"Cú đòn hiểm” của Tổng thống Putin nếu EU dồn Nga tới chân tường

Việc Nga liên tiếp nhận mức tín nhiệm kinh tế hạng “rác” lại không khiến Moscow lo lắng bằng EU khi họ đang thấy nhiều hiểm họa nếu dồn Nga tới chân tường.

Sau Fitch và Standard & Poor’s, tiếp tục đến lượt Moody’s hạ điểm tín nhiệm của Nga. Ngày 16/1, Moody’s đã cắt giảm một bậc điểm tín nhiệm của Nga, từ Baa2 xuống Baa3, chỉ còn cao hơn 1 bậc so với ngưỡng “rác”. Mức điểm này ngang bằng với điểm tín nhiệm mà hai tổ chức chuyên đánh giá tín nhiệm đầu tư, có uy tín khác là S&P và Fitch dành cho Nga.

 Đồng nội tệ Nga đã mất giá thảm hại (ảnh: AP)
 Đồng nội tệ Nga đã mất giá thảm hại (ảnh: AP)
 

Đọc những thông tin kinh tế - tài chính mới nhất trên FICA: 

* Xu thế dòng tiền: Đừng vẽ thêm “thuyết âm mưu”

* Vượt biên giới đi săn ong mật kiếm vài triệu mỗi ngày

* Muốn bán nhà hình thành trong tương lai phải có bảo lãnh ngân hàng
* Tết đến, nhà giàu săn đồ ăn, chơi sành điệu khác người

* Thụy Sỹ tạo “sóng thần” làm thế giới thất kinh

Ngoài hạ xếp hạng tín nhiệm trái phiếu Chính phủ Nga xuống một bậc, Moody’s cũng hạ chỉ số đánh giá tín dụng ngắn hạn của Nga từ “P-2” xuống “P-3”, ngang hàng với Ấn Độ và Thổ Nhĩ Kỳ.

Việc cả ba tổ chức tín nhiệm đầu tư hàng đầu thế giới lần lượt cắt giảm điểm tín nhiệm của Nga về sát ngưỡng “rác” đi kèm triển vọng “tiêu cực”, có thể sẽ tác động rất lớn đến nhà đầu tư và là rào cản lớn đối với tăng trưởng kinh tế Nga năm 2015.

Tuy nhiên, trong khi phía Nga chưa trầm trọng hóa quá mức vấn đề này, phương Tây lại lo lắng trước những cảnh báo về hiểm họa khôn lường khi dồn kinh tế Moscow đến chân tường.

Ukraine là con tốt thí

Bloomberg nhận định áp lực kinh tế từ Nga sẽ đẩy Ukraine đến bờ vực vỡ nợ, để lại gánh nặng cho Mỹ và các đồng minh của Mỹ trong việc cứu vãn nền kinh tế bong bóng của Ukraine.

Ngày 10/1, Nga đánh tiếng đòi lại món nợ mà Ukraine vay thông qua trái phiếu phát hành hồi cuối 2013. Nga nói rằng họ có quyền yêu cầu trả nợ ngay lập tức vì nợ của Ukraine đã tăng trên 60% tổng GDP, vi phạm mức quy định trong giao ước mà hai bên đã ký trước đây.

Có thể coi việc Nga thúc ép đòi tiền trái phiếu với Ukraine giống như một mũi tên bắn trúng hai mục tiêu. Trước hết, theo Thủ tướng Medvedev, Nga phải đòi tiền Ukraine vì cần tiền để "bổ sung lực lượng" trong cuộc chiến đầy cam go ở mặt trận kinh tế, đặc biệt là thị trường tiền tệ.

Ngoài ra, việc đòi trái phiếu khiến các nước ở châu Âu phải cân nhắc hơn khi muốn đẩy mạnh lệnh trừng phạt với Nga. Phương Tây không thể nhắm mắt làm ngơ vì nếu Ukraine sụp đổ vì vỡ nợ thì hậu quả sẽ khôn lường.

Hơn nữa, một Ukraine phá sản sẽ là tấm gương để mọi nước khác nhìn vào khi trước đây, với mục đích dụ dỗ Kiev ra khỏi vòng tay Moscow, phương Tây đã “nhử” nước này bằng vô vàn cam kết viện trợ kinh tế.

Thực tế trớ trêu hiện nay là phương Tây càng trừng phạt Nga thì Ukraine càng khốn khó, đồng Ruble tụt bao nhiêu thì đồng Hyvnia cũng mất giá bấy nhiêu.

