Cùng chế tạo nắp bình xăng ô tô: Giá tại Việt Nam đắt gấp 2,5 lần Thái Lan
(Dân trí) - Chuyên gia và lãnh đạo doanh nghiệp sản xuất linh phụ kiện ô tô cho biết, chi phí sản xuất nắp bình xăng xe hơi tại Việt Nam đắt gấp 2,5 lần Thái Lan do chính sách thuế phí chưa đến nơi cần đến.
Tại cuộc tọa đàm Chính sách thuế và vai trò của Hải quan trong việc thúc đẩy công nghiệp ô tô Việt Nam mới tổ chức tại Hà Nội hôm nay (3/11), đại diện doanh nghiệp làm về thiết bị hỗ trợ cho ngành ô tô và chuyên gia mổ xẻ, phân tích vì sao giá xe hơi Việt, thiết bị xe hơi tại Việt Nam lại đắt hơn nhiều so với Thái Lan, Indonesia.
Ông Nguyễn Trung Hiếu - Trưởng Tiểu ban chính sách, Hiệp hội các nhà sản xuất ô tô Việt Nam (VAMA) - cho rằng để sản xuất ra một nắp bình xăng xe hơi, giá cả tại Việt Nam không có tính cạnh tranh so với Thái Lan.
Tại Thái Lan, giá một chiếc nắp bình xăng bán ra là 1,5 USD, còn ở Việt Nam là 3,8 USD. Với giá như vậy, doanh nghiệp mua của doanh nghiệp ở Việt Nam để lắp ráp sẽ khiến giá xe bị đắt hơn 2,3 USD so với ở Thái Lan. Nếu tất cả phải mua trong nước, giá xe sẽ cao hơn nhiều. Điều đó có thể giải thích là nội địa hoá ở các linh kiện trong nước khó có lợi thế so với nhập khẩu.
"Đây là điều mà nhiều người nói là chi phí sản xuất xe hơi tại Việt Nam đắt hơn Thái Lan, Indonesia từ 10-20%/chiếc xe" - ông Hiếu nói.
Cũng về chủ đề giá chiếc nắp bình xăng - ông Phạm Văn Tuấn - Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Eco Việt Nam - cho biết: "Yếu tố nguyên vật liệu cho chiếc nắp bình xăng ảnh hưởng rất lớn đến giá thành và chi phí bán ra. Ví dụ Toyota sản xuất 180.000 chiếc xe/năm chẳng hạn, trung bình nguyên liệu cho nắp bình xăng là 0,5kg, như vậy, nguyên liệu sản xuất là 90 tấn".
Theo vị Giám đốc doanh nghiệp tư nhân này, đối với một doanh nghiệp nhỏ, để mua 90 tấn nguyên liệu làm nắp bình xăng rất khó và không ai bán và cũng không thể mua chừng ấy tấn bởi vì phải lưu kho, lưu bãi. Hơn nữa đâu phải công suất 180.000 chiếc xe/năm của Toyota là một mẫu xe và đặt cho một doanh nghiệp làm. Vì vậy, doanh nghiệp chỉ có thể nhập nguyên vật liệu số lượng nhỏ rồi sản xuất dần.
"Chúng tôi thường mua 20 tấn nguyên vật liệu để sản xuất lắp bình xăng, các chi phí hải quan, lưu kho - cảng, logistics chiếm từ 8-10% trong chi phí nguyên vật liệu, sau đó là thuế nhập khẩu, thuế chống bán phá giá..." - ông Tuấn nói.
Cũng theo vị này, tùy theo đợt nhập, chi phí về vật liệu kể trên chiếm từ 60-70% thậm chí có lúc chiếm 80-90% chi phí để sản xuất ra chiếc nắp bình xăng, còn lại là chi phí nhân công, lãi suất, suất công nghệ, khấu hao máy móc...
"Cùng một chiếc nắp bình xăng như nhau, ở Thái Lan chi phí nguyên vật liệu chỉ khoảng là 0,8 USD/chiếc nên giá nắp bình xăng chỉ ở ngưỡng 1,5 USD/chiếc. Tại Việt Nam, chi phí nguyên vật liệu đã chiếm từ 1,1 đến 1,2 USD/chiếc, cộng với giá các loại lãi suất, nhân công, khấu hao nên giá bán ra của nắp bình xăng lên ngưỡng 3,8 USD/chiếc" - ông Tuấn so sánh và thông tin: Doanh nghiệp phụ trợ Việt Nam quy mô nhỏ, chỉ có thể nhập ít nguyên liệu, vừa làm vừa lo hợp đồng, chủ động công nghệ và giao hàng. Họ nhập ít nên không có đơn vị nào cung cấp trực tiếp vật liệu cho. Trong khi đó, việc hoàn thuế lại áp dụng cho doanh nghiệp làm thủ tục nhập khẩu.
Đại diện Công ty Eco Việt Nam cho biết, hiện chỉ các công ty nhập linh kiện trực tiếp mới được hoàn thuế, miễn thuế nhập khẩu, còn những công ty nhập lại nguyên vật liệu của đơn vị nhập khẩu, nhưng thực chất họ làm ra sản xuất, chế biến sau thì không được hoàn thuế. Chính vì vậy, thời gian tới, Bộ, ngành và Chính phủ cần xem xét có cơ chế hoặc chính sách phù hợp để ưu đãi đúng và trúng đối tượng.