Công ty chứng khoán chờ... chết
Khó khăn chồng chất khiến nhiều công ty chứng khoán phải “tự sát” hoặc bán mình cho một công ty khác để chấm dứt cuộc sống “bệnh tật”.
Vào thời điểm khủng hoảng của thị trường, khá nhiều công ty chứng khoán (CTCK) bị buộc phải “ra đi” do vi phạm các quy định của nhà nước, nhà đầu tư dùng đòn bẩy cao dẫn đến mất kiểm soát, thua lỗ nặng… Một số công ty vượt qua được thời “đen tối” của thị trường thì nay như người bệnh nan y, sống mà như chết.
Rơi rụng
Đọc những thông tin kinh tế - tài chính mới nhất trên FICA: |
Gần đây, hàng loạt CTCK bị cơ quan quản lý đưa vào diện kiểm soát đặc biệt vì nhiều lý do, trong đó có nguyên nhân không bảo đảm chỉ tiêu an toàn tài chính. Một số công ty còn tệ đến mức không đủ tiền đóng phí thuê cổng kết nối đường truyền nên bị cắt kết nối với sở giao dịch. Trong đó phải kể đến những cái tên như: Công ty CP Chứng khoán Á Âu (AAS), Công ty CP Chứng khoán Ngân hàng Phát triển Nhà đồng bằng sông Cửu Long (MHBS), Công ty TNHH Chứng khoán CIMB - Vinashin, CTCK Việt Tín (VTSS), CTCK Kenanga Việt Nam (KVS), CTCK VSM (VSM), CTCK Tonkin (HASC)….
Chết sao cho đẹp?
Tổng giám đốc một CTCK có quy mô nhỏ, vốn dưới 100 tỉ đồng, cho biết mấy năm nay, công ty ông luôn trong tình trạng bất ổn vì thiếu vốn, không thu hút nhà đầu tư. Tự doanh và môi giới chỉ đủ để công ty tồn tại chứ không có lợi nhuận, còn các dịch vụ khác rất khó kiếm tiền. Muốn giải thoát bằng cách kêu gọi nhà đầu tư góp vốn thì đỏ mắt tìm nhưng không ra.
TS Lê Đạt Chí, Trưởng Bộ môn Đầu tư Tài chính Trường ĐH Kinh tế TP HCM, cho rằng CTCK nào thời gian qua “tự sát” sớm, âm thầm rút khỏi thị trường xem ra nhẹ nhàng hơn vì càng kéo dài sự sống trong điều kiện “bệnh tật” thì càng mất cơ hội sử dụng vốn vào việc khác. Sáp nhập, hợp nhất hay giải thể là phương án mà các CTCK phải chọn lựa trong giai đoạn này. Việc hợp nhất, sáp nhập giữa các đơn vị sẽ giúp giảm chi phí, giảm lỗ và tăng cường năng lực cạnh tranh trong lúc thị trường còn lắm khó khăn. “Sau sáp nhập, hợp nhất thì CTCK được mang tên mới, quá khứ dù có “bị đen” cũng được xóa đi bằng “giấy khai sinh” mới sạch sẽ hơn vì các con số đã được làm đẹp qua báo cáo tài chính” - ông Chí nói.
Cũng có CTCK thay vì phải đầu tư, mở rộng hoạt động thì chọn cách mua lại 1 CTCK khác nhằm sử dụng tài sản cũng như khách hàng sẵn có. Mới đây, lãnh đạo CTCK Sen Vàng (GLS) đã đổi phương án, thay vì tuyên bố giải thể, bán tài sản chia cho cổ đông thì công ty thông báo sáp nhập với CTCK châu Á - Thái Bình Dương (APEC) với tỉ lệ hoán đổi 1-1. Giá bán này giới tài chính nhận định là được nhưng hiện phía GLS phải chờ cổ đông của APEC thông qua. “Thủ tục giải thể phức tạp hơn sáp nhập. Ngoài ra, từ đầu năm đến nay, GLS bắt đầu có lãi nên hy vọng thủ tục sáp nhập được tiến hành sớm” - ông Nguyễn Ngọc Trường Chinh, Tổng Giám đốc GLS, chia sẻ.
Sự thành công của việc mua bán, sáp nhập các CTCK đến nay vẫn còn là ẩn số. Trong khi giới chứng khoán nhận định từ nay đến năm 2015 sẽ còn nhiều công ty phải tính đến chuyện giải thể nếu không muốn kéo dài sự sống bệnh tật, hao tốn tiền của nhà đầu tư.
Cuộc chơi còn khắc nghiệt
TS Trần Đắc Sinh, Chủ tịch HĐQT Sở Giao dịch Chứng khoán TP HCM, cho biết những năm gần đây không cấp phép cho CTCK mới nào mà chủ yếu là sự co cụm, giải thể, sáp nhập liên tục giữa các CTCK. Hiện các CTCK lớn đã “nuốt” khá nhiều CTCK nhỏ, buộc các công ty nhỏ phải tự tìm cách thoát thân. Trong vài năm tới, thị trường chứng khoán phái sinh ra đời. Sân chơi cao cấp, chuyên nghiệp này chỉ dành cho các CTCK lớn, tài chính và năng lực mạnh. Vì vậy, theo quy định của dự thảo về chứng khoán phái sinh thì chỉ các CTCK có vốn từ 600-800 tỉ đồng, bảo đảm các điều kiện, chỉ tiêu an toàn tài chính mới được tham gia.
“Khi đó, quy luật đào thải của thị trường ngày càng khắt khe hơn nên buộc các CTCK nhỏ, không đủ công nghệ, tài chính, nhân lực phải nhường lại sân chơi” - ông Sinh nói. |
Theo Sơn Nhung