Cứ sáng ra lãi trăm triệu đồng, cô gái trẻ phút chốc có tiền tỷ và kết đắng

“Có thời điểm, mỗi sáng mở mắt nhìn bảng điện tử thấy lãi cả trăm triệu đồng, tôi đã tính đến chuyện mua nhà, mua xe hơi. Giá như hồi đó quyết bán thì tôi đã có tất cả”.

"Chơi" bài bản theo phân tích kỹ thuật cũng "chết" như thường

Năm 2006, Thùy Chi (tên nhân vật đã được thay đổi), một nữ phóng viên trẻ đầy tham vọng bắt đầu dấn thân vào “nghiệp” chơi chứng khoán. Đó cũng là thời điểm thị trường chứng khoán Việt Nam phát triển quá nóng, nóng đến mức một cô gái vốn nhạy bén như Thùy Chi khó có thể đứng ngoài cuộc chơi.

Vốn xuất phát từ một sinh viên chuyên ngành kinh tế, cô hiểu rằng việc đầu tư vào những mã cơ bản, tuy không đem lại lợi nhuận đột biến nhưng cũng khó có thể thua lỗ nặng, quan trọng hơn cả là những doanh nghiệp này có lịch sử chia cổ tức đều đặn cho cổ đông.

Vì vậy mà những mã cổ phiếu như FPT, VNM, SAM, REE,… luôn có trong danh mục đầu tư của Thùy Chi. Nhờ sự bùng nổ của thị trường trong 2 năm 2006-2007, nữ nhà báo trẻ công tác tại một tờ báo điện tử với mức thu nhập chưa vượt 5 triệu đồng đã có trong tay tiền tỷ, một con số đáng mơ ước đối với đồng nghiệp và bạn bè cùng trang lứa.

Kinh nghiệm lướt sóng khiến cho cô trở nên mạo hiểm hơn, từ đó danh mục đầu tư của cô có thêm mã cổ phiếu ưa thích là VSP – cổ phiếu của CTCP Vận tải biển và Bất động sản Việt Hải.

Ròng rã hàng năm trời hầu như chỉ tập trung lướt sóng với “con tàu” VSP, từ mức giá ban đầu hơn 20.000 đồng/cp, Thùy Chi liên tục mua vào rồi lại bán ra. Trong men say chiến thắng, cô gần như quên mất khái niệm rớt giá đối với mã cổ phiếu này khi nó liên tục trong xu hướng tăng giá.

Từ một doanh nghiệp gần như vô danh, không có nhiều tiềm lực, nhưng cổ phiếu VSP leo lên mức giá 49.000 đồng/cp cũng là thời điểm giá trị cổ phiếu của Thùy Chi đạt ngưỡng 4 tỷ đồng.

“Tôi đã bỏ ra không ít tiền để theo học các lớp dạy phân tích cơ bản và phân tích kỹ thuật vào mỗi buổi tối. Việc theo đuổi VSP cũng là kết quả của việc tôi dựa vào phân tích kỹ thuật” – Thùy Chi chia sẻ.

Niềm tin của Thùy Chi hoàn toàn có cơ sở bởi dấu hiệu của việc “đánh lên” đối với VSP là khá rõ ràng, thậm chí có thời điểm cổ phiếu này còn đạt đỉnh với mức giá gần 60.000 đồng/cp, đến lúc này thì cô đã lún sâu vào việc vay margin để chơi chứng khoán.

Thế nhưng, người tính không bằng trời tính, cú sốc trời giáng đến từ bên kia bán cầu xảy ra vào tháng 5/2010 đã tác động xấu đến thị trường chứng khoán thế giới, trong đó có Việt Nam. Một nhà đầu tư tổ chức đã bấm nhầm chữ B - Billion (tỷ) thay cho chữ M- Million khi đặt lệnh bán cổ phiếu Procter & Gamble, một công ty trong chỉ số công nghiệp Dow Jones.

Thị trường rơi vào hoảng loạn vì cổ phiếu này, dù sau đó đã được đính chính là “nhầm lẫn”. Điều trùng hợp là cổ phiếu VSP bắt đầu chuỗi lao dốc không phanh với hàng chục phiên giảm sàn liên tiếp kể từ đó.

“Cố thủ” bất thành, Thùy Chi đành bất lực nhìn công ty chứng khoán bán giải chấp lô cổ phiếu VSP vì đã trót vay margin. Thành quả tích cóp mấy năm trời bỗng chốc tan thành mây khói, một nhà đầu tư trẻ thành công bỗng chốc trở thành con nợ tiền tỷ.

