Cộng hưởng chuyển đổi số, LienVietPostBank nắm lợi thế bứt phá
(Dân trí) - Sau ba năm dồn lực đầu tư, LienVietPostBank đã bứt phá ở nhiều chỉ tiêu trong khi vẫn đảm bảo lợi ích khách hàng và an toàn hoạt động. Lợi thế về mạng lưới là một phần lý giải, nhưng quan trọng hơn là tối ưu hóa lợi thế bằng cộng hưởng chuyển đổi số
Cụ thể hóa giá trị lợi thế riêng có
Những năm 2018 và 2019, khi đại dịch Covid-19 chưa xẩy ra, tại các kỳ ĐHĐCĐ, câu hỏi vẫn được đặt ra: Vì sao lợi nhuận LienVietPostBank chưa thực sự đạt như kỳ vọng và tương xứng với tiềm năng?
Câu trả lời từ đại diện lãnh đạo ngân hàng giai đoạn đó tập trung ở hai điểm cốt lõi: thứ nhất và quan trọng nhất, LienVietPostBank đang trong quá trình tập trung đầu tư hạ tầng mạng lưới, đặc biệt ở kế hoạch nâng cấp các phòng giao dịch bưu điện thành phòng giao dịch ngân hàng, đi cùng với phát triển nhân sự, đòi hỏi chi phí hoạt động ban đầu lớn và một phần trực tiếp ảnh hưởng đến lợi nhuận; thứ hai, chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng NHNN giao hàng năm chặt chẽ hơn trước.
Ở điểm thứ hai, sau khi lần lượt hoàn tất các trụ cột Basel II, giảm mạnh nợ xấu, đều đặn tăng vốn điều lệ, LienVietPostBank đã có đà tăng trưởng tín dụng tốt so với bình quân ngành, khi đạt tới 25,65% trong năm 2020.
Đáng chú ý, quá trình nâng cấp và phát triển mạng lưới rộng khắp các địa bàn trên cả nước trong ba năm qua từng bước hoàn tất để phát huy hiệu quả. Mạng lưới là lợi thế riêng có của LienVietPostBank trong hệ thống NHTM Việt Nam, hình thành qua sáp nhập Dịch vụ Tiết kiệm Bưu điện từ 10 năm trước; qua quá trình đầu tư và nâng cấp đến nay đã phát triển tới 556 chi nhánh và phòng giao dịch, cùng 613 phòng giao dịch bưu điện trên toàn quốc. Hệ thống phủ khắp cả nước đến tận làng xã này tạo một lợi thế bán lẻ hiệu quả và đa dạng.
Với mạng lưới vươn rộng tới khắp các huyện xã trên cả nước đã giúp LienVietPostBank tiếp cận dễ dàng với đa dạng đối tượng khách hàng, kể cả khách hàng vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa, khách hàng hưu trí, khách hàng là công chức, viên chức nhà nước… Nhờ vậy huy động bán lẻ của Ngân hàng luôn tăng trưởng ở mức cao, bình quân tăng trưởng hơn 70% trong tổng tăng trưởng huy động và nguồn không kỳ hạn CASA theo đó cũng không ngừng tăng trưởng, riêng năm 2020 đã tăng 28% so với năm trước.
Trong khi đó, tín dụng cũng tăng trưởng vượt trội so với bình quân ngành, mà theo ông Phạm Doãn Sơn, Phó chủ tịch Thường trực HĐQT kiêm Tổng giám đốc LienVietPostBank, để đạt được kết quả đó Ngân hàng đã ưu tiên phát triển các sản phẩm tín dụng bán lẻ cho phân khúc khách hàng cá nhân, doanh nghiệp nhỏ lẻ tại mọi miền đất nước gắn với lợi thế mạng lưới phủ khắp, và đặc biệt ưu tiên ở lĩnh vực nông nghiệp và nông thôn.
Và khi dịch vụ phân phối bảo hiểm qua ngân hàng (bancassurance) phát triển mạnh tại Việt Nam những năm gần đây, cũng như là xu hướng của tương lai, lợi thế và thế mạnh mạng lưới riêng có của LienVietPostBank càng phát huy hiệu quả.
Ông Sơn cho biết, bảo hiểm chính là dịch vụ tăng trưởng tốt nhất và đóng góp tích cực vào kết quả thu dịch vụ của ngân hàng năm qua. Cụ thể, năm 2020, doanh số bảo hiểm tại LienVietPostBank tăng trưởng tới 40%, nằm trong top 10 ngân hàng có doanh số bảo hiểm cao nhất thị trường.
