụng 30.000 tỷ đồng với lãi suất cho vay giảm 2-2,5% so với mặt bằng hiện nay. Các doanh nghiệp sản xuất mặt hàng thiết yếu được giảm tới 2,5% một năm và được hưởng mức lãi suất chỉ 4,5-5% một năm.
Trong tất cả giải pháp ngay từ đầu chúng tôi làm, bên cạnh nỗ lực nội bộ tự lực cánh sinh, việc hợp tác với các bạn hàng, nhà cung ứng dịch vụ, các tổ chức tài chính và ngân hàng cung ứng nguồn tín dụng để hoạt động là nhiệm vụ hàng đầu. Trong đó Vietcombank là ngân hàng đầu tiên tiếp cận với VNA. Ngay khi dịch bùng phát sau tết âm lịch, Vietcombank đã có động thái trợ giúp VNA về việc giảm lãi suất với định hướng, tinh thần trợ giúp bạn hàng truyền thống trong thời điểm khó khăn và chúng tôi đánh giá rất cao Vietcombank.
Cụ thể, hai bên đã cùng trao đổi để tìm ra các giải pháp và định hướng trong đó tái cơ cấu khoản vay, xác định lại các vấn đề về thời hạn thanh toán cũng như đặc biệt triển khai các gói tín dụng nằm trong hạn mức đã thống nhất, đẩy nhanh quá trình thực hiện, cũng như tìm ra các giải pháp mới trong khi chia sẻ nhiều thông tin về tài chính, các thương vụ VNA đang nghiên cứu, giải quyết với các công ty cho thuê máy bay. Trước mắt, chúng tôi đã bán thành công 5 máy bay A321 cũ và trong thời gian ngắn tới đây sẽ tiếp tục có giải pháp các gói cho thuê tài chính, Vietcombank và các Công ty con sẽ thực hiện các nghiệp vụ, trực tiếp giải quyết các vấn đề của VNA về dòng tiền, cũng là mở mang thêm các phạm vi, dịch vụ về tài chính mà Vietcombank có thể hỗ trợ cho Doanh nghiệp, cụ thể là VNA.
Trong quá trình chuẩn bị cho việc phục hồi, chúng tôi sẵn sàng cho các kịch bản, đã và đang hết sức chủ động trong việc đưa ra các phương án để mở lại các đường bay khi mà việc khởi động lại nền kinh tế trong nước cũng như quốc tế cần phải thực hiện. Nhiệm vụ trên gắn với hai mục tiêu chính, trước mắt là phục vụ cho nhiệm vụ chính trị và sau đó là khai thác tối đa năng lực sản xuất, tàu bay, phi công, tiếp viên - lực lượng mà chúng tôi đang duy trì trong thời gian khó khăn này.
Bà Nguyễn Thị Thu Hà - Phó Tổng Giám đốc Công ty CP Phát triển Tùng Lâm: Giảm áp lực cho doanh nghiệp
Là doanh nghiệp đầu tư và phát triển các dịch vụ du lịch tại Khu di tích lịch sử và danh thắng Yên Tử, hoạt động kinh doanh và tình hình tài chính của Công ty CP phát triển Tùng Lâm cũng đang chịu tác động rất lớn, cụ thể: doanh thu và dòng tiền của công ty tập trung chủ yếu 3 tháng lễ hội đầu năm và chiếm 80% tổng doanh thu cả năm.
Dịch bệnh xảy ra ngay từ những ngày đầu tháng 1 âm lịch và diễn biến phức tạp dẫn đến việc ngày 12/03/2020 tỉnh Quảng Ninh phải quyết định đóng cửa khu di tích Yên Tử và các điểm thăm quan khác trong toàn tỉnh và tiếp theo là Chính phủ thực hiện giãn cách xã hội từ ngày 01/04/2020 nên trong thời gian vừa qua lượng khách đến Yên Tử giảm 90% so với cùng kỳ, 95% các đoàn khách đã báo hủy dịch vụ. Dự kiến tổng doanh thu năm 2020 của Công ty giảm 65% tương đương 224 tỷ đồng so với doanh thu năm 2019 và giảm 72% tương đương 323 tỷ đồng so với kế hoạch năm 2020 đã xây dựng.
Trong thời gian qua, Công ty đã triển khai đầu tư Dự án Trung tâm lễ hội và dịch vụ du lịch Yên Tử và dự án Nâng công suất hệ thống cáp treo với tổng mức đầu tư gần 2.500 tỷ đồng. Các hạng mục của dự án đã cơ bản được hoàn thiện và đưa vào vận hành đang tạo ra sức hút, sự quan tâm rất lớn từ du khách trong và ngoài nước. Tuy nhiên, công ty cũng chịu áp lực rất lớn từ chi phí lãi vay và trả nợ gốc hàng năm đối với khoản đầu tư trên đối với các ngân hàng.
Trước những khó khăn của doanh nghiệp, Vietcombank chi nhánh Quảng Ninh đã tiến hành đánh giá mức độ thiệt hại và tư vấn cho công ty các giải pháp tài chính và đến thời điểm này công ty đã được giảm 1,5% lãi suất vay các dự án trung dài hạn từ ngày 11/2 đến 30/4/2020 và thực hiện cơ cấu các khoản nợ gốc và lãi ngắn hạn, dài hạn giúp giảm chi phí lãi vay cũng như giảm áp lực trả nợ gốc và lãi đến hạn trong năm 2020.
Ngày 15/4/2020, Vietcombank tiếp tục triển khai giai đoạn 2 giảm lãi suất cho vay, cụ thể như sau:
- Giảm tới 10% số tiền lãi phải trả ngân hàng cho các khách hàng bị ảnh hưởng trực tiếp bởi dịch Covid-19. Thời gian giảm lãi suất từ ngày 15/04/2020 đến hết ngày 30/09/2020.
- Giảm 5% số tiền lãi phải trả ngân hàng các khách hàng bị ảnh hưởng gián tiếp bởi dịch Covid-19. Thời gian giảm lãi suất từ ngày 15/04/2020 đến 30/6/2020.
Tổng số khách hàng được giảm lãi suất đợt 2 là 90 ngàn khách hàng với quy mô tín dụng là 300 ngàn tỷ đồng, chiếnmgần 50% dư nợ hiện hữu tại Vietcombank. Đối tượng giảm lãi suất đợt 2 không bao gồm các khoản dư nợ đang được áp dụng chính sách ưu đãi lãi suất của Vietcombank nhưng cùng với đợt giảm lãi suất trên diện rộng lần này, dự kiến lợi nhuận của Vietcombank chia sẻ cho khách hàng trên 2.240 tỷ đồng.
Mỹ Trang - Trường Thịnh