“Hàng năm trời chỉ mua vào – bán ra duy nhất một mã cổ phiếu là VSP, có thời điểm cứ mỗi sáng mở mắt ra nhìn bảng điện tử là thấy lãi cả trăm triệu đồng, tôi đã tính đến chuyện mua nhà, mua xe ô tô. Giá như hồi đó quyết bán thì tôi đã có tất cả, đúng là hai bàn tay trắng làm nên... đống nợ. Tôi nhận ra rằng phân tích kỹ thuật cũng vẫn “chết” như thường vì khó có thể đi ngược xu thế của thị trường”, Thùy Chi ngậm ngùi kể.

Không kịp “xuống tàu”, con tàu VSP giờ đây cũng trở thành “con tàu ma” khi cổ phiếu đã bị ngừng giao dịch kể từ 06/04/2016 do kinh doanh liên tục thua lỗ. Tại thời điểm bị dừng giao dịch, VSP chỉ được định giá 1.100 đồng/cp, thậm chí có thời điểm trước đó cổ phiếu này chỉ được giao dịch ở mức dưới 1.000 đồng/cp.

Cứ sáng ra lãi trăm triệu đồng, cô gái trẻ phút chốc có tiền tỷ và kết đắng - 1

"Nghiệp" chơi chứng ăn sâu khiến phóng viên từ hai bàn tay trắng làm nên... cả đống nợ.

"Đánh" theo "bầy đàn" cũng chết

Sau cú sốc với VSP, Thùy Chi rơi vào trạng thái sợ hãi bảng điện tử giao dịch, cô ngày đêm “cày” bài cho tòa soạn, còn cộng tác với một số tờ báo khác, rồi sự trợ giúp của bạn bè và người thân, chỉ với mục đích duy nhất là trả nợ càng nhanh càng tốt. Giờ đây mọi “hậu quả” gần như đã được giải quyết, cô lại “lướt sóng” đối với cổ phiếu ngành thủy sản và xây dựng nhưng bài học VSP vẫn là nỗi ám ảnh thường trực.

Với kinh nghiệm “chứng trường”, Thùy Chi cho rằng việc chơi theo “tâm lý đám đông” chỉ phù hợp khi thị trường còn sơ khai cách đây hơn 10 năm. Nhưng ở thời điểm đó, khi thị trường xuống thì kể cả phân tích kỹ thuật cũng “chết” chứ nói gì “tâm lý đám đông”.

“Thực ra ngày đó chơi chứng khoán không phải cứ giỏi là thắng, cũng không phải cứ dốt là thua, mà là nước lên thì thuyền lên. Một khi thị trường đã lên thì mua bất kỳ cổ phiếu nào cũng thắng. Nhưng bây giờ thị trường đã có sự thanh lọc, nhà đầu tư vẫn có thể thua lỗ khi thị trường lên và ngược lại”, Thùy Chi nói.

"Thực ra những ai quan sát thị trường nhiều năm đều có thể dễ dàng nhận ra cách “làm giá” cổ phiếu bây giờ cũng khác xa so với ngày xưa, thời điểm 10 năm trở về trước. Nếu như ngày xưa các “tay to” đánh lên sẽ cho thấy nhiều dấu hiệu rõ ràng, họ sẽ dùng nhiều tài khoản để đẩy giá cổ phiếu lên rất cao (như trường hợp VSP), nhà đầu tư nhỏ lẻ nếu nhận ra dấu hiệu sẽ nhảy vào ăn theo tại “khúc giữa”.

Nhưng giờ đây các “tay to” không còn đánh lên một cách lộ liễu, họ thường đánh lên sau đó đột ngột dừng lại, rồi lại đánh lên dần theo kiểu bậc thang. Từng khúc, từng khúc một, mình không nhận ra mã cổ phiếu này đang được đánh lên, nhưng đứng ngoài quan sát sau một thời gian dài sẽ nhận ra dấu hiệu, hiếm có mã nào tăng theo kiểu đột biến như trước.

Với cách đánh lên của “đội lái” bây giờ, họ đánh theo từng khúc một, khi mình nhận ra để vào có khi lại thành ra "đổ vỏ" cho người ta. Ngày xưa mình vào khúc giữa thôi là đã “ăn” được rồi, nước nổi thuyền nổi mà. Bây giờ thị trường tăng mà mua nhầm mã vẫn “chết” như thường” – Thùy Chi chia sẻ kinh nghiệm đau thương.