Ở hiệu quả chung của phát triển dịch vụ, nguồn thu liên quan của LienVietPostBank năm 2020 đã đạt tới 627 tỷ đồng, cao nhất trong 13 năm hoạt động, hoàn thành 131% kế hoạch và tăng gần 60% so với năm 2019, qua đó giúp ngân hàng từng bước chuyển dịch cơ cấu thu nhập theo hướng nâng tỷ trọng thu nhập ngoài lãi.
Thêm lực đẩy chuyển đổi số
Năm 2020, bên cạnh gia tăng giá trị lợi thế riêng có về mạng lưới, LienVietPostBank cũng đã nâng cao khung năng lực quản trị rủi ro tiệm cận với thông lệ quốc tế, tất toán trước hạn toàn bộ dư nợ ở VAMC. Cùng đó, quy mô vốn điều lệ tiếp tục tăng lên và vượt mốc 10.000 tỷ đồng.
Những tiền đề đó tạo điều kiện để hướng tới đà bứt phá nối tiếp trong năm 2021. Trong đó, chuyển đổi số có vai trò tạo thêm lực đẩy để đà bứt phá mạnh mẽ hơn, đặc biệt với một NHTM có hệ thống mạng lưới rộng lớn như LienVietPostBank.
Năm 2020, LienVietPostBank đã ra mắt sản phẩm LienViet24h, tích hợp dịch vụ Thẻ phi vật lý Ví Việt, Ngân hàng số (Internet Banking và Mobile Banking) và các dịch vụ Thẻ với những tiện ích thông minh đáp ứng toàn diện nhu cầu của khách hàng trên một ứng dụng duy nhất.
"Tiếp thu và thực thi chính sách của NHNN về ứng dụng công nghệ để phát triển dịch vụ. Với nền tảng công nghệ tốt cùng với chính sách thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt của NHNN và quy định cho phép định danh tài khoản trực tuyến 100% sử dụng công nghệ eKYC đã giúp LienVietPostBank nhanh chóng triển khai sản phẩm dịch vụ, đặc biệt là sản phẩm LienViet24h, từ đó giúp gia tăng thị phần khách hàng và tăng nguồn thu từ dịch vụ", Phó chủ tịch Thường trực HĐQT kiêm Tổng giám đốc Phạm Doãn Sơn cho biết.
Đặc biệt, với đặc điểm sở hữu hệ thống mạng lưới lớn và rộng khắp cả nước, công nghệ và chuyển đổi số chính là "lối đi tắt" giúp LienVietPostBank giảm thiểu chi phí và tối ưu hóa quy trình vận hành, nâng cao năng suất lao động trên toàn hệ thống. Ngược lại, lợi thế mạng lưới trở thành dòng chảy lan tỏa trực tiếp và rộng khắp trong tư vấn và triển khai các dịch vụ ngân hàng số.
Cũng theo Phó chủ tịch Thường trực HĐQT LienVietPostBank, đầu tư công nghệ và chuyển đổi số tiếp tục là hướng ưu tiên trọng tâm trong năm 2021. Qua đó tiếp tục tối ưu hóa những lợi thế và thế mạnh sẵn có, để hướng tới hiệu quả cao hơn nữa trong triển vọng nền kinh tế phục hồi mạnh mẽ hơn năm nay, khi Việt Nam tiếp tục kiểm soát thành công dịch Covid-19 và lộ trình tiêm vaccine đang mở rộng.
Sau khi đạt lợi nhuận ấn tượng với 2.427 tỷ đồng năm 2020, dự kiến tại ĐHĐCĐ thường niên sắp tới, LienVietPostBank sẽ trình các chỉ tiêu cơ bản cho năm 2021 với tổng tài sản 282.600 tỷ đồng, lợi nhuận 3.200 tỷ đồng. Và ngay qua quý 1/2021, tốc độ bứt phá đã tiếp tục thể hiện, khi lợi nhuận trước thuế của LienVietPostBank đạt tới 1.112 tỷ đồng, gấp đôi cùng kỳ năm trước. Trong đó, các trục hoạt động bán lẻ đều tăng trưởng mạnh mẽ, điển hình như tín dụng bán lẻ tăng tới 80%, thu thuần dịch vụ tăng gần 70%.