Còn tới 20.000 tỷ đồng phải thu từ cổ phần hóa trong 2016
(Dân trí) - Theo dự kiến, trong năm 2016 thu từ công tác cổ phần hóa các doanh nghiệp Nhà nước sẽ là 30.000 tỷ đồng nhưng hết 9 tháng mới thu được 10.000 tỷ đồng, còn lại 20.000 tỷ đồng nữa phải thu cho đến hết năm nay.
Cổ phần hóa chậm, ai chịu trách nhiêm?
Báo cáo tiếp thu, giải trình về đánh giá tình hình thực hiện ngân sách Nhà nước năm 2016, dự toán ngân sách Nhà nước (NSNN) năm 2017 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) cho hay, theo báo cáo của Chính phủ, thu từ bán cổ phần Nhà nước tại doanh nghiệp trong 9 tháng mới thực hiện được 10.000 tỷ đồng là chậm.
Tiếp thu ý kiến đại biểu Quốc hội, UBTVQH đã đề nghị Chính phủ tập trung đẩy nhanh tiến độ cơ cấu lại, cổ phần hóa doanh nghiệp Nhà nước (DNNN), thoái vốn đầu tư, để đảm bảo thu đủ 30.000 tỷ đồng vào NSNN theo Nghị quyết Quốc hội nhằm đảm bảo khả năng cân đối chi đầu tư phát triển của ngân sách trung ương. Như vậy, trong 3 tháng cuối năm phải thu tới 20.000 tỷ đồng từ bán vốn, cổ phần hóa DNNN.
Nguồn thu từ khu vực DNNN dự toán trong năm nay là 256.300 tỷ đồng song thực hiện thu 10 tháng ước đạt chỉ 176.400 tỷ đồng, bằng 68,8% dự toán, giảm 1,8% so cùng kỳ 2015. Ước cả năm đạt 239,95 nghìn tỷ đồng, bằng 93,6% dự toán.
Trước đó, vấn đề này đã được đại biểu Nguyễn Đức Kiên (Sóc Trăng) đưa ra thảo luận tại hội trường. Ông Kiên nêu rõ, theo dự kiến, trong năm 2016 này thu từ công tác cổ phần hóa các DNNN sẽ là 30.000 tỷ đồng nhưng đến thời điểm này mới thu được 10.000 tỷ đồng, còn lại 20.000 tỷ đồng nữa.
"Không biết từ bây giờ đến hai tháng nữa chúng ta tiến hành cổ phần hóa, chúng ta chào bán lần đầu lên trên sàn hay chúng ta bán như thế nào để chúng ta thu được 20.000 tỷ đồng? Nếu giả sử 20.000 tỷ đồng mà chúng ta không cổ phần hóa được thì lúc đó trách nhiệm thuộc về ai và xử lý vấn đề ngân sách như thế nào", ông Kiên đặt câu hỏi.
Ông Kiên cũng đề nghị, nguồn lực thu được từ cổ phần hóa DNNN cần phải được sử dụng vào danh mục cụ thể cho đầu tư phát triển chứ không hòa chung vào ngân sách rồi dùng để chi tiêu thường xuyên.
Gần 15.000 tỷ đồng nợ thuế không có khả năng thu
Liên quan đến tiến độ ngân sách, theo UBTVQH, tại thời điểm ngày 30/9/2016, tổng số tiền nợ thuế nội địa khoảng 74,1 nghìn tỷ đồng, tăng 0,3% (245 tỷ đồng) so với thời điểm 31/12/2015 .
Đáng chú ý, nợ thuế không có khả năng thu là 14,97 nghìn tỷ đồng, chiếm 20,2% tổng số nợ, tăng 1,1% so thời điểm 31/12/2015; riêng khu vực ngoài quốc doanh chiếm khoảng 78,8% tổng số nợ thuế, tăng 9,6%.
Mặc dù công tác quản lý nợ thuế đã đạt được một số kết quả tích cực, số nợ thuế thu hồi ở một số địa phương đến ngày 30/9/2016 đã giảm, nhưng số nợ thuế tuyệt đối vẫn còn cao, đặc biệt là khu vực ngoài quốc doanh. Nguyên nhân do một số doanh nghiệp hoạt động sản xuất, kinh doanh gặp khó khăn, thua lỗ kéo dài, mất khả năng thanh toán, không có khả năng nộp thuế.
Bên cạnh đó, một bộ phận người nộp thuế chưa chấp hành tốt các quy định của pháp luật về thuế, chây ỳ, không nộp thuế đúng hạn, nợ thuế kéo dài, cơ quan thuế xử phạt, tính tiền chậm nộp dẫn đến khoản tiền phạt chậm nộp tăng lên.
Tiếp thu ý kiến đại biểu Quốc hội, UBTVQH đề nghị Chính phủ tiếp tục chỉ đạo quyết liệt hơn bằng các biện pháp mạnh mẽ để khắc phục tình trạng trốn thuế, chây ỳ, nợ thuế, có biện pháp xử lý kịp thời, kiên quyết và nghiêm minh đối với các doanh nghiệp nợ thuế kéo dài trong nhiều năm.
Đồng thời, giao Chính phủ tổ chức kiểm tra chuyên sâu theo lĩnh vực trọng điểm và các mặt hàng nhạy cảm (sử dụng hóa đơn, chuyển nhượng vốn, hộ kinh doanh thương mại, dịch vụ ăn uống...); kiểm tra chặt chẽ hoạt động công vụ trong thanh tra, kiểm tra thuế; kiên quyết xử lý các hành vi tiêu cực, các trường hợp gây phiền hà, sách nhiễu với doanh nghiệp.
Bích Diệp