Còn nhiều kênh phân phối cho doanh nghiệp Việt
(Dân trí) - “Tuy các doanh nghiệp (DN) bán lẻ nước ngoài đã vào Việt Nam nhưng không phải họ đã chiếm lĩnh được thị trường này. Chúng ta còn rất nhiều kênh phân phối mà DN Việt có thể chiếm lĩnh, ngay cả kênh phân phối hiện đại”.
Thị trường Việt Nam đang gia tăng mạnh mẽ sự có mặt của các tập đoàn bán lẻ lớn của thế giới. |
DN Việt chưa hướng tới thị trường nội địa
Nguyên Bộ trưởng Trương Đình Tuyển cho hay: Trong quá trình mở cửa thị trường hội nhập quốc tế gắn với CNH, HĐH, các hệ thống phân phối của chúng ta phát triển rất đa dạng. Theo một số nghiên cứu, loại hình phân phối hiện đại là trung tâm thương mại lớn, siêu thị... chiếm 18% - một tỉ lệ không quá lớn nhưng ngày càng tăng lên - phương thức phân phối truyền thống: cửa hàng bán lẻ, bán trực tiếp, bán qua chợ... vẫn còn chiếm tới 82% và xu hướng này đang thay đổi.
DN phải biết lựa chọn kênh phân phối nào phù hợp với mình. Nếu tiềm lực tài chính lớn thì tập trung phát triển hệ thống phân phối hiện đại, xây dựng siêu thị quy mô nhỏ ở chung cư, đô thị mới... rất phù hợp với người Việt Nam. Vì vậy, nhà phân phối cần thiết lập mối quan hệ ổn định với người tiêu dùng, trên cơ sở liên kết chặt chẽ người sản xuất - người phân phối - người tiêu dùng. Tuy nhiên, việc liên kết này đang bị nhiều doanh nghiệp coi thường.
“Bản thân nhà phân phối không nhận thức được vai trò quan trọng khi liên kết sẽ hình thành kênh lưu thông ổn định, hình thành đối tượng khách hàng chung thuỷ với DN, cùng chia sẻ lợi ích với DN. Chính sách của chúng ta trong một thời gian khá dài, thậm chí cả bây giờ, hay thay đổi, tạo ra cơ hội cho DN này, làm mất cơ hội của DN khác, nên các DN thường chỉ nghĩ đến kinh doanh cơ hội, chụp giựt là chủ yếu, lợi dụng sự thay đổi của một số chính sách để trục lợi, không quan tâm tới việc phát triển lâu dài. Theo tôi, một tư duy sai lầm là chỉ ưu tiên cho sản xuất mà xem thường thương mại”, ông Trương Đình Tuyển nhấn mạnh.
Hướng vào nội địa, theo quan điểm của ông Tuyển, DN Việt cũng không phải thay đổi lớn. Chẳng hạn trước đây họ xuất khẩu quần áo thì bây giờ làm thế nào để quần áo tại thị trường trong nước nhiều hơn so với quần áo nước ngoài, giầy dép, dây cáp điện... cũng như vậy. Quan trọng là chúng ta không chú ý, để hàng nước ngoài vào chiếm lĩnh, còn ta lo đi xuất khẩu đâu đâu.
“Khi chúng ta nâng chất lượng lên, tự chúng ta thấy dùng hàng Việt là tốt, làm gì còn bia Vạn Lực, gạch ngói, phích nước Trung Quốc... Người tiêu dùng rất khôn, họ cá thể hoá đối tượng giỏi hơn doanh nghiệp. Tôi nhớ lại câu chuyện những năm chiến tranh, hàng công nghiệp thì người ta thích của Đức, Tiệp, Nga..., khi nói hàng công nghiệp nhẹ như vải họ rất thích Trung Quốc...”.
Bỏ quên thị trường nông thôn?
Thị trường nông thôn Việt Nam chiếm 70% lượng tiêu thụ hàng hoá nói chung, số hộ gia đình cũng phân bổ trên 70% ở nông thôn; theo chuyên gia bán hàng Nguyễn Duy Thuận (từng phụ trách về bán hàng và tiếp thị các công ty đa quốc gia như Unilever, Nestle, Dược Hậu Giang...), hệ thống bán hàng của DN Việt chưa bao phủ kín và hiệu quả ở thị trường này, mức độ nhận diện thương hiệu của DN Việt cũng chưa cao. Đây chính là nguyên nhân “giúp” hàng giả, hàng kém chất lượng, hàng Trung Quốc đang tập trung bán ở thị trường nông thôn Việt Nam.
Cùng quan điểm này, Thứ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Cẩm Tú cho hay, khả năng vươn tới ngõ ngách của các doanh nghiệp Việt Nam còn kém, công nghệ kinh doanh yếu... “Điều mà các doanh nghiệp Việt Nam có thể làm được (doanh nghiệp nước ngoài không thể làm được) là hãy tìm hiểu kỹ nhu cầu của người Việt Nam, văn hoá Việt Nam, đáp ứng nhu cầu đó, văn hoá đó thì chúng ta sẽ thắng trên sân nhà”, Thứ trưởng Nguyễn Cẩm Tú nhắn nhủ.
Trước câu hỏi của báo giới “Bộ Công Thương sẽ làm gì để giúp doanh nghiệp?”, vị đại diện của Bộ Công Thương bày tỏ: “Câu hỏi chính xác nhất là chúng ta phải làm gì? Bởi mình Nhà nước không thể làm được. Chính phủ và các bộ ngành phải tạo môi trường kinh doanh thích hợp, cơ chế kinh doanh thích hợp để hàng Việt Nam đến được với người tiêu dùng Việt Nam và người tiêu dùng Việt Nam có thể dùng hàng Việt Nam, tạo điều kiện để doanh nghiệp phát triển cơ sở hạ tầng, sản xuất.
Về các doanh nghiệp, phải đáp ứng được nhu cầu của thị trường về chủng loại, mẫu mã, chất lượng, giá cả... Người tiêu dùng cũng không ngoài cuộc, phải nhận thức người Việt dùng hàng Việt cũng giúp cho kinh tế phát triển.
Tôi cũng muốn nói với các doanh nghiệp đây là "vũ khí" của họ trong quá trình hội nhập kinh tế quốc tế, bởi chúng ta không thể dựng hàng rào với tất cả các doanh nghiệp nước ngoài mà không có hàng rào quanh ta. Chúng ta không thể cạnh tranh với người nước ngoài bằng vốn liếng, công nghệ, kinh nghiệm quản lý... nhưng chúng ta có thể cạnh tranh bằng văn hoá. Văn hoá là một thứ không dễ học, là rào cản rất lớn với bất cứ với người nước ngoài, kể cả người nước ngoài sống nhiều năm ở một nước. Đơn cử như gà rán KFC không bao giờ có thể thắng được phở Việt Nam...”.
Nguyễn Hiền