Công ty nhà Cường "Đô La" gây bất ngờ giữa lúc giới đầu tư tái mặt
(Dân trí) - Giữa lúc áp lực bán trên thị trường dâng cao khiến VN-Index "bốc hơi" hơn 13 điểm thì cổ phiếu QCG của Quốc Cường Gia Lai lại tăng trần.
Điều gì đến cũng phải đến. Sau chuỗi tăng "nóng" và một số phiên giằng co, buổi chiều hôm nay (10/8) VN-Index đã điều chỉnh khá mạnh, đánh rơi 13,38 điểm tương ứng 1,08%, đóng cửa ở mức thấp nhất phiên 1.220,61 điểm. VN30-Index mất 13,64 điểm tương ứng 1,1%.
Trên sàn Hà Nội (HNX), tình trạng cũng tương tự với việc HNX-Index đánh mất 1,97 điểm tương ứng 0,8% còn 243,91 điểm và UPCoM-Index giảm 0,7 điểm tương ứng 0,75% còn 93,1 điểm.
Các chỉ số đóng cửa thấp nhất phiên đi kèm với thanh khoản khá cao thể hiện áp lực bán ra mạnh dần. Khối lượng giao dịch trên HoSE vượt 1 tỷ cổ phiếu, giá trị giao dịch đạt 20.231,8 tỷ đồng; con số này trên HNX là 132,57 triệu cổ phiếu tương ứng 2.049,42 tỷ đồng và trên UPCoM là 85,66 triệu cổ phiếu tương ứng 1.109,03 tỷ đồng.
Sắc đỏ bao trùm thị trường với 663 mã giảm giá, nhiều hơn gấp đôi số mã tăng là 323 mã. Trong đó, trên sàn HoSE có tới 371 mã giảm giá so với 118 mã tăng.
Áp lực bán lớn và lan rộng, tuy vậy chưa có xuất hiện tâm lý hoảng loạn, đây đơn thuần xuất phát từ hoạt động chốt lời của giới đầu tư. Phần lớn nhà đầu tư đều gặt được lợi nhuận trong thời gian vừa qua. Dù vậy, với những người mua đuổi cổ phiếu ở mức giá cao sẽ khó tránh khỏi lo lắng, đứng ngồi không yên.
Cổ phiếu bất động sản với sự dẫn đầu của VIC là điểm sáng trong phiên. Chỉ riêng VIC đã đóng góp hơn 2 điểm cho VN-Index, mã này tăng mạnh 3,2% lên 67.900 đồng.
Đáng chú ý, trong phiên này, QCG của Quốc Cường Gia Lai tăng hết biên độ trên sàn HoSE lên mức giá 11.150 đồng với khối lượng khớp lệnh tăng vọt xấp xỉ 2,8 triệu đơn vị, không có dư bán.
Cổ phiếu QCG ngược dòng thị trường tăng trần dù các phiên gần đây mã này lại diễn biến khá bất lợi (giảm hoặc đứng giá). Bởi vậy, dù phiên hôm nay tăng trần những lũy kế cả tuần giao dịch lại chỉ tăng 1,83%.
Với thị giá hiện tại, cổ phiếu Quốc Cường Gia Lai đã đạt được mức tăng hơn 35% trong vòng 1 tháng, 143% trong 3 tháng giao dịch và tăng tới 180% kể từ đầu năm.
Dù thị giá cổ phiếu tăng "chóng mặt" nhưng kết quả kinh doanh quý II của Quốc Cường Gia Lai thể hiện công ty vẫn đang gặp nhiều khó khăn trong lĩnh vực kinh doanh chính. Doanh thu thuần công ty giảm 91% so với cùng kỳ, chỉ còn gần 45 tỷ đồng, trong kỳ không ghi nhận bất kỳ khoản doanh thu nào từ bất động sản (cùng kỳ ghi nhận gần 475 tỷ đồng).
Cổ phiếu và nhiều cổ phiếu bất động sản thời gian qua tăng giá nhờ loạt thông tin hỗ trợ như Chính phủ đưa ra các giải pháp tháo gỡ khó khăn hay mặt bằng lãi suất cho vay có xu hướng hạ nhiệt.
Trao đổi với PV Dân trí, bà Nguyễn Ngọc Linh - Giám đốc Tự doanh của Công ty Chứng khoán DNSE cho hay, đà tăng của cổ phiếu bất động sản trong thời gian qua chủ yếu phản ánh kỳ vọng của nhà đầu tư về việc thị trường bất động sản sớm "tan băng".
"Do vậy, đầu tư vào ngành bất động sản ở thời điểm hiện tại là nhìn vào tương lai chứ không nên quá kỳ vọng vào kết quả kinh doanh của ngành trong 1-2 quý tới đây" - bà Linh nhìn nhận.
Vị chuyên gia từ DNSE đánh giá, bức tranh của ngành bất động sản vẫn còn khá mập mờ và so với những ngành khác và việc lựa chọn cổ phiếu những ngành khác sẽ ít rủi ro hơn.
Trên thị trường chứng khoán hôm nay, VPH và TDH cũng tăng trần, trắng bên bán. HPX tăng mạnh 3,5% với khớp lệnh 13,16 triệu đơn vị; NVL tăng 3,5% với khớp lệnh 61,8 triệu đơn vị; SCR tăng 3,3% với khớp lệnh 17,86 triệu đơn vị.
Dù vậy, trong nhóm ngành này cũng chứng kiến trạng thái điều chỉnh ở phần lớn cổ phiếu. TCH giảm 4%; DXS giảm 3,8%; ITA giảm 3,5%; TEG giảm 3,3%; PTL giảm 2,9%; VRE giảm 2,8%; CRE giảm 2,8%; CRE giảm 2,8%; BCM giảm 2,8%; HDG giảm 2%...
Cổ phiếu ngành dịch vụ tài chính bị bán mạnh, đặc biệt về cuối phiên dù hầu hết cổ phiếu đều đạt trạng thái tăng giá trong phiên. Chẳng hạn, APG đầu phiên tăng lên 10.950 đồng nhưng đóng cửa giảm sàn về 10.150 đồng; TVB đầu phiên tăng lên 6,520 đồng nhưng kết phiên giảm 3,5%. Các mã khác như FIT giảm 3,4%; CTS giảm 2,9%; VRE giảm 2,8%; DCM giảm 2,7%; ORS giảm 2,4%; ORS giảm 2,4%; HCM giảm 2,3%; BSI giảm 2,3%... cũng đều đạt được trạng thái trong phiên. Điều đó đồng nghĩa với việc đã có những nhà đầu tư mua cổ phiếu ở mức giá cao và cuối phiên lỗ đậm.
Diễn biến tương tự xảy ra tại cổ phiếu ngân hàng. Nhiều cổ phiếu lớn như BID, CTG, STB, VCB kết phiên giảm mạnh dù trong phiên đều tăng giá.
Cổ phiếu ngành thực phẩm và đồ uống thời gian vừa qua đạt được đà tăng tốt, sáng nay tiếp tục tăng nhưng đến phiên chiều đã bị chốt lời mạnh. AGM giảm sàn, trắng bên mua; MSN giảm 5,7%; DBC giảm 5,3%; BAF giảm 4%; CMX giảm 3,9%; HNG giảm 3,7%; HAG giảm 3,6%; VHC giảm 3,5%; LSS giảm 3,2%; VCF giảm 3%...
Trên thực tế, việc VN-Index là vấn đề thời gian và không hề bất ngờ. Giới phân tích cũng thường xuyên đưa ra khuyến nghị, nhà đầu tư có thể tiếp tục nắm giữ cổ phiếu nhưng không nên mua đuổi cổ phiếu ở những nhịp tăng mà nên dành tiền để giải ngân vào các nhịp điều chỉnh sẽ an toàn hơn.