1. Dòng sự kiện:
  2. Hàng giá rẻ Trung Quốc đổ bộ

CPH bị… “âm thầm” ngăn cản

(Dân trí) - Năm 2007, cả nước chỉ có 82 doanh nghiệp nhà nước được cổ phần hoá (CPH), đạt 21% kế hoạch đặt ra. Theo các chuyên gia trong ngành, nguyên nhân là bởi CPH “tước đi” quyền lợi của một số quan chức, công chức.

Thông tin trên được các diễn giả, vốn là các nhà nghiên cứu, các nhà quản lý, các luật sư và cả các doanh nghiệp đã CPH thành công bày tỏ quan điểm tại hội thảo “Tháo gỡ vướng mắc hành chính trong CPH doanh nghiệp nhà nước” tổ chức ngày 20/3 tại Hà Nội.

Luật gia Cao Đăng Vinh - Chuyên viên Vụ Pháp luật Dân sự (Bộ Tư pháp) cho biết: Theo Bộ Tài chính, hiện có gần 20% vốn nhà nước đã được CPH trung bình trong các công ty đó, nhà nước nắm giữ khoảng 46% cổ phần, người lao động nắm giữ gần 30% và số còn lại thuộc sở hữu của các cổ đông khác. Nhà nước nắm giữ hơn 50% cổ phần trong 33% các công ty đã được CPH.

Tuy nhiên, tiến độ sắp xếp, CPH doanh nghiệp nhà nước (DNNN) so với yêu cầu đặt ra còn chậm, quy mô DNNN chưa lớn. Năm 2007, cả nước mới chỉ có 82 DNNN được CPH, chỉ đạt 21% kế hoạch mà Thủ tướng Chính phủ đề ra.

Theo luật gia Vũ Xuân Tiền, Chủ tịch Hội đồng thành viên Công ty Tư vấn VFAM Việt Nam: Trong 5 rào cản lớn từ cơ chế hành chính gây hậu quả tới quá trình CPH DNNN, thì cơ chế chủ quản đối với doanh nghiệp trong hoạt động kinh doanh đã tạo ra một “lực cản vô hình” nhưng vô cùng mạnh mẽ.

Luật gia Tiền nói: “CPH DNNN tức là tước đi cái quyền lực và cả quyền lợi vô cùng lớn của công chức, quan chức khi họ không còn là cơ quan chủ quản. Mặc cho, chủ trương của Đảng và Nhà nước là hoàn toàn đúng đắn, nhưng chủ trương ấy đã và đang bị âm thầm ngăn cản”.

Cũng theo ông Tiền, cơ chế chủ quản còn tại ra một “quán tính quyền lực” của các quan chức, công chức trong bộ máy công quyền đối với các doanh nghiệp ngay cả khi các DNNN đã được CPH.

“Vì cái quán tính quyền lực này, vị Phó Chủ tịch UBND tỉnh KH đã bất chấp Luật Doanh nghiệp, ngang nhiên dùng điện thoại di động để đình chỉ Đại hội cổ đông thực hiện đúng luật của Công ty CP Khách sạn PT và tổ chức thanh tra, kiểm tra gay gắt đến mức giám đốc công ty này phải tự tử.

Vị Phó chủ tịch UBND tỉnh NBh đã ban hành công văn không thừa nhận kết quả Đại hội cổ đông của Công ty CP Dược phẩm tỉnh NB… ”, ông Tiền bức xúc nói.

Ngay cả việc đã tiến hành Đại hội cổ đông để thành lập công ty CP xong rồi cũng chưa chắc đã chuyển thành công ty cổ phần (CTCP) được. Sau khi tổ chức đấu giá bán cổ phần tại Trung tâm Giao dịch chứng khoán Hà Nội, tháng 12/2005, Công ty Đầu tư xây dựng Hacinco tiến hành Đại hội cổ đông thành lập CTCP, đã thông qua Điều lệ, phương án sản xuất kinh doanh, bầu HĐQT...

Ngay sau đó, công ty đã có tờ trình đề nghị UBND TP Hà Nội nhưng UBND thành phố đã sử dụng quyền lực hành chính, không ra quyết định chuyển công ty thành công ty cổ phần.

Theo các diễn giả, về bản chất, khá nhiều cán bộ, công chức, quan chức trong bộ máy công quyền không thiết tha gì với CPH DNNN. Đã có hàng trăm lý do khác nhau được đưa ra nhằm kìm hãm quá trình này, trong đó, sự “đảo chiều của thị trường chứng khoán đã là cái cớ rất hữu hiệu để người ta được phép quên đi nhiệm vụ CPH DNNN”.

Luật gia Cao Bá Quát, Giám đốc Công ty TNHH Tư vấn doanh nghiệp K và Cộng sự đánh giá: “Mấu chốt quan trọng nhất là việc phải hoàn thiện về pháp luật CPH, cần quy định đơn giản hơn về trình tự, thủ tục thực hiện một số khâu trong quá trình này. Đặc biệt, các cơ quan có thẩm quyền phải phối hợp chặt chẽ, tránh tình trạng lạm dụng quyền lực để nhũng nhiễu, cản trở tiến trình này”.

Còn TS. Lưu Bình Nhưỡng (Khoa Pháp luật Kinh tế, Đại học Luật Hà Nội) lại trăn trở với bài toán giải quyết quyền mua CP ưu đãi của người lao động khi công ty của họ CPH.

TS. Nhưỡng thắc mắc: “Trong thực tế có doanh nghiệp được CPH một bộ phận từ trước theo phương án thí điểm, nay theo chỉ đạo sẽ CPH toàn bộ doanh nghiệp. Tuy nhiên, do sự “hổng” của pháp luật và cách giải quyết của địa phương không có cơ sở dẫn đến việc cắt giảm quyền mua cổ phần của người lao động đối với bộ phận đã được CPH thành công ty độc lập; đồng thời cắt luôn quyền mua CP ưu đãi của người lao động trước đây làm việc cho DNNN”.

“Theo quy định người lao động được mua tối đa 100 cổ phần cho mỗi năm thực tế làm việc trong khu vực nhà nước với giá ưu đãi sau khi đã đấu giá thành công bình quân. Giá ưu đãi là giá đã giảm trừ 60% so với giá bình quân. Mặc dù có “ưu đãi” nhưng quy định này đã đẩy người lao động vào hoàn cảnh khó khăn: giá cổ phần sẽ là giá đã đấu giá bình quân chứ không phải là “mệnh giá ban đầu” như quy định tại Nghị định 64/2002”- TS. Nhưỡng nhấn mạnh.

Nguyễn Hiền

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm