“Cửa” cho vay cầm cố chứng khoán dần khép lại
(Dân trí) - “Phó Thủ tướng thường trực Nguyễn Sinh Hùng đã kết luận Ngân hàng Nhà nước giới hạn tỷ lệ cho vay chứng khoán không vượt quá 3% là đúng. Phải có biện pháp quản lý” - Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Lê Đức Thuý trao đổi với báo giới về vấn đề cho vay chứng khoán vừa chính thức được áp dụng.
Thống đốc có thể cho biết tỉ lệ các ngân hàng cho vay cầm cố chứng khoán hiện nay như thế nào?
Theo thông tin chúng tôi kiểm tra được thì chỉ có 12 ngân hàng đã có dư nợ cho vay đầu tư, kinh doanh chứng khoán vượt hạn mức 3% tổng dư nợ mà Ngân hàng Nhà nước mới đưa ra. Tỷ lệ này tính bình quân chung của các ngân hàng TMCP là khoảng 7%.
3% là tỷ lệ căn cứ vào thực tế hiện nay có thể chấp nhận được để kiểm soát hoạt động cho vay. Còn những ngân hàng chưa cho vay đến mức 3% thì trong phạm vi ngân hàng trước đây không cấm. Nhiều ngân hàng không cho vay đến 3% do họ tự nhận thức những rủi ro và tự kiểm soát các hoạt động của mình.
Còn đối với những ngân hàng đã cho vay nhiều hơn thì làm thế nào? Tôi đã chuẩn bị và đang hoàn chỉnh quyết định hướng dẫn phải có thời hạn buộc các ngân hàng cho vay vượt quá mức 3% rút dần dư nợ đưa về tỷ lệ cho phép.
Thưa Thống đốc, Chỉ thị 03 của Ngân hàng Nhà nước về tỷ lệ cho vay chứng khoán vừa qua không vượt quá 3% có phải là biện pháp can thiệp hành chính vào thị trường hay không?
Chỉ thị 03 không phải là can thiệp hành chính vào thị trường, nhưng theo nghĩa nào đó là đúng, vì ra lệnh “không được phép” là một can thiệp hành chính. Nhưng về phía quản lý nhà nước thì không thể để thị trường tự điều tiết mà thiếu sự quản lý. Hoạt động ngân hàng là hoạt động liên doanh có điều kiện.
Vì vậy, để đảo bảo sự ổn định vĩ mô và đảm bảo sự phát triển bền vững của các hoạt động kinh doanh tiền tệ, tín dụng thì phải cần những biện pháp mang tính hành chính nhưng có cơ sở kinh tế của nó.
Còn về mức quy định 3%, cũng đã có nhiều ý kiến đồng thuận và không tán thành trên báo chí. Ngân hàng Nhà nước đưa ra chủ trương đó là căn cứ vào chỉ đạo lâu nay của Thủ tướng Chính phủ - cần phải kiểm soát rất chặt chẽ luồng vốn tín dụng ngân hàng đổ vào thị trường chứng khoán, đảm bảo sự phát triển bền vững.
Vậy thì, biện pháp can thiệp hành chính đó có mâu thuẫn với quyền tự chủ hay không, khi mà thời gian qua, Ngân hàng Nhà nước đang dần trao quyền tự chủ cho các ngân hàng thương mại?
Tôi xin khẳng định là Ngân hàng Nhà nước đưa ra chủ trương đó là căn cứ vào những chỉ đạo lâu nay của Thủ tướng Chính phủ.
Ngân hàng Nhà nước đã thi hành một loạt biện pháp như cảnh báo về những rủi ro; đưa mức dự phòng rủi ro trong cho vay đầu tư, kinh doanh chứng khoán lên 150%; đã nghiêm cấm các tổ chức tín dụng cho vay đầu tư chứng khoán thông qua công ty chứng khoán của mình nhưng tất cả những nỗ lực ấy chưa đem lại sự giảm sút đáng kể trong nguồn vốn tín dụng đổ vào thị trường chứng khoán.
Còn về quyền tự chủ, đúng là nguyên tắc hoạt động của các tổ chức tín dụng là phải tôn trọng quyền tự chủ kinh doanh, tự chịu trách nhiệm. Nhưng những yêu cầu có tính chất để đảm bảo an toàn hệ thống thì không thể chỉ dựa vào cái cớ tự chủ kinh doanh mà không chịu các biện pháp quản lý hành chính trong đó được.
Cho nên tùy vào từng nền kinh tế mà cơ quan quản lý có thể đưa ra hoặc những biện pháp cảnh cáo, hoặc những biện pháp kinh tế, kể cả những biện pháp hành chính để giữ cho hệ thống ổn định. Trả lời cho câu hỏi: Chủ trương của Ngân hàng Nhà nước có ảnh hưởng đến tinh thần tự chủ trong kinh doanh của doanh nghiệp không? Đó là sự tự chủ trong khuôn khổ. Tự chủ có thể có lúc rộng lúc hẹp.
Vậy tại sao Ngân hàng Nhà nước lại đưa ra tỉ lệ 3% mà không phải là một con số khác?
Có nhiều ngân hàng TMCP nhỏ cho vay vượt rất xa tỷ lệ 3%. Ngân hàng đó tự nghĩ là mình không rủi ro. Nhưng khi rủi ro đến với một số ngân hàng này sẽ làm ảnh hưởng đến toàn hệ thống. Do đó, chúng ta phải có mức khống chế 3%.
Theo thống kê chúng tôi nắm được so với đầu năm thì cho vay chứng khoán theo nghĩa cầm cố chứng khoán để tiếp tục đầu tư chứng khoán của cả hệ thống chiếm 2,6% tổng dư nợ. Đến thời điểm tháng 5 vừa rồi mới chỉ giảm 0,1%, còn 2,5%. Tức là tác dụng của những biện pháp trên vẫn chưa đủ mạnh.
Khi Ngân hàng Nhà nước ra chỉ thị 03 về tỷ lệ cho vay chứng khoán không được vượt quá 3% có tính đến các tổ chức tín dụng vượt quá sẽ tạo áp lực lớn đến khách hàng của các tổ chức đó, buộc họ phải bán tháo gây hiện tượng xuống giá cổ phiếu không?
Khi khách hàng đã ký kết hợp đồng tín dụng với ngân hàng thì giữa ngân hàng và khách hàng phải căn cứ vào hợp đồng tín dụng cho vay, thời hạn quy định trong hợp đồng để trả nợ. Như vậy, áp lực chỉ đối với khách hàng có ý định dùng tiền vay ngân hàng để chơi chứng khoán, không phải cho những người đã vay rồi.
Đồng chí Phó Thủ tướng Thường trực Nguyễn Sinh Hùng cũng đã kết luận Ngân hàng Nhà nước làm như thế là đúng. Đồng chí Phó Thủ tướng cũng là người đầu tiên dẫn đoàn đi nghiên cứu về thị trường chứng khoán và đi đến nước nào cũng được khuyến cáo là ngân hàng không nên cho vay cầm cố chứng khoán.
Xin cám ơn ông!
Nguyễn Hiền (ghi)