Công ty điện gió lớn nhất Trung Quốc bị Mỹ tố có hành vi gián điệp
(Dân trí) - Sinovel Wind Group, công ty sản xuất tua bin điện gió lớn nhất Trung Quốc đã bị cáo buộc lừa đảo công ty American Superconductor của Mỹ hơn 800 triệu USD trong một vụ gián điệp kinh tế.
Hãng tin NBC dẫn tài liệu vừa được tòa án công bố cho biết, Sinovel đã dùng nhiều tiền và người đẹp hối lộ cho một kỹ sư tại công ty của Mỹ, để người này thực hiện các cuộc tấn công qua mạng vào chính máy tính công ty của mình, đánh cắp các mật mã và “qua đó lừa công ty kia hơn 800 triệu USD”.
Các công tố viên liên bang Mỹ đã gọi vụ tấn công qua mạng nhắm vào công ty American Superconductor (AMSC) tại Devens bang Massachusetts, là một trong những trường hợp gián điệp kinh tế trơ tráo nhất của các công ty Trung Quốc tại Mỹ.
Các kỹ thuật mà người Trung Quốc sử dụng để đánh cắp của công ty trên 3/4 doanh thu, một nửa lượng nhân sự và hơn 1 tỷ USD giá trị vốn hóa không khác nào một “tiểu thuyết gián điệp”, CEO của AMSC khẳng định với NBC News.
“Họ tới đây để giết chết công ty của tôi”, ông Daniel McGahn tuyên bố. “Chúng tôi khi đó nghĩ rằng đang chơi theo luật của Trung Quốc. Chúng tôi không thể ngờ hành động ăn cắp trắng trợn mô hình kinh doanh của mình’.
Trước đó American Superconductor đã phát triển được một phần mềm tiên tiến giúp kiểm soát dòng điện từ các tua bin điện gió. Khách hàng lớn nhất của họ là Sinovel, nhà cung cấp tua bin điện gió lớn thứ hai thế giới, chỉ sau hãng Vestas của Đan Mạch.
Nhưng tháng 3/2011, Sinovel bất ngờ cắt hợp đồng với công ty Mỹ và từ chối thanh toán các lô hàng theo hợp đồng đã ký sau khi Sinovel có được các mã nguồn của phần mềm nêu trên, thông qua một kỹ sư là nhân viên của American Superconductor, hồ sơ vụ án hình sự chống lại Sinovel khẳng định.
Sinovel, cùng với 2 cựu lãnh đạo của mình và một cựu kỹ sư của American Superconductor mới đây đã bị bồi thẩm đoàn liên bang Mỹ khởi tố về tội đánh cắp bí mật thương mại và lừa đảo.
Dejan Karabasevic, cựu nhân viên của American Superconductor bị nghi đánh cắp phần mềm khi còn là kỹ sư trưởng của hãng này tại văn phòng ở Áo, đã bị tuyên phạm tội đánh cắp bí mật thương mại tại một tòa án ở Áo và bị kết án năm 2011 với mức 1 năm tù.
Phía công ty Trung Quốc đã dùng tiền và phụ nữ để mua chuộc Karabesic, để đổi lại việc người này tải các đoạn mã nguồn của công ty mình vào một thiết bị lưu trữ di động và gửi đoạn mã cho lãnh đạo của Sinovel tại Trung Quốc, hồ sơ vụ án cho biết.
Các đoạn tin nhắn qua Skype và email cho thấy Sinovel đã đồng ý trả cho Karabasevic 1,7 triệu USD, một căn hộ tại Bắc Kinh và việc vui vẻ với nhiều phụ nữ. Ngoài ra công ty này còn chuyển tiền vào tài khoản ngân hàng của một bạn gái của Karabasevic là một tiếp viên hàng không người Việt Nam.
“Cô gái nào cũng cần tiền. Tôi thì cần họ. Sinovel cần tôi”, một đoạn tin nhắn của Karabasevic gửi một lãnh đạo của Sinovel tại Trung Quốc có đoạn viết.
Trong một đoạn tin nhắn khác, lãnh đạo Sinovel khen ngợi và động viên Karabasevic: “Đúng là người giỏi nhất, giống siêu nhân…haha”, một đoạn chat trên Skype của một vị lãnh đạo viết. “Đúng, siêu nhân”, Karabasevic đáp lại. “Nếu ông thành công, Sinovel có thể tách khỏi AMSC”.
“Và tôi sẽ cần sự hỗ trợ mạnh mẽ của cậu. Haha”, viên lãnh đạo của Sinovel trả lời.
Cục điều tra liên bang Mỹ FBI cho biết sau đó họ phát hiện phần mềm bị đánh cắp hoạt động trên một tua bin điện gió của Sinovel cách tổng hành dinh của SMSC chỉ chừng 60 km. Tua bin này được bán cho Cơ quan quản lý nguồn nước Massachusetts, đơn vị đã chi ra 4,7 triệu USD từ quỹ hỗ trợ của liên bang.
Bị đánh cắp thông tin và mất doanh thu, cổ phiếu của American Superconductor đã lao dốc, khiến công ty phải sa thải một nửa trong tổng số 900 nhân viên, ông McGhan cho biết.
Trong bản cáo trạng chống lại Sinovel, cơ quan công tố Mỹ đã gọi hành động tấn công của công ty này vào American Superconductor “không khác nào một vụ bức tử doanh nghiệp”.
Các quan chức Mỹ khẳng định vụ án Sinovel là ví dụ điển hình cho hành vi ăn cắp công nghệ Mỹ của Trung Quốc, khiến nền kinh tế lớn nhất thế giới thiệt hại tới 300 tỷ USD mỗi năm và mất hàng triệu việc làm, báo cáo của Ủy ban chống tội phạm đánh cắp tài sản sở hữu trí tuệ Mỹ nhấn mạnh.
“Nó hủy hoại giá trị thị trường, tàn phá việc làm. Và một điều chúng tôi biết từ vụ Sinovel đó là các công ty Mỹ dù lớn hay nhỏ đều đã quá chán ngán”, cựu đại sứ Mỹ tại Trung Quốc, Jon Huntsman, đồng chủ tịch của Ủy ban trên khẳng định.
Thanh Tùng
Theo NBC news