1. Dòng sự kiện:
  2. Tư vấn tài chính cá nhân

Áp dụng tiêu chuẩn quốc tế:

Con đường duy nhất cho doanh nghiệp!

(Dân trí) - Trước ngưỡng cửa WTO, Việt Nam sẽ phải đối mặt với nhiều thách thức to lớn xuất phát từ các nguyên tắc, quy định của WTO về những hàng rào phi thuế quan. Trong đó, hàng rào kỹ thuật trong thương mại (Hiệp định TBT), được đánh giá là khá cao đối với DN Việt Nam.

Hội nhập quốc tế từ TBT

Nằm trong hệ thống các Hiệp định của tổ chức thương mại quốc tế (WTO), TBT (Agreement on Technical Barriers to Trade), có hiệu lực từ ngày 01/01/1980 nhằm thúc đẩy các mục tiêu của Hiệp định chung về Thương mại và Thuế quan (GATT- tiền thân của WTO). TBT thừa nhận tầm quan trọng của các tiêu chuẩn quốc tế và các hệ thống quốc tế về đánh giá tính hợp chuẩn trong sản xuất và kinh doanh thương mại.

Hiệp định TBT quy định, các quốc gia thành viên phải thiết lập ở nước mình cơ quan Thông báo và Điểm hỏi đáp quốc gia về TBT. Theo đó, ngày 26/5/2005, Thủ tướng Chính phủ đã ký quyết định thành lập mạng lưới Thông báo và Điểm hỏi đáp của Việt Nam về hàng rào kỹ thuật trong thương mại.

Ông Lê Quốc Bảo - giám đốc cơ quan Thông báo và Điểm hỏi đáp quốc gia về tiêu chuẩn đo lường chất lượng cho biết: TBT là một thoả thuận giữa các nước thành viên WTO trong việc sử dụng hàng rào kỹ thuật sao cho có lợi nhất cho thương mại quốc tế mà vẫn đảm bảo các mục tiêu hợp pháp như: an ninh quốc gia, ngăn ngừa các hoạt động gian lận, bảo vệ sức khoẻ và an toàn cho con người, động vật, thực vật hoặc môi trường của mỗi nước.

Những lợi ích nói trên cũng là lợi ích của DN, có thể nói DN sẽ tiếp cận thị trường quốc tế dễ ràng hơn. TBT đưa ra nguyên tắc minh bạch về pháp quy kỹ thuật, tiêu chuẩn và các thủ tục đánh giá sự phù hợp tiêu chuẩn giữa các thành viên.

Ngoài ra, TBT đưa ra cơ chế giải quyết tranh chấp một cách hiệu quả, đảm bảo lợi ích thương mại của DN thông qua việc giải quyết tranh chấp cấp Chính phủ. Như vậy, tránh được tình trạng một hoặc một nhóm DN đơn lẻ đứng ra giải quyết các tranh chấp thương mại, mà kinh nghiệm cho thấy là kết quả thường không cao.

Khó vẫn phải cố

Hiệp định TBT tạo thuận lợi cho hàng hoá của các nước thành viên dễ dàng được chấp nhận về mặt kỹ thuật khi xuất khẩu, song sẽ phát sinh vấn đề là sản phẩm của một thành viên đồng thời phải cạnh tranh trên thị trường quốc tế và ngay tại "sân nhà" với các sản phẩm cùng loại của các thành viên khác.

Theo số liệu điều tra, hiện chỉ có khoảng 20-25% DN Việt Nam có thể áp dụng tiêu chuẩn quốc tế trong sản xuất và rất ít DN đạt được các tiêu chuẩn quốc tế, ngay cả những tiêu chuẩn phổ biến như ISO; JIC; IEC...

Thêm nữa, khi Việt Nam gia nhập WTO, sự bảo hộ của Nhà nước, dù bằng công cụ nào, đối với thương mại đều giảm, đồng thời, sự can thiệp của Nhà nước liên quan đến đầu tư thương mại, quyền kinh doanh, phân phối đối với các DN nước ngoài hoạt động tại Việt Nam sẽ dần nới lỏng.

Như vậy, nếu DN ta không chuẩn bị tốt các điều kiện để cạnh tranh sẽ khó thành công khi Việt Nam là thành viên của WTO. DN việt Nam còn nhiều việc phải làm để nâng cao tay nghề, trình độ chuyên môn cho người lao động và rút ngắn khoảng cách với khu vực và thế giới về năng lực, trình độ am hiểu pháp luật quốc tế, tình hình trong nước, trình độ ngoại ngữ…của đội ngũ cán bộ quản lý DN.

Thái Anh - PT