Công tác dự báo của Bộ Tài chính còn yếu

(Dân trí) - Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tăng cao tiếp tục là vấn đề được xoáy nhiều nhất trong phiên họp báo chiều 30/11. Theo Thứ trưởng Trần Trung Tá, bên cạnh những lí do bất khả kháng dẫn đến CPI tăng cao còn có nguyên nhân từ công tác dự báo của Bộ Tài chính còn yếu kém.

Theo ông Trần Trung Tá, chỉ số giá 11 tháng đầu năm là 9,45%, nhưng nếu tính theo cách tính mới, tính bình quân 11 tháng đầu năm 2007 so với 11 tháng đầu năm 2006 thì chỉ số giá tiêu dùng chỉ tăng 7,92%. Cũng theo ông Tá, thu nhập bình quân theo đầu người của chúng ta tăng 5,8%, sau khi đã loại trừ tăng giá nên đời sống của người dân đã được cải thiện.

 

Trả lời câu hỏi về việc, liệu cách tính mới có là sự biện hộ cho việc chỉ số giá tăng cao, ông Tá cho rằng, Bộ Tài chính và các cơ quan của Chính phủ không tự đặt ra các phương pháp tính giá. Cũng không phải vì thấy cách tính này chỉ số giá tiêu dùng cao nên làm theo cách tính khác để chỉ số giá hạ thấp.

 

Theo ông Tá, khi hội nhập chúng ta cũng phải hội nhập cách tính CPI. Ông cho rằng, vấn đề chính là chúng ta phải công khai và có thể so sánh với thế giới. Cách tính này đã từng được ông đề cập từ năm trước, khi chỉ số giá tiêu dùng không cao như năm nay.

 

“Rổ” hàng hoá tính CPI hiện nay cũng được Thứ trưởng Bộ Tài chính nhận định là không hợp lí. Theo ông, không có nước nào trên thế giới tính lương thực, thực phẩm chiếm tới gần 43% như của ta.

 

Ông Tá cũng tiếp tục cho rằng, việc giá dầu tăng lên gần 100USD/thùng là không lường trước được. Một nguyên nhân khác đã được lường trước nhưng chưa lường hết là thiên tai trên diện rộng và kéo dài đã dẫn đến những mất cân đối cục bộ về lương thực, thực phẩm...

 

Trả lời câu hỏi về việc giá nguyên nhiên liệu thế giới tăng cao, nhưng CPI của các nước, chẳng hạn như Trung Quốc vẫn không cao như nước ta, ông Tá lí giải rằng, cách tính CPI của các nước khác nhau. Hơn nữa, cứ cho rằng cách tính giống nhau thì tác động giá của bên ngoài vào từng nước cũng khác nhau, ví dụ Trung Quốc gần như tự túc nguyên nhiên liệu, trong khi ta phải nhập khẩu đến 80%. Nhập khẩu hiện nay của ta so với GDP chiếm khoảng 82,87% và đây chính là nguyên nhân khiến chúng ta bị tác động mạnh khi giá cả thế giới tăng.

 

Tuy nhiên ông Tá cũng thừa nhận thiếu sót của Bộ Tài chính: “Công tác dự báo giá, dự báo tác động của thị trường thế giới còn... yếu. Chính vì dự báo yếu như vậy nên chưa đưa ra những biện pháp đón trước mà chỉ có những biện pháp tình thế nên hiệu quả chưa cao. Tới đây, chúng tôi sẽ bồi dưỡng cán bộ làm dự báo giá bởi họ không giỏi trong lĩnh vực này”.

 

Hết năm 2008 sẽ không bù lỗ giá dầu

 

Theo ông Tá, vừa qua nếu không thực hiện điều chỉnh giá dầu, nhà nước phải bù lỗ khoảng trên 12 ngàn tỉ đồng. Với việc điều chỉnh vừa qua, khoản bù lỗ dầu giảm, nhưng cũng lên tới gần 10 ngàn tỉ đồng. Hiện, Bộ Tài chính đang phải chờ đợi việc tăng thu để bù vào khoản “hao hụt” này. Nếu không bù đủ, Chính phủ phải lấy ngân sách của các năm sau bù tiếp vào.

 

Ông Trần Trung Tá cũng cho biết, mới đây Thủ tướng Chính phủ đã đưa ra lộ trình, đến hết năm 2008 sẽ chuyển sang thực hiện giá thị trường đối với dầu.

 

Cũng theo ông Tá, năm 2008, Chính phủ sẽ đưa ra những biện pháp quyết liệt nhằm hạn chế tăng giá, nhất là chống đầu cơ, nâng giá tuỳ tiện. Những biện pháp hành chính sẽ tiếp tục được thực hiện và không phải là những biện pháp hành chính đơn thuần mà là những biện pháp trên cơ sở của pháp lệnh giá.

 

“Anh cứ cộng tới vào giá hàng hoá, đẩy giá lên cao thì nhà nước có quyền xử phạt; nếu có câu kết, còn có thể đưa ra xét xử”, ông Tá nhấn mạnh.

 

Cấn Cường