Cụm “Made in China” đã lỗi thời

(Dân trí) - Hiện nay, một sản phẩm trong chuỗi cung ứng toàn cầu được sản xuất từ nhiều linh kiện từ nhiều nước khác nhau. Đã đến lúc cần thay đổi cách tính toán thương mại toàn cầu. Tác giả bài viết là Tổng Giám đốc Tổ chức thương mại quốc tế (WTO).

Cụm “Made in China” đã lỗi thời - 1
Sản phẩm “Made in China” tràn ngập thị trường thế giới
 
Khoảng 30 năm trước đây, sản phẩm được lắp ráp tại một nước và sử dụng linh kiện, phụ kiện từ chính nước đó. Việc tính toán về thương mại toàn cầu hết sức dễ dàng.

Năm 2011, mọi chuyện đã khác. Sản xuất phát triển nhờ chuỗi cung ứng toàn cầu trong khi đó phần lớn hàng nhập khẩu thực tế cần được gắn mác “sản xuất toàn cầu (made globally) chứ không phải “made in China” hay cái gì tương tự như vậy. Việc đưa ra các sự phân biệt trên không mang tính học thuật.

Khi yếu tố mất cân bằng thương mại khiến chính phủ các nước giàu đau đầu, cách thức tính toán về thương mại toàn cầu chỉ khiến căng thẳng địa, chính trị bùng nổ ở thời điểm mà sự hợp tác cần thiết hơn bao giờ hết.

Thương mại quốc tế hiện nay được tính toán dựa trên giá trị tổng. Tổng giá trị thương mại của hàng nhập khẩu được gắn với nước xuất xứ duy nhất khi hàng hóa đến được tay khách hàng.

Lý thuyết này hiệu quả khi nhà kinh tế học David Ricardo còn sống cách đây 200 năm, khi ấy, người Bồ Đào Nha buôn rượu làm tại Bồ Đào Nha và mua về hàng may mặc của Anh được sản xuất tại Anh.

Thế nhưng ngày nay, định nghĩa về nước xuất xứ không còn phù hợp nữa. Cái chúng ta coi như “made in China” thực tế được lắp đặt tại Trung Quốc thế nhưng giá trị thương mại của nó bắt nguồn từ nhiều nước khác trước dây chuyền lắp đặt đó. Như vậy không còn phù hợp khi nghĩ đến thương mại trên phương diện họ và chúng ta.

Quan điểm đưa ra ở trên không cho rằng mọi căng thẳng thương mại quốc tế sẽ biến mất chỉ sau 1 đêm nếu chúng ta thay đổi cách tính toán về thương mại. Thế nhưng nếu chúng ta muốn tranh luận về điều gì đó quan trọng như mất cân bằng thương mại, chúng ta cần tính toán dựa trên thực tế.

“Bức tranh” thương mại bị bóp méo sẽ làm các mối quan hệ song phương căng thẳng hơn và tâm lý chống thương mại sẽ trở nên tồi tệ hơn ở thời điểm các biện pháp bảo hộ vốn đã nhiều.

Các chuyên gia kinh tế bao lâu nay đã bỏ đi quan điểm thương mại là trò chơi ăn thua thế nhưng bối cảnh chính trị và thị trường hiện nay đã khiến người ta nghĩ nhiều đến quan điểm cũ kỹ đó. Khủng hoảng khiến mọi chuyện trầm trọng hơn thậm chí ở thời điểm sản xuất toàn cầu đã khiến sự phân biệt giữa “họ” và “chúng ta” rộng hơn.

Điện thoại iPhone của Apple minh họa rõ nhất cho sản xuất năm 2011. iPhone được lắp ráp tại Trung Quốc, xuất khẩu sang Mỹ và một số nơi khác. Tuy nhiên linh kiện đến từ nhiều nước khác nhau. Theo nghiên cứu mới nhất của Ngân hàng Phát triển châu Á, điện thoại này đóng góp 1,9 tỷ USD vào thâm hụt thương mại Mỹ - Trung nếu sử dụng định nghĩa nước xuất xứ thông thường.

Tuy nhiên nếu iPhone xuất từ Trung Quốc sang Mỹ được tính theo giá trị gia tăng, tức giá trị mà Trung Quốc thêm vào sản phẩm, con số trên chỉ còn 73,5 triệu USD.

Không chỉ điện thoại, ngay cả ô tô, máy bay, hàng điện tử và thậm chí cả quần áo, đang được làm tại nhiều nước. Không một chiếc máy bay thương mại nào có thể được sản xuất với linh kiện chỉ từ một nước.

Các nhà lãnh đạo biết rằng căng thẳng thương mại sẽ tạo ra ảnh hưởng tồi tệ đặc biệt trong kỷ nguyên chuỗi cung ứng toàn cầu. Thuế nhập khẩu, tệ quan liêu hay sự chậm trễ hoặc chi phí vận chuyển hàng tăng lên sẽ khiến chi phí lên cao. Số liệu thương mại truyền thống khiến sự đối đầu còn tồi tệ hơn.

Ngọc Diệp
Theo Financial Times