1. Dòng sự kiện:
  2. Hàng giá rẻ Trung Quốc đổ bộ

CPI “âm” tháng thứ 2 liên tiếp

(Dân trí) - Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 11 tiếp tục "âm" 0,76% so với tháng trước khi 3 nhóm mặt hàng chính đồng loạt giảm giá.

Số liệu do Tổng cục Thống kê công bố chiều 25/11 cho thấy: CPI tháng 11 giảm tiếp 0,76% so với tháng 10, giúp CPI 11 tháng qua của cả nước chỉ tăng có 20,71% so với cuối năm ngoái. Tuy nhiên, so với cùng kỳ năm 2007, giá tiêu dùng hiện vẫn tăng tới 24,22%.

Trong tháng 11, 3 nhóm mặt hàng có quyền số cao nhất trong rổ hàng hoá đưa ra làm căn cứ để tính chỉ số giá tiêu dùng, nhóm nhà ở và vật liệu xây dựng giảm mạnh nhất, giảm tới 4,86%.

Lạm phát tăng cao trong bối cảnh tăng trưởng kinh tế chậm lại khiến nhu cầu xây dựng giảm mạnh, thị trường bất động sản chưa khởi sắc trở lại, khiến nhóm mặt hàng này dẫn đầu tốc độ giảm giá.

Nhóm hàng giảm mạnh thứ 2 là dịch vụ đi lại, bưu điện, giảm tới 4,4%, do giá xăng giảm liên tiếp 3 lần (kể từ ngày 25/10) với tổng giảm 2.500 đồng/lít.

Mặc dù chỉ giảm có 0,07% so với tháng trước nhưng nhóm có quyền số lớn nhất là hàng ăn và dịch vụ ăn uống, là một trong những nhân tố kéo CPI “âm” tháng thứ 2 liên tiếp. Trong nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống, nhóm nhỏ lương thực giảm 3,1%, thực phẩm tăng nhẹ 0,9% và ăn uống ngoài gia đình tăng 1,34%.

Ngược lại, 7 nhóm mặt hàng khác trong rổ hàng hoá tính CPI tăng, với mức tăng nhẹ dưới 1%. Tăng giá cao nhất trong tháng thuộc về nhóm đồ uống, thuốc lá với mức tăng 0,9%; kế đến là may mặc, giầy dép, mũ nón tăng 0,8%; thiết bị và đồ dùng gia đình tăng 0,67%.

Xét theo địa phương, Hà Nội là địa phương duy nhất có chỉ số giá tăng với mức tăng 1,07% do ảnh hưởng của trận mưa lũ lịch sử vừa qua, CPI các địa phương còn lại đều giá giảm. Điển hình là: Cần Thơ giảm mạnh nhất, mức giảm 1,41% so với tháng 10; Gia Lai, giảm 1,28%; TPHCM giảm 0,69%.

Không đưa vào tính CPI nhưng hai loại hàng hoá là vàng và USD luôn được người dân quan tâm. Tính trong tháng 11, giá vàng giảm 5,8%, USD tăng 2,1%. So với đầu năm, giá vàng tăng 34,49% và USD tăng 2%.

Chỉ số giá tiêu dùng “âm” tháng thứ 2 liên tiếp khiến giới chuyên gia lo ngại hơn về nguy cơ giảm phát, khi mục tiêu chống lạm phát của nước ta đã đạt được những kết quả tích cực.

Theo một số chuyên gia, các nhà hoạch định chính sách cần phải tính toán kỹ lưỡng các biện pháp nhằm khơi thông mọi nguồn lực, kích thích sản xuất, tăng tổng cung; tính toán để nới lỏng chính sách tiền tệ theo hướng hợp lý.

Nguyễn Hiền

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm