1. Dòng sự kiện:
  2. Hàng giá rẻ Trung Quốc đổ bộ

Công nghệ sản xuất tại TPHCM đáng báo động

(Dân trí) - Chi phí sản xuất 1 đơn vị sản phẩm của các doanh nghiệp TPHCM rất cao, gấp 1,5 lần Thái Lan, gấp đôi các nước sản xuất hiện đại. Có điều đó là do các doanh nghiệp TPHCM ứng dụng công nghệ sản xuất rất lạc hậu.

Công nghệ sản xuất tại TPHCM đáng báo động - 1
Cần đổi mới công nghệ nếu không sản xuất TPHCM chỉ là gia công kiếm lời.

Nhiều đại biểu lo lắng...

Mở đầu phiên chất vấn ngày 10/12 kỳ họp thứ 17 HĐND TPHCM khoá VII, Giám đốc Sở Công thương Nguyễn Văn Lai vui mừng báo cáo: “Trong điều kiện khủng hoảng và suy thoái kinh tế thế giới giá trị sản xuất công nghiệp trên địa bàn ước đạt gần 450.000 tỷ đồng, tăng 7,5% so với cùng kỳ”.

Nhưng đại biểu Võ Văn Sen đã “bật” lại ngay: “Công nghệ thực phẩm, cơ khí, chế biến thực phẩm, hoá chất... đều là những ngành có công nghệ thấp, thâm dụng lao động nhưng lại phát triển mạnh (đều trên 10%). Trong khi đó ngành điện tử, công nghệ thông tin... tức là các ngành công nghệ cao lại không phát triển lắm.

Có phải do kinh tế khó khăn mà TP lỏng tay trong chỉ đạo chuyển dịch cơ cấu công nghiệp theo hướng phát triển công nghệ cao như chỉ đạo của HĐND TP không? Và xu hướng này ngày càng sai vì công nghệ ngày càng tiên tiến còn TPHCM ngày một thấp”.

Công nghệ sản xuất tại TPHCM đáng báo động - 2
Đại biểu Nguyễn Đăng Nghĩa:
“Tôi lo lắng cho kinh tế TPHCM”.
Đại biểu Nguyễn Đăng Nghĩa cho rằng: “Tôi lo lắng cho nền kinh tế TP ta vì thế mạnh của chúng ta không phải là dệt may, da giày, chế biến gỗ... Nếu phát triển các ngành này thì công nghiệp khó phát triển thêm”.

Ông Phan Minh Tân, Giám đốc Sở Khoa học Công nghệ TPHCM còn cung cấp thêm thông tin: “Theo khảo sát của Sở, 51% doanh nghiệp (DN) trình độ công nghệ thấp, trong số này có cả các DN có vốn đầu tư nước ngoài. Điều này dẫn đến chi phí sản xuất của DN TPHCM rất cao, tiêu hao cho 1 đơn vị sản phẩm rất lớn”.

Ông Tân cho biết thêm: “Chỉ có 46% DN có đầu tư đổi mới thiết bị công nghệ nhưng chi phí vẫn không quá 4% tổng doanh thu”. Và ông đánh giá: “Công nghệ sản xuất của các DN rất đáng báo động”.

Cơ quan chức năng né trách nhiệm

Ngoài ra, các đại biểu còn chất vấn Sở Công thương nhiều vấn đề khác như bán hàng đa cấp, quản lý chất lượng sản phẩm, tình trạng sản xuất mũ bảo hiểm kém chất lượng, năng suất lao động trong ngành công nghiệp tại sao còn quá thấp...

Thế nhưng, trả lời của ông Nguyễn Văn Lai đã khiến các đại biểu hết sức thất vọng khi ông chỉ nói vòng vo về tình hình phát triển của ngành công nghiệp TPHCM hiện nay, thống kê nhân lực lao động trong ngành... để “né” mà không trả lời trực tiếp vào câu hỏi.

Chỉ có hai câu hỏi mà ông trả lời khá chỉn chu là việc chuẩn bị hàng Tết và việc quản lý bán hàng đa cấp. Mà ngay cả việc quản lý bán hàng đa cấp ông cũng nêu cái khó bằng cách “đá” sang các đơn vị khác: “Các DN kinh doanh hình thức này không chỉ do TP cấp phép mà còn từ bộ và các tỉnh thành khác cấp phép, đến TPHCM hoạt động”.

Bà Phạm Phương Thảo, Chủ tịch HĐND TP phải “đỡ lời”: “Các đại biểu chưa hài lòng lắm và muốn Giám đốc Sở Công thương trả lời thêm nhưng áp lực về thời gian nên không thể”.

Và bà Thảo chỉ đạo: “Sở phải chú trọng quy hoạch ngành nghề, tăng số lượng ngành công nghệ cao, hạn chế ngành thâm dụng lao động; đề xuất các chính sách để hỗ trợ DN chuyển đổi công nghệ, tập trung cho một số ngành mũi nhọn mà TP quan tâm...”.

Tùng Nguyên

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm