Cú ngược dòng gom ngàn tỷ của đại gia Việt
Thị trường chứng khoán đang trong giai đoạn khó khăn nhưng nhiều đại gia vẫn ngược dòng thu hút hàng ngàn tỷ đồng tiền vốn. Ở thời điểm nhà đầu tư thận trọng, điều quan trọng nhất không phải là cần bao nhiêu vốn mà vốn để làm gì. Nếu làm thật và dự án tốt, thì việc gọi ngàn tỷ không khó.
Gọi vốn khủng
Dù quen với sự nổi lên của FLC về độ hot cổ phiếu trên sàn chứng khoán và nhất là độ khủng của hàng loạt dự án BĐS thời hậu khủng hoảng nhưng giới đầu tư không khỏi bất ngờ và thận trọng với về kế hoạch huy động vốn khủng của FLC. Sự thận trọng này càng có lý do khi tiến trình CPH các DNNN lớn đang đẩy mạnh làm tăng cung còn dòng tiền vào chứng khoán lại bị ảnh hưởng từ Thông tư 36 của NHNN.
Thực tế, mấy năm qua, FLC luôn là chủ đề ồn ào trên thị trường chứng khoán. Thành lập 2008 với số vốn 18 tỷ đồng, FLC giờ đã được xem là một đại gia BĐS khi có quy mô vốn tăng gấp hơn 200 lần, và sắp tới là trên 400 lần.
Lịch sử chứng khoán Việt Nam cũng đã ghi nhận Vingroup (VIC) cũng là một trường hợp tăng trưởng dữ dội khi tập đoàn này hiện có quy mô vốn 14 nghìn tỷ đồng sau 8 năm niêm yết cổ phiếu trên sàn. Xuất hiện sau nhưng VIC đã nhanh chóng thành một trụ cột trên thị trường chứng khoán Việt Nam.
Người quen của VIC, Masan Group (MSN) cũng phát triển thần tốc với vốn chủ sở hữu từ khoảng 471 tỉ đồng năm 2008 đã tăng vụt lên đến hơn 15 nghìn tỉ đồng như hiện nay.
Thủy sản Hùng Vương (HVG) của chủ tịch Dương Ngọc Minh vừa cụ thể hóa phương án phát hành cổ phiếu trị giá hàng trăm tỷ cho cổ đông hiện hữu và cổ phiếu thưởng tăng vốn điều lệ. Kể từ 2009 tới nay, HVG đã chia tách và phát hành thêm cổ phiếu nâng vốn gấp hơn 3 lần lên gần 1.900 tỷ đồng.
Thị trường chứng khoán đang trong giai đoạn khó khăn nhưng nhiều đại gia vẫn ngược dòng thu hút hàng ngàn tỷ đồng tiền vốn |
Hàng loạt các doanh nghiệp khác cũng đã và đang có kế hoạch tăng vốn dữ dội như: Vật tư kỹ thuật Nông nghiệp Cần Thơ (TSC), Địa ốc Đất Xanh (DXG), An Dương Thảo Điền (HAR), Liên doanh đầu tư Quốc tế KLF (KLF), Đầu tư F.I.T (FIT), CTCP Xuyên Thái Bình (PAN)...
Tuy nhiên, một thực tế khác cho thấy, đa số các kế hoạch huy động vốn trên thị trường chứng khoán gần đây của nhiều DN đều không như ý muốn. Thậm chí, có những thất bại liên tiếp trong những năm gần đây.
Không dễ bán giấy, ghi tên thu tiền
Ông Mai Hữu Tín - đại gia có tiếng ở Sài Gòn với là Chủ tịch công ty cổ phần đầu tư U&I (Unigroup), nắm hơn 30 con và 8 công ty liên kết với vốn lên tới hàng nghìn tỷ đồng - cũng đã từng chia sẻ: "Điều cốt lõi trong kinh doanh là có dự án tốt. Đại diện các quỹ đầu tư coi đó là tiêu chí để rót vốn vào DN".
