1. Dòng sự kiện:
  2. Hàng giá rẻ Trung Quốc đổ bộ

Công an, bộ đội vẫn không được làm chủ doanh nghiệp (?!)

(Dân trí) - Quy định sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp trong các đơn vị công an, quân đội không được quyền thành lập, quản lý doanh nghiệp được cho là không… hợp thời. Thực tế, nhiều doanh nghiệp quốc phòng hiện có thêm chức năng làm kinh tế, vẫn do tướng tá quân đội làm lãnh đạo.

Chiều 21/4, UB Thường vụ Quốc hội thảo luận, cho ý kiến về dự thảo luật Doanh nghiệp sửa đổi. Việc sửa đổi Luật Doanh nghiệp theo cơ quan trình (Bộ KH-ĐT) là cần thiết nhằm yêu cầu thực thi Hiến pháp nhất là về mối quan hệ giữa Nhà nước, thị trường và doanh nghiệp.

Đọc những thông tin kinh tế - tài chính mới nhất trên FICA:

* Putin muốn "lột xác" kinh tế Crimea bằng casino

Việc sửa luật cũng giúp các doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế được đối xử bình đẳng, cùng hoạt động trong một hành lang pháp lý chung và theo cơ chế thị trường, hợp tác và cạnh tranh theo pháp luật; mọi người có quyền tự do kinh doanh trong những ngành nghề mà pháp luật không cấm; quyền sở hữu tư nhân được pháp luật bảo hộ...

Việc sửa đổi Luật Doanh nghiệp lần này cũng nhằm tạo cơ sở pháp lý cho việc tiến hành quá trình tái cơ cấu doanh nghiệp, trọng tâm là các tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước; tạo điều kiện và động lực mới cho sự phát triển của doanh nghiệp với chế độ quản trị hiện đại, phù hợp với tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế sâu rộng.
Công an, bộ đội vẫn không được làm chủ doanh nghiệp (?!)
Nhiều doanh nghiệp xanh màu áo lính không chỉ làm nhiệm vụ công ích mà là những tập đoàn kinh tế vững mạnh.

Dự thảo luật bổ sung một chương quy định về DNNN. Thực tế được chỉ ra, hoạt động của DNNN thời gian kém hiệu quả. Vấn đề đặt ra những yêu cầu cấp thiết cần quy định rõ và chặt chẽ hơn về quản trị doanh nghiệp đối với DNNN, về hạn chế ngành nghề đăng ký kinh doanh của doanh nghiệp nhà nước, về yêu cầu công khai hóa thông tin ở mức độ cao hơn.

Tuy nhiên, việc bổ sung chương mới quy định về DNNN đang không nhận được đồng thuận của cơ quan thẩm tra (UB Kinh tế của Quốc hội). Chủ nhiệm UB Nguyễn Văn Giàu lập luận, số lượng, tỷ trọng DNNN sẽ giảm dần theo chủ trương chung về tái cơ cấu DNNN.

Ông Giàu cũng nhấn mạnh nguyên tắc, DNNN cũng bình đẳng như tất cả các doanh nghiệp khác trong việc tuân thủ pháp luật.

Một số ý kiến trong UB Thường vụ đề nghị ban soạn thảo cần bổ sung thêm các quy định về cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước để tạo cơ cở pháp lý đẩy nhanh quá trình tái cơ cấu DNNN. Ý kiến khác thì đề nghị nghiên cứu, bổ sung tác quy định nhằm bảo đảm điều kiện để các doanh nghiệp tự do kinh doanh, có trách nhiệm xã hội; tạo điều kiện để các doanh nghiệp được đầu tư phát triển nguồn nhân lực, đổi mới công nghệ sản xuất, có thể đứng vững trong nền kinh tế thị trường, không để thua các doanh nghiệp của nước ngoài ngay trên sân nhà.

Đề cập đến những vấn đề nguyên tắc, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng dẫn nguyên văn một điều luật trong dự thảo “Doanh nghiệp có quyền tự chủ kinh doanh các ngành, nghề mà luật, pháp lệnh và nghị định không cấm”.

Đối chiếu với Hiến pháp 2013, Chủ tịch Quốc hội phân tích, Hiến pháp quy định mọi người có quyền tự do kinh doanh những ngành nghề pháp luật không cấm, các quyền cơ bản của công dân trong đó có quyền kinh doanh chỉ có thể bị hạn chế bởi luật. Theo hướng này, Chủ tịch Quốc hội đặt vấn đề, cần quy định trực tiếp, cụ thể các ngành nghề bị cấm trong luật.

Xem xét một quy định đối chiếu khác về các hành vi cấm “Cấm hoạt động kinh doanh gây phương hại đến quốc phòng, an ninh, trật tự, an toàn xã hội, truyền thống lịch sử, văn hoá, đạo đức, thuần phong mỹ tục Việt Nam và sức khoẻ của nhân dân, làm huỷ hoại tài nguyên, phá huỷ môi trường”, Chủ tịch Quốc hội băn khoăn vì nội hàm quá rộng của quy định.

“Cấm thế này thì cấm hết à? Có ngành nghề nào không liên quan đến những yếu tố trên, ghi trong luật thế này rồi vận dụng xử phạt người ta?” – Chủ tịch Quốc hội hỏi lại.

Trả lời câu hỏi, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch - Đầu tư Đặng Huy Đông cho biết các ngành nghề bị cấm đang nằm rải rác ở các văn bản khác nhau. Ông Đông trình bày, nếu QH cho phép, luật này sẽ gom lại thành danh sách để các doanh nghiệp tham khảo và sẽ không thể nói là không biết các ngành nghề bị cấm.

Dự thảo cũng có một điều cấm khiến các thành viên UB Thường vụ Quốc hội lăn tăn. Đó là quy định “sĩ quan, hạ sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp, công nhân quốc phòng trong các cơ quan, đơn vị thuộc quân đội và công an không được quyền thành lập và quản lý doanh nghiệp”.

 Chủ nhiệm UB Quốc phòng An ninh Nguyễn Kim Khoa cho rằng, quy định này không phù hợp với thực tế. Đơn cử, ông Khoa dẫn chứng, hiện nay có nhiều sĩ quan quân đội đang giữ cương vị lãnh đạo, quản lý tại các doanh nghiệp quốc phòng có thêm chức năng làm kinh tế.

P.Thảo
 

VTV được giao vốn như doanh nghiệp Nhà nước

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm