Thanh Hoá:

Công trình điện dở dang, hàng trăm hộ dân dùng điện “chui”

(Dân trí) - Phải bỏ tiền ra mua điện phục vụ sinh hoạt nhưng hàng trăm hộ dân trên địa bàn huyện miền núi Lang Chánh (Thanh Hoá) vẫn mang tiếng là dùng điện “chui”. Trong khi đó, những công trình điện được đầu tư xây dựng dở dang đã làm ảnh hưởng không nhỏ đến đời sống sinh hoạt và sản xuất của người dân.

Qua tìm hiểu của phóng viên, tại thôn Cắm, xã Đồng Lương, huyện Lang Chánh có hàng trăm hộ dân, chủ yếu là đồng bào dân tộc Mường chưa có điện lưới để phục vụ sinh hoạt và sản xuất, mà người dân đang phải dùng điện “chui”. Từ nhiều đời nay, bà con mong muốn có đường điện để cuộc sống bớt phần khó khăn, vất vả.

Những hàng cột điện dựng lên rồi để đó
Những hàng cột điện dựng lên rồi để đó

Niềm mong ước bao đời của người dân cũng được “thắp sáng” khi dự án xây dựng công trình cung cấp điện được thi công. Thế nhưng, niềm vui chưa trọn vẹn khi những cây cột điện được dựng lên, trạm biến áp đã lắp đặt xong, nhưng rồi lại nằm im đó, còn người dân thì lại tiếp tục thấp thỏm đợi chờ.

Không chỉ thôn Cắm, xã Đồng Lương mà tại xã Tân Phúc, chỉ cách trung tâm thị trấn huyện Lang Chánh khoảng 2km, nhưng hiện nay, địa phương này có tới 6 thôn với 550 hộ dân chưa được biết tới nguồn điện lưới là gì. Bao đời nay, hàng trăm hộ dân ở những thôn này vẫn đang phải sử dụng đèn dầu trong sinh hoạt.

Qua tìm hiểu được biết, năm 2009, tại thôn Tân Cương và Tân Biên, xã Tân Phúc được lắp đặt 32 cột điện cao thế. Thế nhưng, những cây cột điện này được dựng lên đến nay đã gần 8 năm vẫn nằm trơ trọi mà chưa được rải dây điện. Bất đắc dĩ, hàng trăm hộ dân dùng cây tre thay cột điện bê tông để kéo nhờ từ các hộ dân ở những bản đã có điện nằm cách xa 2 - 3km về phục vụ sinh hoạt.

Tuy nhiên, do đường dây không đảm bảo đủ tải nên nguồn điện chỉ đủ thắp sáng, hoặc cắm nồi cơm nhưng lúc sống, lúc khê. Không những thế, mỗi khi mưa gió, cột điện bằng tre, nứa đổ xuống rất nguy hiểm. Ngoài ra, một số hộ dân phải dùng máy phát điện bằng sức nước để thắp sáng.

“Không có điện, người dân chúng tôi mù mịt thông tin, kiến thức khoa học. Việc học hành của con trẻ cũng rất mịt mờ. Hàng tháng, người dân đang phải trả khoảng trên dưới 4.000 đồng cho mỗi số điện dùng “chui” nhưng không có hóa đơn”, chị Lê Thị Lý, thôn Tân Biên, xã Tân Phúc bức xúc.

Năm 2009, từ nguồn vốn của Chương trình 135, huyện miền núi Lang Chánh được Nhà nước đầu tư 3 công trình điện lưới phục vụ các thôn Xuốm, Cắm, xã Đồng Lương; thôn Khụ I, Khụ II, xã Giao An và Tân Cương, Tân Biên, xã Tân Phúc. Tuy nhiên, đến thời điểm này, các công trình điện vẫn trong tình trạng dang dở. Những hàng cột bê tông được chôn kiên cố, 6 trạm biến áp đang nằm trơ trọi mặc cho thời gian và mưa nắng huỷ hoại, còn người dân thì chật vật trong sinh hoạt và sản xuất do không có nguồn điện phục vụ.

Theo thống kê của Phòng Kinh tế - Hạ tầng huyện Lang Chánh, hiện nay trên địa bàn huyện này còn 19 thôn, bản với khoảng 1.600 hộ chưa có điện lưới quốc gia. Phần lớn người dân ở 19 thôn, bản chưa có điện lưới đều rất khó khăn về mọi mặt.

Người dân dựng cọc tre để kéo điện chui
Người dân dựng cọc tre để kéo điện "chui"

Cũng theo đại diện lãnh đạo Phòng Kinh tế - Hạ tầng huyện Lang Chánh, từ năm 1994 đến nay, huyện Lang Chánh được Nhà nước quan tâm đầu tư nhiều công trình cấp điện. Đến nay, cơ bản các xã, thị trấn trên địa bàn huyện Lang Chánh đã có điện lưới quốc gia. Tuy nhiên, do đặc thù dân cư sống thưa thớt, địa hình chia cắt, giao thông đi lại khó khăn nên việc đưa điện lưới quốc gia về những thôn, bản vùng sâu, vùng xa còn lại của huyện Lang Chánh đang gặp rất nhiều khó khăn.

Đối với công trình điện ở 3 xã còn dở dang là do thiếu vốn đầu tư. Huyện Lang Chánh dành một phần vốn dự án "Nâng cao hiệu quả năng lượng khu vực nông thôn" với Ngân hàng Tái thiết Đức (KfW) để kéo dài đường dây 0,4KV sau trạm biến áp xã Đồng Lương nhưng cũng chả thấm vào đâu. Trước thực trạng đó, UBND huyện Lang Chánh đã có văn bản gửi Sở Công Thương và có tờ trình gửi ngành điện lực Thanh Hóa xin hỗ trợ kinh phí để tiếp tục đầu tư hoàn thiện những công trình điện ở các địa phương nêu trên. Tuy nhiên, đến nay việc bố trí nguồn vốn vẫn chưa được thực hiện.

Duy Tuyên