Một năm qua, đồng Hyvnia đã mất một nửa giá so với đồng USD. Các nhà hoạch định chính sách Ukraine cũng đang xem xét việc tăng lãi suất cơ bản của họ sau khi lạm phát tăng lên mức cao nhất trong 6 năm là 24,9% trong tháng 12 vừa qua.

Nếu như Nga thúc nợ 3 tỷ USD trái phiếu và các khoản nợ hàng tỷ USD khí đốt thì không biết đồng tiền của Ukraine sẽ mất giá thế nào và kinh tế của nước này sẽ khủng hoảng ra sao.

Trong hoàn cảnh châu Âu chẳng ai sẵn sàng chi mạnh tiền giúp Ukraine thì chỉ có một cách là giảm căng thẳng với Nga để Ukraine trở lại trạng thái ổn định.

Hy Lạp ơi, hãy ra khỏi EU

Trong khi Hy Lạp đang dấn dứ chuyện đi hay ở lại EU thì ngày 17/1, Bộ trưởng Nông nghiệp Nga Nikolai Fyodorov tuyên bố, Moscow không loại trừ khả năng gỡ bỏ lệnh cấm vận đối với thực phẩm Athen nếu nước này ra khỏi EU.

“Điều này có thể xảy ra nếu Hy Lạp bị buộc phải rút khỏi EU. Chúng tôi sẽ cùng Hy Lạp xây dựng mối quan hệ độc lập tốt đẹp. Về cơ bản, đó là một đối tác tiềm năng đối với chúng tôi”, Bộ trưởng Fedorov nói.

Thực tế điều này chưa đủ trọng lượng để làm thay đổi cán cân “đi hay ở”, nhưng vẫn là “viên kẹo bọc đường” với Hy Lạp nhất là trước cuộc bầu cử Quốc hội ở Hy Lạp, dự kiến vào ngày 25/1 tới.

Nguy cơ Hy Lạp rời khỏi Eurozone là rất cao, nếu đảng đối lập cánh tả Syriza giành chiến thắng trong cuộc tổng tuyển cử. Đảng này theo đuổi mục đích hủy các biện pháp “thắt lưng buộc bụng” mà EU đưa ra và đòi xóa một phần nợ cho Hy Lạp.

Từ năm 2010 cho đến nay, Hy Lạp sống nhờ vào tiền của các chủ nợ quốc tế là Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF), Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) và Liên minh châu Âu (EU).

3 định chế này đã cam kết cho Hy Lạp vay tổng cộng 240 tỷ USD với điều kiện nước này phải thực hiện một kế hoạch thắt lưng buộc bụng nghiêm ngặt. Chính nó đã khiến nhân dân nước này bất mãn và dồn phiếu cho các đảng cánh tả, càng đẩy Hy Lạp nhanh đi tới con đường rời khỏi EU.

Không gian Tây Balkan có là “sân chơi” mới của Gấu Nga?

Theo Tạp chí Der Spiegel (Đức), Thủ tướng Đức Angela Merkel đang lo ngại Nga đang tìm cách khiến các nước Tây Balkan phụ thuộc vào nước này nhiều hơn cả về kinh tế và chính trị. Ông Ivan Krastev, Giám đốc Trung tâm chiến lược tự do Bulgaria phân tích: “Một mặt ông Putin tiếp tục tăng sức ép lên các nhà lãnh đạo châu Âu trong vấn đề Ukraine, mặt khác có thể biến Balkan thành “điểm nóng” tiếp theo. Khu vực này phụ thuộc nhiều vào dầu khí Nga nhưng lại nằm ngoài chính sách ngoại giao của châu Âu”.

Việc Nga bỏ phiếu trắng trong cuộc bỏ phiếu của Hội đồng Bảo an (LHQ) về việc kéo dài sứ mệnh gìn giữ hòa bình của EU ở Bosnia-Herzegovina, khiến nhiều người tin là Moscow đang nghiêm túc xem xét gia tăng ảnh hưởng ở Tây Balkan.

Thực tế là Nga vẫn có ảnh hưởng không nhỏ tại Tây Balkan, nhất là ở Bosnia-Herzegovina và Serbia. Chính vì vậy, Đức lo ngại Tổng thống Nga Putin có thể chặn đường EU tại đây. Bởi mục tiêu của ông Putin là gây sức ép buộc các nước Balkan bỏ ý định gia nhập EU hoặc nếu gia nhập thì sẽ tác động lên các nghị quyết EU theo hướng có lợi cho Nga./.

Theo Ngân Giang
VOV

Hà Nội: Tận mục bến xe khách ngầm trên “đất vàng”