Công ty nuôi bò lớn nhất tỉnh Hà Tĩnh bất ngờ chuyển sang trồng... chuối

(Dân trí) - Được cấp đất để trồng cỏ nuôi bò, bất ngờ Công ty CP Chăn nuôi Bình Hà, chủ đầu tư dự án chăn nuôi bò thịt lớn nhất các tỉnh Bắc Trung Bộ lại chuyển sang trồng chuối. Phát hiện điều bất thường trên, lãnh đạo tỉnh Hà Tĩnh đã khẩn trương vào cuộc.

Tiền trảm hậu tấu?

Dự án chăn nuôi bò giống và bò thịt tại Hà Tĩnh do Công ty cổ phần Chăn nuôi Bình Hà thực hiện từ tháng 4/2015 theo Quyết định số 1300/QĐ – UBND ngày 15/4/2015 của UBND tỉnh Hà Tĩnh.

Dự án có quy mô 150.000 con, được triển khai trên địa bàn huyện Cẩm Xuyên và Kỳ Anh với tổng diện tích hơn 6.000 ha, tổng vốn đầu tư 5.045 tỷ đồng. Với con số nhuận hàng năm cho công ty từ 1.000 đến 1.500 tỷ đồng, giải quyết việc làm cho khoảng 3.000 lao động, dự án được kỳ vọng sẽ tạo đà phát triển kinh tế cho Hà Tĩnh và các tỉnh trong vùng từ đó tạo liên kết vùng trong sản xuất và chăn nuôi.

Quá trình triển khai chủ đầu tư được UBND tỉnh Hà Tĩnh tạo rất nhiều thuận lợi, dành cho nhiều ưu ái, trong đó đáng chú ý là dự án được khởi công triển khai khi chưa hoàn thành đầy đủ các hạng mục về bảo vệ môi trường.

Đặc biệt, để có đất dành cho dự án này, UBND tỉnh Hà Tĩnh đã phải điều chỉnh toàn bộ diện tích quy hoạch phát triển cao su trên địa bàn 2 huyện Kỳ Anh, Cẩm Xuyên sang quy hoạch phát triển chăn nuôi, trồng cỏ.

Ngày 15/1/2016, Công ty Bình Hà khánh thành giai đoạn I với quy mô 30.000 con, triển khai trên diện tích 968 ha tại 3 xã Cẩm Quan (huyện Cẩm Xuyên), Kỳ Hợp, Kỳ Tây (huyện Kỳ Anh). Để phục vụ cho số bò trên công ty này đã trồng trên 900 ha cỏ voi cho năng suất 50/tấn/ha.

Hàng trăm ha đất trồng cỏ như thế này sẽ được Công ty Bình Hà chuyển sang trồng chuối
Hàng trăm ha đất trồng cỏ như thế này sẽ được Công ty Bình Hà chuyển sang trồng chuối

Chỉ mới sau hơn một năm đi vào hoạt động, hiệu quả kinh tế mới chỉ dừng lại ở trên giấy, Công ty Bình Hà đã đột ngột chuyển đổi một phần rất lớn diện tích trồng cỏ phục vụ vỗ béo đàn bò nhập khẩu sang trồng chuối thương phẩm.

Theo tìm hiểu của PV Dân trí, hiện Công ty Bình Hà đang tiến hành ươm 30.000 giống cây chuối tiêu để trồng trên diện tích 485 ha, trong đó Cẩm Xuyên trồng 248 ha, huyện Kỳ Anh 237 ha. Ngoài ra, công ty cũng đã lên kế hoạch nhập giống chuối từ nước ngoài về để ươm, tiến tới trồng trên diện rộng.

Theo đó, Công ty Bình Hà đang tiến hành ươm 30.000 giống cây chuối tiêu để trồng trên diện tích 485 ha, trong đó Cẩm Xuyên trồng 248 ha, huyện Kỳ Anh 237 ha. Ngoài ra, công ty cũng đã lên kế hoạch nhập giống chuối từ nước ngoài về để ươm, tiến tới trồng trên diện rộng.

Một lãnh đạo tại Sở Kế hoạch & Đầu tư tỉnh Hà Tĩnh cho hay, về mặt nguyên tắc, việc chuyển đổi đất, cây trồng này phải tuân thủ các quy trình, thủ tục đầu tư, đánh giá tác động môi trường trong quá trình chuyển đổi, có đánh giá về mặt khoa học liệu cây chuối có phù hợp với điều kiện, khí hậu của địa phương hay không?

Công nhân Công ty Bình Hà ươm giống chuối để chuẩn bị cho việc trồng hàng trăm ha chuối vốn là đất trồng cỏ phục vụ dự án chăn nuôi bò giống, bò thịt (ảnh: Hữu Trung).
Công nhân Công ty Bình Hà ươm giống chuối để chuẩn bị cho việc trồng hàng trăm ha chuối vốn là đất trồng cỏ phục vụ dự án chăn nuôi bò giống, bò thịt (ảnh: Hữu Trung).

Tuy nhiên, Công ty Bình Hà đã qua mặt cơ quan chức năng, lãnh đạo tỉnh Hà Tĩnh khi không thực hiện những yêu cầu trên. Việc Công ty Bình Hà “bẻ lái” từ trồng cỏ phục vụ chăn nuôi bò sang trồng chuối chỉ vừa mới được cơ quan chức năng tỉnh này phát giác mới đây.

Phải làm rõ hiệu quả kinh tế, môi trường mới được triển khai

Sau khi được các cấp ngành báo cáo về sự vụ nêu trên, ngày 12/9, Phó Chủ tịch tỉnh Hà Tĩnh Đặng Ngọc Sơn đã dẫn đầu một đoàn công tác của tỉnh này tiến hành thị sát hiện trường, đồng thời làm việc với lãnh đạo Công ty Bình Hà.

Tại buổi thị sát, làm việc trên, đại diện lãnh đạo các sở ngành, đại diện hai huyện Cẩm Xuyên và Kỳ Anh không đồng tình với việc Công ty Bình Hà chuyển đổi cây trồng mà không báo cáo với cơ quan có thẩm quyền.


Ông Đặng Ngọc Sơn, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh (cầm cây) nghe lãnh đạo Công ty Bình Hà lí giải về việc chuyển đổi đất trồng cỏ sang trồng chuối (ảnh: Hữu Trung)

Ông Đặng Ngọc Sơn, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh (cầm cây) nghe lãnh đạo Công ty Bình Hà lí giải về việc chuyển đổi đất trồng cỏ sang trồng chuối (ảnh: Hữu Trung)

Từ ý kiến của đại diện các sở ngành, địa phương và các sai phạm của Công ty Bình Hà, Phó Chủ tịch tỉnh Hà Tĩnh đã yêu cầu công ty này phải nghiêm túc tuân thủ các thủ tục đầu tư, phải hoàn tất việc đánh giá tác động môi trường.

Đặc biệt, ông Đặng Ngọc Sơn yêu cầu Công ty Bình Hà phải thực hiện mô hình trồng thử nghiệm để có đánh giá về mặt khoa học, phù hợp với điều kiện, khí hậu của địa phương…

Phó Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu công ty có báo cáo đánh giá cụ thể, đầy đủ, khách quan về dự án nuôi bò và báo cáo chính thức về dự án trồng chuối, gửi về các sở ngành, địa phương vào ngày 18/9/2017; giao Sở KH&ĐT tổng hợp ý kiến các ngành, địa phương báo cáo tỉnh trước ngày 25/9/2017.

Trao đổi với Dân trí vào sáng 14/9, ông Đặng Ngọc Sơn nêu rõ, tỉnh Hà Tĩnh nhất quyết yêu cầu Công ty Bình Hà phải làm rõ hiệu quả kinh tế, môi trường mới được triển khai chuyển đổi mục đích sửu dụng đất, chuyển đổi cây trồng trên phần đất đã cấp cho dự án chăn nuôi bò.

Công ty Bình Hà từng bị tỉnh Hà Tĩnh phạt 140 triệu đồng vì vi phạm một loạt các giải pháp bảo vệ môi trường

Ngoài việc bị “tuýt còi” thực hiện chủ trương chuyển đổi trồng cỏ sang trồng chuối, trước đó vào ngày 16/5/2016, Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Tĩnh đã xử phạt hành chính 140 triệu đồng với Công ty Cổ phần Chăn nuôi bò Bình Hà có trụ sở đóng tại xã Cẩm Quan (Cẩm Xuyên, Hà Tĩnh) do không tuân thủ các giải pháp bảo vệ môi trường.

Lí do là dù dự án đã đi vào hoạt động, nhưng công ty này chưa xây dựng hệ thống biogas; hồ sinh học không lót bạt HDPE chống thấm; chưa xây dựng các hạng mục công trình xử lý môi trường theo quy hoạch được duyệt; không niêm yết công khai kế hoạch quản lý môi trường của dự án tại địa điểm thực hiện dự án và trụ sở UBND cấp xã nơi thực hiện dự án để dân biết, kiểm tra giám sát.

Chưa thực hiện lập hồ sơ xác nhận hoàn thành các công trình xử lý môi trường, trình cơ quan có thẩm quyền xác nhận; khu vực xử lý không đúng theo quy hoạch; thu gom chất thải rắn (phân) chưa triệt để, để phân rơi vãi dọc tuyến đường; hố tập kết phân không nằm trong quy hoạch, không có lót bạt chống thấm, không có mái che; xử lý xác bò chết chưa đúng quy trình theo báo cáo Đánh giá tác động môi trường đã được phê duyệt.

Văn Dũng