CPI tháng Tết thấp kỷ lục trong vòng 1 thập kỷ

(Dân trí) - Với mức lạm phát 1% so tháng trước, CPI tháng 1 năm nay đạt thấp kỷ lục trong vòng 10 năm trở lại đây do giá lương thực giảm và việc tăng giá điện chưa tác động mạnh đến chi trả của người dân.

Tổng cục Thống kê ngày hôm nay (21/1) vừa ra công bố về chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 1. Theo đó, lạm phát tháng đầu năm ở mức 1% so tháng trước và 17,27% so cùng kỳ năm ngoái.

Như vậy, đây là năm có mức tăng CPI tháng Tết thấp kỷ lục trong khoảng 10 năm trở lại đây. Trước đó, mức tăng thấp nhất là tháng 2/2009 với mức tăng 1,17% so với tháng trước đó. Hầu hết các năm khác đều có mức tăng giá tháng tết lên đến khoảng 2%- 3%.

Tuy nhiên, mức tăng CPI tháng Tết này không gây bất ngờ do cầu tiêu dùng trong bối cảnh kinh tế khó khăn đã suy giảm mạnh.

CPI tháng Tết thấp kỷ lục trong vòng 1 thập kỷ - 1

Tháng Tết năm nay, giá lương thực giảm trong khi chi phí cho các loại hình dịch vụ tăng (ảnh minh họa).

Nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống tăng giá 1,01% là mức tăng chấp nhận được khi trong tháng đón 2 dịp Tết liên tiếp nhau, đặc biệt là Tết Nguyên đán.

Do xuất khẩu các mặt hàng trong nhóm này những tháng gần đây đạt khá thấp nên nguồn cung lương thực trong nước trở nên dồi dào hơn. Vì vậy, không những không tăng giá mà lương thực còn đạt tình trạng giảm phát 0,14%.

Thực phẩm bao gồm thịt lợn, gia cầm, thủy sản mặc dù không thiều nguồn cung nhưng do giá nguyên liệu đầu vào tăng cao cộng với nhu cầu đối với loại hàng hóa này vào dịp Tết tăng cao nên giá cả vẫn nhích lên. Chỉ số giá nhóm hàng này tăng 1,41%. Trong khi đó, chi phí cho ăn uống ngoài gia đình cũng tăng 0,96%.

Đồ uống, thuốc lá và các sản phẩm may mặc, mũ nón, giày dép là các nhóm góp phần lớn vào việc nâng chỉ số CPI tháng 1 lên 1%. Theo đó, đồ uống và thuốc lá tăng 1,17% giá bán trong khi giá các sản phẩm còn lại nêu trên tăng 1,97%.

Do tính thời điểm nên phis giao thông cũng tăng 0,66% do nhu cầu di chuyển lớn, các dịch vụ văn hóa, giải trí và du lịch cũng tăng giá 0,93%, giá hàng hóa và dịch vụ khác tăng 1%.

Kết thúc năm và để đảm bảo hoàn thành dự án trước khi sang năm mới nên các công trình xây dựng được đẩy nhanh tốc độ. Điều này kéo chi phí đối với nhà ở và vật liệu xây dựng tăng giá mạnh 1,71%.

Nhu cầu trang trí và sắm sửa cho dịp tết cũng đưa giá thiết bị và đồ dùng tăng lên 0,96% so tháng trước.

Tháng 1 kết thúc năm âm lịch và mở đầu cho năm mới dương lịch 2012, chỉ số giá vàng giảm mạnh 3,62% trong khi giá USD tăng 0,05%.

Như vậy, động thái tăng giá điện vào ngày 20/12 vừa qua chưa tác động mạnh đến chi trả của người dân trong tháng tính CPI này. Trao đổi trong phiên giao lưu trực tuyến với nhân dân ngày 17/1, Bộ trưởng Bộ Tài chính Vương Đình Huệ cũng đã tiết lộ, theo tính toán của các cơ quan chuyên môn, khi giá điện tăng sẽ tác động đến CPI qua 2 vòng. Một là trực tiếp qua chi phí, cứ tăng 1% giá điện thì tác động tới 0,0246% CPI. Vừa qua giá điện tăng 5% thì đẩy CPI thêm 0,153% tương ứng.

Tuy nhiên, động thái điều chỉnh giá này lại tác động vòng 2 tới CPI lên gấp đôi vòng 1. Cộng cả 2 vòng, giá điện tăng 5% khiến CPI tăng 0,369%. Do đó, áp lực lạm phát do tăng giá điện sau dịp Tết Nguyên đán lên CPI của tháng 2 vẫn còn cao.

Năm 2012, mục tiêu của Quốc hội và Chính phủ là đưa CPI về một con số. Ông Đỗ Thức, Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê cho rằng, với việc tiếp tục duy trì Nghị quyết 11 cùng chính sách tiền tệ, tài khóa chặt chẽ linh hoạt, thận trọng thì mục tiêu đó có thể thực hiện được.

Giả định các mục tiêu tăng trưởng đặt ra ở mức 6-6,5%, dư nợ tín dụng ở mức 15-17%... thì lạm phát tiềm năng năm 2012 có thể trên 10%. Tuy nhiên, trong nhiều năm nay, lạm phát tiềm năng theo tính toán của Tổng cục Thống kê luôn luôn cao hơn lạm phát thực tế 1-2%. Do đó, khả năng lạm phát dưới 10% cho cả năm là có thể thực hiện được.

Việc kiềm chế lạm phát được coi là một trong những nhiệm vụ trong tâm của Chính phủ trong năm 2012 này. Đây chính là cơ sở để trong thời gian tới, NHNN sẽ xem xét hạ lãi suất cho vay, góp phần tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp.

Bích Diệp