1. Dòng sự kiện:
  2. Hàng giá rẻ Trung Quốc đổ bộ

Gia Lai

“Công trình sai lầm thế kỷ” được nguyên Chủ tịch tỉnh “lén” ký đồng ý

(Dân trí) - Chiều ngày 6/4, ông Huỳnh Thành - Phó trưởng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Gia Lai - cho biết, trước đây Thường vụ Tỉnh ủy đã không nhất trí với việc xây dựng của thủy điện An khê- Kanak. Chủ tịch tỉnh lúc này đã ký văn bản đồng ý cho xây dựng mà không thông qua Thường vụ.

Vừa qua, tại diễn đàn Quốc Hội, ông Huỳnh Thành đã nhấn mạnh công trình thủy điện An Khê- Kanak là “công trình sai lầm thế kỷ” và chỉ có “Việt Nam mình là liều lĩnh” khi chặn hẳn nước ở một dòng sông và chuyển nước sang một dòng sông khác. Và hệ quả của công trình này đã khiến cho hàng vạn người dân ở hạ nguồn thủy điện của tỉnh Gia Lai và Phú Yên bị ảnh hưởng.

Thủy điện An Khê- Kanak được khởi công xây dựng vào năm 2005 với tổng công suất 173MW. Từ khi công trình này được xây dựng, nước của dòng sông Ba chảy qua Gia Lai đã bị chặn để chuyển về dòng sông Côn (Bình Định), khiến hạ lưu sông Ba đi qua tỉnh Gia Lai và Phú Yên gần như biến thành dòng sông “chết”. Và hậu quả của việc chặn dòng này là cực kỳ nghiêm trọng, khiến hàng vạn người dân ở phía hạ lưu bức xúc vì bị ảnh hưởng.

Việc chuyển dòng nước từ sông Ba sang sông Côn đã khiến cho phía hạ lưu sông Ba vào mỗi mùa khô bị cạn kiệt, ảnh hưởng lớn đến đời sống của người dân phía hạ lưu. Còn vào mùa mưa lũ thì người dân sống trong sự nơm nớp lo sợ thủy điện xả lũ bất ngờ.

Điển hình, vào ngày 25/5/2011, Nhà máy thủy điện An Khê- Kanak đã bất ngờ xả nước khiến 50 ha hoa màu của người dân bị ngập úng, 10 con bò bị nước cuốn trôi, 62 máy nổ, máy bơm nước của các hộ dân ở huyện Kbang bị cuốn trôi… Thiệt hại khoảng 10 tỷ đồng nhưng các hộ dân chỉ được đền bù 4,5 tỷ đồng. Năm 2013, Nhà máy thủy điện này lại bất ngờ xả lũ mà không thông báo cho chính quyền và người dân địa phương vùng hạ lưu khiến nhiều tài sản của người dân bị thiệt hại…

Sông Ba từ một dòng sông lớn, giờ đây đã trở thành... đồng cỏ.
Sông Ba từ một dòng sông lớn, giờ đây đã trở thành... đồng cỏ.

Trao đổi với chúng tôi, ông Lê Tuấn Anh - Trưởng phòng Tài nguyên nước - Sở Tài Nguyên & Môi trường tỉnh Gia Lai cho biết, đầu tháng 3 vừa qua, đoàn kiểm tra liên ngành tỉnh Gia Lai đã bất ngờ kiểm tra việc xả nước của nhà máy thủy điện An Khê- Kanak thì phát hiện nhà máy xả nước không đúng quy định. Theo quy định thì nhà máy phải xả xuống hạ lưu sông Ba với lưu lượng nước là trên 6m3/s, nhưng nhà máy đã xả ít hơn.

Đánh giá về việc chuyển nước từ dòng sông này sang dòng sông kia, ông Tuấn Anh cho biết, việc làm này không chỉ ảnh hưởng tới đời sống của người dân phía hạ lưu mà còn ảnh hưởng tới môi trường và hệ sinh thái của dòng sông phía hạ lưu. Trước đây, các cơ quan ban ngành tỉnh Gia Lai đã phản đối rất nhiều về việc xây dựng nhà máy.

Liên quan đến vấn đề trên, PV Dân trí đã liên lạc với ông Lũy- Giám đốc nhà máy thủy điện An Khê- Kanak để làm việc nhưng ông Lũy không bắt máy.

Trước đó, trao đổi với báo chí, ông Đỗ Đức Hoài - Phó Giám đốc Công ty Thủy điện An Khê- Kanak cho rằng: “Ý kiến của ông Huỳnh Thành tại Quốc hội là sai lệch quá nhiều so với thực tế. Chỉ nghe người ta nói rồi nói lại. Thực tế, năm nay chúng tôi cấp nước về hạ du bằng 175% so với lưu lượng về hồ. Nếu không có nhà máy của chúng tôi thì năm nay hạn hán sẽ xảy ra ở lưu vực sông Ba”.

Đại biểu Quốc hội cho rằng công trình thủy điện được nguyên Chủ tịch tỉnh Gia Lai lén ký.
Đại biểu Quốc hội cho rằng công trình thủy điện được nguyên Chủ tịch tỉnh Gia Lai "lén" ký.

Trước ý kiến trên của lãnh đạo nhà máy, trao đổi với PV Dân trí, ông Huỳnh Thành cho biết, nhà máy nói vậy là không có trách nhiệm. Tôi là đại diện cho đoàn đại biểu Quốc hội tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri và đã nhiều lần cùng đoàn giám sát đi xuống thực tế giám sát. Sự việc này là kéo dài nhiều năm nay rồi chứ không phải bữa nay. Nhưng bữa nay thì khốc liệt hơn do hiện tượng El nino, nên khóc liệt hơn, thể hiện quá sức chịu đựng của đồng bào, bữa nay không có nước mà.

Ông Thành cũng cho biết, khi nhà máy bắt đầu ngăn dòng, dưới hạ lưu nhà máy không có nước nên đã kiến nghị nhà máy phải trả nước xuống để có dòng nước chảy dưới hạ nguồn. Nhưng do lợi ích phát điện nên có khi người ta xả, có khi không nên gây ra bức xúc liên tục và năm nào cũng vậy.

Rắc rối đầu tiên là khi xây dựng công trình chuyển hẳn nước về sông Côn (Bình Định) mà trên thế giới không có nước nào chuyển nước hết; không có nước nào dám chặn thẳng dòng sông này chuyển qua dòng sông khác đâu. Chỉ có Việt Nam mình là làm thế này, gây hậu quả lâu dài nhiều năm sau không khắc phục được.

Cũng theo ông Thành, trước đây, khi xây dựng nhà máy đã xin ý kiến Thường vụ tỉnh ủy nhưng không được thường vụ nhất trí, lúc đó đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh nói các nhà khoa học nói hợp lý nên đồng chí ấy đã ký đồng ý cho xây dựng nhà máy. Và sau này mới biết đồng chí ấy đã ký và đồng chí ấy đã nói như vậy. Và sau không tìm ra nghị quyết nào của Thường vụ đồng ý, và đồng chí Chủ tịch ký mà không thông qua Thường vụ. Và mặc dù có nhiều ý kiến phản đối của các cơ quan ban nghành tỉnh, nhưng người ta vẫn xây nhà máy vì có văn bản ký đồng ý của Chủ tịch nhưng không thông qua Thường vụ.

Trước sự việc trên, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã yêu cầu Bộ Công Thương và Tập đoàn Điện lực Việt Nam báo cáo về “công trình sai lầm thế kỷ” này.

Thiên Thư

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm