Công ty thủy sản gây xôn xao khi từ chối ưu đãi giảm lãi suất của ngân hàng

Nguyễn Hiền

(Dân trí) - Thị trường tài chính đang xôn xao trước thông tin một doanh nghiệp thủy sản miền Tây có công văn phúc đáp chi nhánh một ngân hàng lớn việc "không nhận phần giảm lãi này".

Từ chối vì mức giảm lãi suất quá ít

Trao đổi với phóng viên Dân trí, Tổng giám đốc doanh nghiệp này cho biết lý do từ chối nhận ưu đãi lãi suất của ngân hàng do mức giảm quá ít, mất công điều chỉnh hồ sơ.

"Ngân hàng có thiện chí nhưng mức giảm lãi vay quá ít, không có nghĩa lý gì so với quy mô hoạt động của doanh nghiệp nên chúng tôi không nhận. Chúng tôi cũng không khó khăn đến nỗi đó, giảm tí xíu mất công lắm", ông nói.

Vị này cho biết công ty ông hoạt động trong lĩnh vực nuôi trồng, xuất khẩu tôm nên thường vay vốn ngân hàng bằng đồng USD. Từ chối không tiết lộ mức được giảm là bao nhiêu, vị đại diện này chia sẻ lãi vay USD hiện đã thấp, ngân hàng cũng giảm ít, số lãi vay doanh nghiệp được giảm không đáng bao nhiêu nên doanh nghiệp không nhận.

Trước đó, lãnh đạo doanh nghiệp này đã ký công văn phúc đáp chi nhánh Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) tại Đồng bằng sông Cửu Long "không nhận phần giảm lãi suất này" gây xôn xao dư luận.

Ông hiện mong được giảm tiền điện như năm 2020 đã từng giảm, tức giảm 30% tổng số điện năng tiêu thụ. Chi phí tiền điện của doanh nghiệp này dao động từ 4 đến 6 tỷ đồng/tháng.

Công ty thủy sản gây xôn xao khi từ chối ưu đãi giảm lãi suất của ngân hàng - 1

Một doanh nghiệp thủy sản gây xôn xao khi từ chối nhận giảm lãi suất cho vay (Ảnh minh họa).

Theo chia sẻ của vị lãnh đạo này, hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp sẽ tăng rất mạnh trong quý III này, bởi đây là cao điểm của thu hoạch và cung cấp hàng hóa xuất khẩu cho mùa tiêu thụ Noel vào cuối năm của các nước phát triển.

Tuy nhiên, dịch Covid-19 hoành hành đã khiến mọi kế hoạch phát triển của doanh nghiệp bị gãy đổ. Kế hoạch tháng 8 doanh nghiệp sẽ xuất khẩu từ 18-20 triệu USD, nhưng nay giảm chỉ còn 30-40%.

"Chúng tôi chấp nhận thực tế khắc nghiệt, thời điểm này đành phải lấy nguồn lực dự trữ ra chống đỡ. Tuy nhiên điều chúng tôi lo lắng là người nông dân nuôi tôm không tiếp tục nuôi nữa, thì nhà máy lấy nguồn nguyên liệu nào để hoạt động đây!", vị đại diện doanh nghiệp này than thở.

Ngân hàng và chuyên gia nói gì?

Trao đổi với Dân trí, đại diện truyền thông của BIDV cho biết phía ngân hàng chưa nhận được văn bản chính thức nào từ doanh nghiệp. 

Ngân hàng này cho biết, tổng nguồn lực dự kiến hỗ trợ khách hàng chịu ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 trong năm nay là 6.100 tỷ đồng. Mức giảm lãi suất cho vay từ 15/7 đến 31/12 với dư nợ hiện hữu bình quân 1%/năm, tối đa 2%/năm với một số nhóm khách hàng khó khăn. 

Bình luận về sự việc hy hữu trên, một cán bộ ngân hàng cho rằng sự việc này cần nhìn nhận ở cả hai phía là doanh nghiệp đi vay và ngân hàng cho vay. "Có thể khoản tiền mà doanh nghiệp vay ngân hàng ít lại gặp mức đồng ý giảm lãi suất cho vay thấp nên họ từ chối để đỡ mất thời gian làm thủ tục, giấy tờ", vị cán bộ tín dụng này nhận định.

TS. Cấn Văn Lực, thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính, tiền tệ quốc gia, bày tỏ: "Tôi không biết được nội tình của doanh nghiệp. Có khi họ thấy chương trình thủ tục phức tạp mà mức hỗ trợ không nhiều nên từ chối. Đó là quyết định của riêng họ, không phải là phản ánh chung của thị trường. Còn mọi sự hỗ trợ luôn luôn đáng quý, một miếng khi đói bằng một gói khi no".

Theo TS. Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia tài chính - ngân hàng, đây là một trường hợp rất đáng lưu tâm. Ngân hàng đã có thiện chí giảm lãi suất cho vay nhưng doanh nghiệp vay vốn lại từ chối việc hỗ trợ đó.

"Về phía doanh nghiệp, mức giảm có thể hiểu là nhỏ bé đối với họ khi phải làm các thủ tục hoặc phải đáp ứng một số điều kiện ngân hàng đưa ra để có thể giảm lãi suất. Ngân hàng luôn luôn làm việc theo nguyên tắc rủi ro cao thì lãi suất cao, rủi ro thấp thì lãi suất thấp. Nên nếu giảm lãi suất như thế có thể họ sẽ kèm theo một vài điều kiện. Người ngoài thì không biết có điều kiện gì hay không, nhưng cũng có thể có những doanh nghiệp ngại không chỉ vấn đề thủ tục mà còn có một số điều kiện đi kèm ràng buộc nào đó. Chính vì thế mà họ không nhận", ông Hiếu phân tích.

Cũng theo ông Hiếu, các ngân hàng giảm lãi suất không giảm đại trà mà sẽ giảm cho một số đối tượng đáp ứng điều kiện giảm của họ.

"Đây là điều có lẽ làm cho dư luận bức xúc vì trong lúc dịch bệnh hoành hành, các doanh nghiệp cần hỗ trợ thì ngân hàng lại không làm, hoặc làm cho có. Nhưng cũng phải hiểu lãi suất luôn luôn là cái giá của rủi ro, chính vì thế các ngân hàng cũng phải chọn mặt gửi vàng, cho vay và giảm lãi suất với các đối tượng có khả năng trả nợ.

Việc một khách hàng "từ chối nhận quà" của ngân hàng, theo ông Hiếu, cũng có thể hiểu từ hai phía đó, tức một phía thì thấy món quà này có lẽ không xứng đáng những điều kiện đi kèm mà doanh nghiệp phải bỏ ra; còn với ngân hàng cũng không thể giảm lãi suất cho mọi trường hợp được.

Trong văn bản gửi Thủ tướng Chính phủ nhân Hội nghị trực tuyến toàn quốc Chính phủ với doanh nghiệp, hiệp hội doanh nghiệp và các địa phương ngày 8/8, với vai trò là Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa thành phố Hà Nội, ông Mạc Quốc Anh đề nghị Ngân hàng Nhà nước chỉ đạo hệ thống ngân hàng áp dụng các giải pháp hỗ trợ về vốn cho doanh nghiệp: Giảm từ 3 đến 5% lãi suất cho vay; cơ cấu lại thời hạn trả nợ; giữ nguyên nhóm nợ; cho vay mới để doanh nghiệp bổ sung vốn lưu động khôi phục hoạt động sản xuất kinh doanh.

Cùng với đó là mở rộng đối tượng được giảm 2% lãi suất cho vay trực tiếp (theo Nghị quyết số 84/NQ-CP ngày 29/5/2020), cho vay gián tiếp không chỉ cho doanh nghiệp nhỏ và vừa mà thêm doanh nghiệp trong các ngành bị tác động trực tiếp nặng nề bởi dịch bệnh như hàng không, du lịch, khách sạn, vận tải… Ban hành cơ chế hỗ trợ lãi suất cho khoản vay tín dụng trong năm 2021-2023 để giúp các doanh nghiệp giải quyết thanh khoản, duy trì nguồn lực để hoạt động và phát triển (tương tự như gói hỗ trợ của Chính phủ cho Vietnam Airline).