Có cùng quan điểm, ông Trịnh Văn Quyết, Chủ tịch Công ty Cổ phần Tập đoàn FLC, cho rằng: "Điều quan trọng nhất không phải vốn mà đó là dự án tốt. Khi có dự án tốt thì việc huy động vốn sẽ dễ dàng. Bên cạnh đó là việc nắm bắt cơ hội đầu tư và xây dựng uy tín doanh nghiệp". Và đó có lẽ là bí quyết quan trọng nhất để những DN như VIC hay FLC, MSN, HVG dễ dàng huy động vốn ở cả trong nước và quốc tế để tăng trưởng không ngừng về quy mô thông qua kênh hữu hiệu và TTCK.
Với rất nhiều đại gia, sự phát triển thần tốc của DN gắn liền với các dự án lớn, dự án tốt. |
Vingroup ghi dấu thành công với những dự án lớn và có khả năng sinh lời cao như hòn ngọc Vinpearl Land, Royal City, Times City, Vincom Mega Mall... FLC cũng được kỳ vọng với việc nắm giữ hàng loạt các dự án BĐS lớn: FLC Garden City, FLC Complex (36 Phạm Hùng) và FLC Star Tower... Đặc biệt dự án FLC Samson Beach & Golf Resort tại Thanh Hóa cách đây 1 năm, một vùng đất rộng lớn hơn 200 héc-ta, phần lớn bị bỏ hoang bây giờ đã hiện hình một quần thể du lịch sinh thái - nghỉ dưỡng cao cấp - vui chơi giải trí lớn nhất miền Bắc. Tỉnh Thanh Hóa đang đốc thúc FLC sớm hoàn thiện dự án này để thành điển nhấn cho Năm Du lịch Quốc gia Thanh Hóa - 2015. Còn riêng với chủ đầu tư, từ tháng 5 tới, dự án đi vào hoạt động có thể mang về 1.200 tỷ đồng/năm cho FLC.
Vingroup trong khi đó đang tấn công vào các DNNN có quỹ đất lớn, tấn công vào lĩnh vực thời trang và bán lẻ đầy tiềm năng. MSN liên tục M&A các DN đầu ngành trong lĩnh vực thực phẩm... Vingroup cho biết sẽ đầu tư 2 dự án khu hành chính tại Thanh Hóa. Tập đoàn này cũng sẽ đầu tư dự án du lịch sinh thái 1 tỷ USD tại Hải Phòng và đề xuất ý tưởng về một sân golf Vinpearl ngoài đê sông Đuống. Còn thủy sản Hùng Vương đầu tư 30 triệu USD xây nhà máy ở Nga.
Với rất nhiều đại gia, sự phát triển thần tốc của DN gắn liền với các dự án lớn, dự án tốt. Bên cạnh đó cũng cần sự quyết liệt và uy tín của lãnh đạo DN. Nói về việc huy động và sử dụng đồng vốn hiệu quả, ông Quyết bày tỏ quan điểm: "Chúng tôi không bán sản phẩm trên giấy, không phải quây tôn, không xin dự án rồi bỏ đấy. Với tiền vốn huy động sẵn có, chung tôi không phải vay ngân hàng và tiền luôn có sẵn để giải ngân cho các dự án".
Có thể thấy, trong khoảng 5-7 năm qua, khá nhiều DN Việt đã phát triển nhanh để trở thành các đế chế trong một số lĩnh vực. Sự phát triển của các tập đoàn này gắn liền với một lớp doanh nhân trẻ, năng động. Phương châm của những người như ông Vượng, ông Quyết hay ông Đăng Quang là phát triển các dự án, các sản phẩm để lại dấu ấn. Và để có vốn tỷ đô cho những dự án đó, vấn đề cốt lõi là ý tưởng, dự án, con người. Còn vốn chỉ là bước tiếp sau khi có dự án thật và làm thật.