1. Dòng sự kiện:
  2. Hàng giá rẻ Trung Quốc đổ bộ

Công ty chứng khoán hết những “mùa vàng”!

Thị trường chứng khoán Việt Nam đã điều chỉnh sâu kể từ tháng 4/2007. Chứng khoán chưa phục hồi không chỉ là nỗi lo của các nhà đầu tư mà còn của cả những công ty chứng khoán (CTCK).

Ồ ạt ra đời

Từ con số 14 công ty chứng khoán (CTCK) vào cuối năm 2006, thị trường đã chứng kiến sự phát triển theo cấp số nhân về sự ra đời của loại hình công ty này. Đến nay, đã có 59 Công ty chứng khoán đã được UBCKNN cấp phép.

Tuy nhiên số lượng CTCK vẫn chưa dừng ở đây khi còn gần 50 hồ sơ xin cấp phép thành lập CTCK đang chờ xét duyệt. Có thể kể những công ty  đã lên kế hoạch thành lập CTCK như Vincom, Taxi Mai Linh…

Nguyên nhân dẫn đến việc này là do mức lợi nhuận đạt được của các CTCK trong thời gian qua quá béo bở. Có công ty đạt lợi nhuận tương đương với vốn điều lệ trong thời gian ngắn như SSI.

Bên cạnh đó cơn sốt thị giá cổ phiếu kéo dài từ tháng 10-2006 đến tháng 3-2007 đã làm gia tăng lượng tài khoản nhà đầu tư từ 100.000 lên xấp xỉ 250.000 tài khoản, dẫn đến tình trạng quá tải ở các CTCK.

Điều này đã tạo nên tình trạng cung không đủ cầu trên thị trường, tạo ra dòng người chen chúc nhau ở các CTCK, càng tạo lực hút cho nhiều doanh nghiệp đổ xô thành lập CTCK.

Nhưng vấn đề cốt lõi chính là lợi nhuận mà các CTCK mang lại. Với chưa đầy 20 công ty  vào những tháng đầu năm nay, các CTCK đã chia nhau thị phần với tổng giá trị giao dịch khớp lệnh dao động từ 18.335 tỷ đồng đến 21.347 tỷ đồng trong một tháng.

Con số này phản ánh chỉ riêng phần phí giao dịch thu được sẽ không dưới 36 tỷ đồng/tháng, chưa tính phần phí thu từ giao dịch thỏa thuận và trái phiếu. Không chỉ thu phí môi giới giao dịch, phần thu từ bảo lãnh phát hành cũng khá lớn khi giới đầu tư đang “say” những đợt đấu giá cổ phần.

Do đó việc đổ vốn thành lập công ty mới hay tăng vốn điều lệ ở các CTCK vào thời điểm này khá dễ dàng: CTCK Đại Việt đã nhanh chóng tăng vốn từ 10 tỷ đồng vào tháng 6/2006 lên 44 tỷ đồng vào tháng 12-2007 và đạt 250 tỷ đồng vào tháng 4/2007.

Song việc ồ ạt ra đời CTCK trong thời gian qua bất ngờ vấp phải sự đổi chiều nhanh chóng của thị trường vào quý II năm nay. Giấc mơ gặt hái “mùa vàng” đã không đến mà thay vào đó là  nguy cơ mất vốn có thể xảy ra đối với các CTCK yếu thế, mới ra đời.

Hiện nay hoạt động môi giới, kinh doanh của các CTCK không còn là những cỗ máy tạo ra lợi nhuận kết xù nữa mà thay vào đó là việc cạnh tranh thị phần ngày càng gay gắt. Một số doanh nghiệp đã bắt đầu trì hoãn kế hoạch thành lập CTCK để tránh thua lỗ nhãn tiền.

Nếm trái đắng

Chi phí quản lý của CTCK gia tăng nhanh chóng do chi phí thuê mặt bằng tăng cao khi doanh nghiệp buộc phải thuê những nơi có diện tích sàn theo quy định của UBCKNN là từ 150 m2 trở lên. Cuộc tranh giành nhân lực trong ngành đã đưa mức chi trả lương cho nhân viên cũng gia tăng liên tục.

Các CTCK hiện nay cũng phải đầu tư thiết lập hệ thống công nghệ tương thích với phương thức áp dụng khớp lệnh liên tục… Những yếu tố này đã đưa chi phí quản lý bình quân hàng tháng của CTCK từ 500 triệu đồng đến 7 tỷ đồng.

Trong khi đó, quy mô giao dịch của thị trường chính thức lại giảm nhanh chóng, tổng giá trị giao dịch khớp lệnh trên HOSE trong tháng 7 năm nay chỉ bằng 50% những tháng đầu năm, chỉ đạt 10.039 tỷ đồng.

Các CTCK ra đời sau đang cố gắng kéo khách hàng bằng cách giảm phí, song hơn 60% thị phần vẫn nằm trong các CTCK lâu đời như SSI, BVSC, ACBS, BSC… Tuy chưa có số liệu thống kê chính xác nhưng hơn 30 CTCK ra đời sau muốn kiếm được 2.000 nhà đầu tư mở tài khoản không phải dễ.

Điều này có thể nhìn thấy qua sự vắng lặng tại các sàn giao dịch mới. Có phiên chỉ có từ 3 đến 10 nhà đầu tư có mặt trong giờ giao dịch. Hình ảnh tương phản nhau thể hiện rõ nhất là trong cùng một tòa nhà nhưng có CTCK hiếm khi nhà đầu tư lấp đầy 30% diện tích, còn tại CTCK khác phải thuê hẳn hai tầng để đáp ứng nhu cầu giao dịch của nhà đầu tư.

Trước tình hình thị giá cổ phiếu giảm từ 20 đến 50% trong vòng hai tháng qua, việc bảo lãnh phát hành cho doanh nghiệp cũng rơi vào tình cảnh khốn đốn. Thậm chí nhiều công ty phải hủy những đợt đấu giá được ấn định trước nên nguồn thu này gần như cũng đóng băng.

Không chỉ đối mặt với những khó khăn hiện tại, các CTCK còn nhiều vấn đề phải giải quyết theo lộ trình quy định của UBCKNN như quy mô vốn. Theo quy định mới, CTCK phải đạt mức vốn 300 tỷ đồng.

Đến nay chỉ có 21/59 CTCK là có vốn điều lệ trên 100 tỷ đồng nên lộ trình tăng vốn trên xem ra không phải là điều dễ dàng thực hiện. Nếu tình hình thị trường không có đột biến như cuối năm ngoái, việc tìm lợi nhuận để bù chi phí xem ra là rất khó chứ chưa nói đến việc tìm ra lợi nhuận để chi trả cổ tức.

Do vậy kế hoạch thành lập CTCK của CTCP Minh Phú hay VASS không còn được đề cập đến. Việc trì hoãn này là đều dễ hiểu trong bối cảnh hiện nay.

Theo SGGP

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm