1. Dòng sự kiện:
  2. Hàng giá rẻ Trung Quốc đổ bộ

Covid-19: Ở Zimbabwe, người ta có nguy cơ tử vong chỉ vì đi lấy nước

(Dân trí) - Virus corona sẽ khó kiểm soát hơn nếu không có nước, thứ rất cần thiết cho việc vệ sinh. Hệ thống y tế công cộng của Zimbabwe phải đối mặt với sự sụp đổ hoàn toàn nếu phần lớn dân số bị nhiễm bệnh.

Quốc gia Nam Phi có 14,5 triệu người này đã ghi nhận 23 trường hợp dương tính và ba trường hợp tử vong kể từ khi dịch bệnh toàn cầu bắt đầu, nhưng con số thực tế có thể cao hơn nhiều.

Zimbabwe chỉ có một trung tâm xét nghiệm Covid-19 công cộng, tại một bệnh viện chính phủ ở thủ đô Harare, và mới chỉ có hơn 600 xét nghiệm đã được thực hiện.

Covid-19: Ở Zimbabwe, người ta có nguy cơ tử vong chỉ vì đi lấy nước - 1

Trẻ nhỏ ở Zimbabwe đi lấy nước 

Hạn hán đang buộc cư dân ở các thành phố trên khắp Zimbabwe phải dành thời gian ra ngoài để lấy nước tại các giếng nước công cộng, thay vì ở trong nhà trong 21 ngày.

Ngay cả khi đất nước bước vào những ngày cô lập cuối cùng, nguy cơ lây lan căn bệnh Covid-19 chết người vẫn tăng cao, vì người dân thành thị, chủ yếu là phụ nữ và trẻ em, buộc phải bỏ qua các quy tắc xa cách xã hội, để đổ đầy xô nước và mang về nhà. .

Hệ thống chăm sóc sức khỏe cộng đồng của Zimbabwe, đang rất khó khăn bởi một nền kinh tế tê liệt, phải đối mặt với tình trạng thiếu thuốc cơ bản, thiếu thiết bị thiết yếu và thậm chí cả nước. Các chuyên gia y tế cho biết Covid-19 sẽ khó kiểm soát hơn ở những nơi không có nước và nhiều người có thể chết.

Đó là một kịch bản khủng khiếp cho những người như Marian Chiroodza, sống ở Chitungwiza, một thị trấn đông dân cư cách thủ đô Harare 30km về phía Đông Nam.

Một bà mẹ 48 tuổi nói: “Đây là con dao hai lưỡi. Nếu tôi ở nhà mà không có nước, tôi vẫn có thể chết vì dịch tả hoặc thương hàn. Tôi cần nước để nấu ăn, sử dụng trong nhà vệ sinh hàng ngày và nhiều việc khác. Vì vậy, tôi không có lựa chọn nào khác ngoài việc đến giếng công cộng mỗi ngày để lấy nước vì nước máy hiếm tại nhà rất ít khi có”.

Ở Zengeza, một vùng ngoại ô khác ở Chitungwiza, Cuthbert Ngonyama sở hữu một giếng khoan vẫn còn nước và công việc kinh doanh của ông là bán nước cho mọi người.

Ông Ngonyama cho biết: “Mọi người gõ cửa nhà tôi từ 5 giờ sáng để mua nước”. “Tôi nhận thức được rủi ro nhận tiền và gặp gỡ mọi người tại thời điểm xảy ra đại dịch này, nhưng tôi sống trong cộng đồng và tôi buộc phải giúp đỡ mọi người. Tôi cũng cần tiền để sống sót - 21 ngày mà không có thu nhập cũng là giống như một bản án tử hình” - ông nói thêm.

Covid-19: Ở Zimbabwe, người ta có nguy cơ tử vong chỉ vì đi lấy nước - 2

Tình trạng thiếu nước đang trở nên trầm trọng ở Zimbabwe

Thị trưởng của Harare ông Herbert Gomba cho biết các nhà máy nước tại thành phố đang bị quá tải và chỉ có thể cung cấp 200 megalit nước mỗi ngày, thay vì 1.200 megalit cần thiết cho 4,5 triệu người ở thủ đô và các thị trấn lân cận.

“Chúng tôi đang sử dụng tất cả nguồn lực của mình để cung cấp nước, cải tạo các giếng khoan, viết thư cho chính phủ và các nhà tài trợ để xin giúp đỡ” - ông Herbert Gomba thông tin.

Trong tuần qua, nhiều cư dân ở các thị trấn Harare như: Chitungwiza, Masvingo và Hwange đã kiện ra tòa để buộc chính quyền thành phố cung cấp nước trong thời gian tự cô lập cho đến khi coronavirus được kiểm soát.

Liên minh Nước cộng đồng, một tổ chức dân sự có trụ sở tại Harare, tuyên bố rằng hơn 50% người dân của đất nước không được tiếp cận với nước uống an toàn.

Rửa tay thường xuyên bằng xà phòng dưới vòi nước có thể giúp giảm nguy cơ tiếp xúc với vi-rút. Trong trường hợp không có nước, một số người ở Zimbabwe đã buộc phải chuyển sang tự chế tạo chất khử trùng bằng chất tẩy gia dụng và nước rửa chén.

Không rõ liệu chính phủ Zimbabwe có gia hạn cách ly thêm hay không, thông báo sẽ được đưa ra vào Chủ nhật này.

Ông Walter Chingwaru, một chuyên gia về sinh học và vi sinh học tại Đại học Khoa học Bewura của Zimbabwe - cho biết: “Mặc dù chúng tôi có thể không chuẩn bị tốt cho Covid-19, nhưng chúng tôi đang bước vào mùa đông, thời tiết sẽ giúp chúng tôi. Mùa đông của chúng tôi không quá khắc nghiệt.

Coronavirus đến muộn ở châu Phi, nhưng đang dần tăng cao với hơn 15.000 trường hợp và khoảng 800 trường hợp tử vong được báo cáo trên khắp lục địa.

Trong khi phần lớn các quốc gia trên thế giới phải đợi hàng tuần để bắt đầu các hành động cách ly, các quốc gia ở châu Phi đã nhanh chóng đóng cửa biên giới và cấm các cuộc tụ họp đông người.

Mauritius, Rwanda và Tunisia là những quốc gia đầu tiên áp dụng việc phong tỏa hoàn toàn.

Nam Phi là nền kinh tế lớn nhất trên lục địa và đã giới hạn hoàn toàn công dân của mình, trong khi Nigeria đã cô lập Lagos - thành phố lớn nhất lục địa - và thủ đô Abuja thêm hai tuần nữa tính từ thứ Hai.

Thùy Dung

Theo Scmp

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm