Công ty địa ốc vốn hơn 1.000 tỷ đồng nhận tin xấu: Kịch bản FLC có lặp lại?

Mai Chi

(Dân trí) - Cổ phiếu từng bị thao túng, bị hủy niêm yết trên HoSE, vừa xuống UPCoM đã lập tức bị đình chỉ giao dịch. Kịch bản của FLC có lặp lại với TTB?

Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội (HNX) vừa công bố quyết định về việc đưa cổ phiếu TTB của Công ty cổ phần Tập đoàn Tiến Bộ và diện đình chỉ giao dịch kể từ ngày 19/1.

Quyết định này được đưa ra ngay sau khi HNX chấp thuận đăng ký giao dịch hơn 101,5 triệu cổ phiếu TTB, ngày giao dịch đầu tiên là ngày 19/1 với giá tham chiếu chào sàn 1.800 đồng/cổ phiếu.

Nguyên nhân được HNX cho biết, Tập đoàn Tiến Bộ là công ty bị hủy bỏ niêm yết bắt buộc do vi phạm nghiêm trọng nghĩa vụ công bố thông tin theo quy định.

Trong thời hạn 15 ngày làm việc kể từ ngày cổ phiếu bị đình chỉ giao dịch, Tập đoàn Tiến Bộ phải gửi văn bản cho HNX giải trình nguyên nhân, đưa ra phương án khắc phục tình trạng bị đình chỉ giao dịch.

Công ty địa ốc vốn hơn 1.000 tỷ đồng nhận tin xấu: Kịch bản FLC có lặp lại? - 1

Lịch sử giá cổ phiếu TTB trước khi bị hủy niêm yết trên HoSE và đình chỉ giao dịch trên UPCoM (Nguồn: Investing).

Trước đó, TTB bị hủy niêm yết bắt buộc trên HoSE từ 8/1, ngày giao dịch cuối cùng là ngày 6/7/2023, do chưa công bố thông tin báo cáo tài chính kiểm toán năm 2022 và báo cáo tài chính soát xét bán niên năm 2023.

Tình hình của cổ phiếu TTB khiến nhiều người liên tưởng đến trường hợp của các cổ phiếu "họ FLC" trước đó, sau khi bị HoSE hủy niêm yết và chuyển xuống sàn UPCoM thì lập tức bị đình chỉ giao dịch.

TTB cũng từng là cổ phiếu "nóng" trên thị trường nhưng bị thao túng giá, doanh nghiệp nhiều lần bị xử phạt do vi phạm công bố thông tin, chịu ảnh hưởng do lãnh đạo công ty vướng vào vòng lao lý.

Vào đầu năm 2022, 2 cá nhân là ông Dương Thanh Xuân và ông Nguyễn Thành Nam đã bị Ủy ban Chứng khoán Nhà nước xử phạt do sử dụng 102 tài khoản để giao dịch tạo cung, cầu giả tạo, thao túng thị trường chứng khoán đối với cổ phiếu TTB. Tuy nhiên, 2 cá nhân chỉ bị phạt tiền 600 triệu đồng

Cuối tháng 1 năm ngoái, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Thái Nguyên đã ra quyết định khởi tố vụ án hình sự "Cố ý công bố thông tin sai lệch trong hoạt động chứng khoán" xảy ra tại Tập đoàn Tiến Bộ. Sau đó, 4 cán bộ thuộc tập đoàn này tiếp tục bị khởi tố bị can (trong đó có ông Phùng Văn Bộ lúc đó là Chủ tịch Hội đồng quản trị và ông Phùng Văn Thái lúc đó là Tổng giám đốc).

Công ty Cổ phần Tập đoàn Tiến Bộ tiền thân là Doanh nghiệp tư nhân Công nghiệp và Thương mại Tiến Bộ thành lập năm 1998, với ngành nghề chủ yếu là sản xuất cốp pha - giàn giáo, kinh doanh dịch vụ cho thuê cốp pha giàn giáo và thiết bị xây dựng, kinh doanh sắt thép; và sản phẩm chính là cốp pha - giàn giáo, thiết bị xây dựng.

Năm 2004, công ty chuyển đổi sang hình thức Công ty Trách nhiệm Hữu hạn (TNHH) Tiến Bộ có hai thành viên trở lên, với vốn điều lệ 1,5 tỷ đồng. Đến năm 2008 chuyển đổi thành Công ty cổ phần Tập Đoàn Tiến Bộ gồm 3 cổ đông sáng lập với vốn điều lệ đăng ký 30 tỷ đồng.

Năm 2009, công ty đại chúng hóa. Năm 2015, cổ phiếu TTB niêm yết trên Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX), sau đó 3 năm, công ty chuyển niêm yết cổ phiếu lên Sở Giao dịch Chứng khoán TPHCM (HoSE). Thời điểm hiện tại, vốn điều lệ của Tập đoàn Tiến Bộ đã hơn 1.015 tỷ đồng với trên 101,5 triệu cổ phần, mệnh giá 10.000 đồng.